Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 2 năm 2014 | 8:7

Hà Tĩnh: Xóm “hai không” ở xã về đích nông thôn mới (?!)

KTNT- Hơn 3 năm nay, nhiều hộ dân ở khu dân cư xóm Tân Học (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) phải sống trong tình trạng không điện, không có nước sạch để dùng. Điều đáng nói không chỉ đây là khu vực thuộc thành phố mà còn là xã về đích nông thôn mới năm 2013.

Dân mòn mỏi chờ đợi

Năm 2008, UBND TP Hà Tĩnh phê duyệt dự án khu dân cư xóm Tân Học thuộc xã Thạch Hạ. Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2010) của khu dân cư này được quy hoạch với 86 lô đất, giai đoạn 2 (năm 2012) là 128 lô, có cả đường giao thông, điện, nước… với 100% vốn từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng, khi dự án được triển khai, không hiểu vì lý do gì, các hạng mục hạ tầng như điện và nước không được chính quyền xã Thạch Hạ đầu tư. Vì lẽ đó, nhiều hộ dân mua đất cất nhà ở khu dân cư Tân Học phải sống trong tình trạng không điện, không nước kéo dài suốt nhiều năm.

 Chị Lê Thị Hoa bức xúc trước hiện trạng của tồn tại nhiều năm.

Chỉ vào bể nước vàng ố, Lê Thị Hoa, một hộ dân ở khu dân cư xóm Tân Học bức xúc cho biết: “Khi chúng tôi mua đất, chính quyền xã bảo sẽ xây dựng đường đi, có nước sạch và điện để dùng. Vậy mà đã mấy năm rồi, họ chỉ làm đường, còn điện với nước thì không thấy đâu. Các đồ vật trong nhà như tủ lạnh, ti vi, máy tính trong tình trạng “đắp chiếu”. Nước phải lấy từ giếng nhưng khu vực này ở ngay sát đồng ruộng nên nước bị nhiễm phèn nặng, có màu vàng, mùi tanh hôi không thể dùng được. Chúng tôi dùng bể lọc đi lọc lại mấy lần mà cũng chỉ dám dùng để rửa thôi, còn nước ăn và uống thì phải đi xin”.

Cùng chung tâm trạng với chị Hoa, anh Nguyễn Văn Thắng cho hay: “Kiến nghị với chính quyền địa phương đã nhiều lần nhưng tình hình không thay đổi nên chúng tôi buộc phải góp tiền lại mua dây điện rồi thuê thợ kéo tạm một đường dây điện để thắp sáng cho cả xóm. Ban đầu, chúng tôi dùng cọc tre nhưng sau đó cột gãy đổ rất nguy hiểm nên mọi người phải đi xin những cọc bê tông bỏ đi để về làm cột điện. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này”.

Nguồn nước mà người dân đang sử dụng nhiễm phèn nặng.

Xã liên tục hứa lèo

Đến nay, hàng trăm lô đất ở khu dân cư xóm Tân Học đã được bán hết. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 10 hộ đến làm nhà sinh sống. Cả một khu dân cư rộng lớn chỉ có lác đác vài ngôi nhà, còn lại là những bãi đất trống. Ông Võ Tá Dũng, trưởng xóm Tân Học cho hay “Đã 3 năm trôi qua, nhưng khu này chỉ mới có gần chục hộ dân tới sống. Nhiều hộ muốn chuyển đến nhưng không dám vì điều kiện quá khổ sở, thiếu điện, thiếu nước sạch. Người dân đã đã nhiều lần phản ánh nhưng xã cứ hứa hết lần này đến lần khác mà không chịu bắt điện, nước cho dân”.

 Ông Võ Tá Dũng bức xúc trao đổi với phóng viên.

Trao đổi với PV, ông Trương Công Trung, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ thừa nhận: Hiện nay, khu dân cư xóm Tân Học chưa được lắp đặt hệ thống điện và nước, gây bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân nơi đây. Theo ông Trung, trong phê duyệt của UBND TP Hà Tĩnh thì khu dân cư xóm Tân Học có đầy đủ hệ thống điện và nước. Tuy nhiên, vào giai đoạn 1, xã chỉ phê duyệt đường giao thông với mương thoát nước, còn điện, nước sạch thì chưa có nguồn để thiết kế. Trong dự toán của gói thầu giai đoạn 2 (năm 2012), xã đã đưa hệ thống nước và điện vào nhưng tới bây giờ địa phương vẫn chưa cân đối được nguồn ngân sách để thực hiện. “Trong thời gian này, ngân sách xã đang phải tập trung cao cho việc hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới (?!)”, ông Trung nói.

Được biết, xã Thạch Hạ là một trong 7 xã của tỉnh Hà Tĩnh về đích nông thôn mới trong năm 2013. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, ngay trong xã điểm của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa có điện, chưa có nước sạch để dùng./.

Bài, ảnh: Hữu Trác

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top