Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 30 tháng 11 năm 2014 | 11:32

Hà Tĩnh: Vì sao người dân Hương Thủy không có đất sản xuất?

KTNT - Từ khi Hà Tĩnh thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, đã có không ít hệ  lụy xảy ra. Đặc biệt, khi các cấp chính quyền ưu tiên rừng cho doanh nghiệp phát triển cao su, nhiều hộ dân trước đây sống dựa vào rừng trở nên trắng tay vì mất đất sản xuất. Thực tế này đang diễn ra tại xã Hương Thủy (huyện Hương Khê).
 

Gia đình các cựu chiến binh thôn 11 xót xa vì vùng đất tự tay mình khai phá đã bị thu hồi.
 
Từ chuyện mất dân chủ...

Xã Hương Thủy nằm bên bờ sông Ngàn Sâu thuộc vùng rốn lũ huyện Hương Khê,  có diện tích đất tự nhiên trên 3.200ha. Cuộc sống của hơn 600 hộ dân chủ yếu dựa vào rừng và đất rừng. Thế nhưng, từ khi tỉnh và huyện tiến hành giao trên 2.000ha đất tự nhiên cho Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê sử dụng vào mục đích trồng cao su, thì cuộc sống người dân  gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất.

Trước đây, Hương Thủy chưa bao giờ thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi hai công ty cao su về mở rộng sản xuất trên địa bàn thì thực trạng này đã xảy ra. Cách đây 5 năm, do thấy sức hấp dẫn của cây cao su, chính quyền đã đồng ý cho doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng cao su trên địa bàn mà không hề quan tâm đến ý nguyện của người dân. Chỉ đến khi doanh nghiệp cầm sổ đỏ trên tay thì  người dân mới "té ngửa" đất của mình đã bị thu hồi.

Những hộ dân mất đất sản xuất ở thôn 11 kể lại: Từ năm 1993 về trước, tại tiểu khu 186 đồi Ba Cạnh có một làng với 20 hộ định canh định cư. Những cựu chiến binh sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở chiến trường trở về đã tích cực khai hoang phục hóa, phủ xanh đất trống đồi trọc, xây dựng cuộc sống mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Lúc đầu, họ phát cây làm rẫy trồng sắn, trồng chè; đến năm 1982 thì  đưa vợ con vào định cư ở đây dựng nhà, mở đường lập nên làng Ba Cạnh. Cuộc sống đang hồi sinh trên vùng đất mới, thế rồi vào cuối năm 1993, dịch bệnh sốt rét hoành hành, cướp đi tính mạng của nhiều người trong làng, buộc những người sống sót phải đi tìm nơi ở mới. Tuy vậy, nơi đây vẫn là vùng đất mà họ hàng ngày lui tới để tăng gia sản xuất kiếm kế sinh nhai.

Ông Lê Văn Hùng, một trong những cựu chiến binh đầu tiên định cư ở đây xúc động nói: Khu vườn trước đây nuôi sống cả gia đình, nhưng giờ đây trở nên hoang tàn khi giao cho Công ty Cao su Hương Khê. Bà Phan Thị Vân cùng cảnh như ông Hùng cũng bày tỏ: Lấy đất của dân cấp cho doanh nghiệp trồng cao su nhưng doanh nghiệp lại không trồng cao su mà thuê một hộ dân khác trồng bạch đàn lấy gỗ làm nguyên liệu, thật hết sức vô lý.

Tiếp xúc với phóng viên, người dân  xóm 11 cho biết thêm: "Ngày 7/11/2008, UBND xã Hương Thủy ra thông báo nghiêm cấm trồng các loại cây tại đồi Ba Cạnh thì những hộ dân có đất sản xuất và đất vườn tại khu vực này mới biết rằng diện tích đất mà họ bỏ nhiều công sức khai hoang, phục hóa đã bị chính quyền cấp cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Từ đó, 22 gia đình cựu chiến binh ở đây mất đất sản xuất, cuộc sống vùng rốn lũ vốn đã khó khăn, vất vả, nay lại càng khó khăn hơn".

Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, một trong những hộ đầu tiên vào khai hoang tại tiểu khu 186. Chồng bà Huệ là cựu chiến binh Nguyễn Viết Tạo, người từng tham gia trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn, khi trở về quê khai hoang phục hóa tại đồi Ba Cạnh đã lao động quá sức nên lâm bệnh qua đời, nay diện tích mà ông Tạo khai hoang phục hóa để lại cho mẹ con bà Huệ cũng bị chiếm dụng. Mặc dù gia đình có đến 3 lao động nhưng không có đất sản xuất nên rơi vào hoàn cảnh nghèo túng quanh năm.

Không chỉ gia đình bà Huệ mà những hộ dân khác khi mất đất sản xuất cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Đến chuyện vô cảm

Bất bình trước việc mất đất sản xuất, từ năm 2008 đến nay, những hộ dân này đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng nhưng vẫn chỉ là "đá ném ao bèo", lên tỉnh thì tỉnh bảo về huyện, đến huyện thì huyện giao trách nhiệm cho chính quyền xã giải quyết.

Đi tìm câu trả lời cho người dân mất đất sản xuất, chúng tôi trực tiếp gặp cấp ủy và chính quyền xã Hương Thủy thì được giải thích một cách bất nhất.
 

Người dân làng Ba Cạnh vẫn  đến thu hái chè tại khu vườn của mình trước đây nay đã bị thu hồi.

 
 
Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Phú cho rằng, nguyện vọng của người dân là chính đáng, xã đang có kế hoạch đề xuất với huyện can thiệp với công ty nhượng lại một số diện tích để cấp cho dân phát triển sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Còn ông Nguyễn Ngọc Chí, Phó chủ tịch UBND xã, lại bảo: Dân kêu kiện là không có cơ sở, vì đất đó tỉnh đã cấp quyền sử dụng cho Công ty Cao su Hương Khê nên người dân muốn đòi lại đất thì trực tiếp đến tòa án nhân dân huyện.

Theo ông Chí, từ năm 2003, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ranh giới bản đồ sử dụng đất bao trùm lên số diện tích hơn 5ha đất của 22 hộ dân xóm 11 (cũ) tại tiểu khu 186 đồi Ba Cạnh. Chính quyền xã Hương Thủy cho rằng, những hộ dân này không có cơ sở pháp lý  về quyền sử dụng đất. Nhưng trên thực tế, đây là diện tích đất mà người dân khai hoang phục hóa, sinh sống và sản xuất từ năm 1982 đến năm 1993 và hiện nay nhiều loại cây trồng như chè, tro, tranh và một số cây ăn quả khác mặc dầu bị bỏ hoang vì không được chăm sóc nhưng vẫn còn hiện hữu. Một số gia đình vẫn tranh thủ vào đây thu hái. Rõ ràng, để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhu cầu về đất sản xuất cho người dân Hương Thủy nói chung, 22 hộ ở làng Ba Cánh nói riêng, là hết sức cần thiết.

Về vấn đề này, ông  Trần Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, nói: Về luật thì người dân không có quyền  đòi lại đất vì đất của chúng tôi đã được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng. Còn việc sử dụng như thế nào lại là việc của công ty. Tuy nhiên, người dân thiếu đất, muốn có được diện tích đất trước đây mình đã khai hoang để sản xuất thì địa phương phải làm việc với công ty để tìm  cách giải  quyết, chứ  lâu nay chúng tôi chưa hề nghe địa phương nói gì. Ở huyện Vũ Quang, sau  khi địa phương đề xuất, chúng tôi đã nhượng lại 500ha đất cho dân  để phát triển sản xuất; còn làng Ba Cạnh cần khoảng10ha không phải là chuyện khó. Vấn đề là  phải có sự bàn bạc thống nhất giữa địa phương và công ty.

Có lẽ nếu nói như ông Hà thì câu chuyện đòi trả lại đất sản xuất của người dân Hương Thủy không phải kéo dài suốt nửa thập kỷ qua và nếu quả thực đúng như ông Hà trả lời trước báo giới thì chính quyền địa phương cần nhìn lại mình để nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trước nhân dân, đảm bảo quyền lợi cũng như nhu cầu chính đáng của bà con. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm  Đề án 3592 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác chuyển đổi đất rừng giúp cải thiện cuộc sống người dân vùng rốn lũ.  

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc.
                     Vũ Thìn- Sỹ Tâm
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top