KTNT- Nằm ở vị trí đẹp, Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương) được khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay hàng trăm ha đất nông nghiệp bị thu hồi vẫn đang là bãi đất hoang. Tại đây, đang xảy ra một nghịch lý “dân thiếu đất sản xuất còn đất nông nghiệp thu hồi thì bỏ hoang, cỏ dại mọc”; người dân thì kêu “trời” vì chính sách bồi thường chưa thỏa đáng.
Khu công nghiệp hoành tráng
Ngày 13/6/2008 UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 2078/QĐ-UBND về việc thu hồi và tạm giao đất cho Công ty cổ phần Phúc Hưng để kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền, huyện Cẩm Giàng.
Quyết định của tỉnh Hải Dương chỉ rõ tạm giao đất cho Công ty cổ phần Phúc Hưng để kiểm kê, lập phương án bồi thường, GPMB khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền.
Theo Quyết định sẽ thu hồi 1.751.422 m2 (tương đương hơn 175 ha) đất do các hộ gia đình và UBND các xã Cẩm Điền (700.667 m2); Lương Điền (1.050.775 m2) đang quản lý sử dụng để “tạm giao” cho Công ty CP Phúc Hưng để kiểm kê, lập phương án bồi thường GPMB KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Thời hạn thu hồi lâu dài; trong 1.751.422 m2 đất thu hồi có 1.569.244 m2 thuộc nhóm đất nông ngiệp; 182.178 m2 thuộc nhóm đất phi nông nghệp.
Triển khai dự án KCN có 1.322 hộ dân thuộc 2 xã Cẩm Điền và Lương Điền bị thu hồi đất canh tác, riêng thôn Hoàng Xá có 121 hộ dân bị thu hồi đất. Theo thiết kế tổng số vốn đầu tư vào KCN khoảng 700 tỉ đồng với kỳ vọng khi KCN đi hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động là con em địa phương.
Do vậy, khi triển khai dự án chính quyền và người dân địa phương ai cũng vui mừng, tin tưởng sẽ có sự thay đổi từ KCN này. Hàng nghìn hộ dân 2 xã đã nhường lại những mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ giao cho chủ đầu tư để san lấp, giải phóng mặt bằng.
Trong lúc người dân thiếu đất canh tác thì hàng trăm ha đất thuộc KCN Cẩm Điền - Lương Điền vẫn đang là bãi đất hoang.
Thiếu vốn hay năng lực kém
Dự án KCN hoành tráng là vậy, nhưng niềm vui, sự hi vọng của người dân chưa được bao lâu đã nhanh chóng bị dập tắt. Bởi, sau lễ khởi công không hiểu vì lý do gì việc xây dựng hạ tầng KCN bị gián đoạn và bỏ hoang gần 6 năm nay.
Theo quan sát thực của phóng viên, hiện KCN Cẩm Điền - Lương Điền đang bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Hơn 150 ha đất nông nghiệp mà trước đây là đất lúa nay chỉ là bãi đất san lấp nham nhở, hạ tầng cơ sở của KCN không có gì ngoài 3 cái cổng chào cũng đang xây dựng dang dở. Hệ quả của nó khiến hàng nghìn hộ dân địa phương thiếu đất sản xuất trong nhiều năm, còn đời sống người dân thì gặp vô vàn khó khăn.
Ông Huy, một hộ dân có bị thu hồi đất bức xúc: “Mặc dù giá đền bù thời điểm đó thấp nhưng chính quyền và chủ đầu tư kêu gọi bàn giao đất người dân chúng tôi sẵn sàng chấp nhận vì nghĩ rằng KCN đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhưng đã gần 6 năm nay chẳng thấy bóng dáng doanh nghiệp, nhà máy nào vào đây hoạt động. Tấc đất, tấc vàng nhiều năm nay đất nông nghiệp của địa phương thì bị bỏ hoang còn người dân chúng tôi thì thất nghiệp”.
Hạ tầng cơ sở của KCN không có gì ngoài 3 cái cổng chào xây dựng dang dở.
Trong số các hộ dân bị thu hồi có tới hàng trăm hộ dân bị mất đất chưa được nhận tiền đền bù do phát hiện nhiều bất cập (trong đó có 36 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ và cựu chiến binh thôn Hoàng Xá). Từ thực tế này khiến đời sống các hộ vô cùng khó khăn. Nhiều năm qua, hàng trăm lá đơn của người dân đã gửi đi nhưng chưa được giải quyết.
Theo người dân phản ánh, khi bị thu hồi đất, họ không biết về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch KCN, Công ty cổ phần Phúc Hưng không họp bàn gì với người dân, mãi đến năm 2011 người dân mới nhận được bản Quyết định phô tô.
Bà Lê Thị Hiệu, gia đình liệt sĩ một trong 91 hộ dân bị thu hồi đất ở thôn Hoàng Xá bức xúc: “Đền bù cho chúng tôi chỉ có 16,2 triệu đồng/sào, không tính đến việc chuyển đổi nghề, hỗ trợ đời sống của nhân dân. Vì vậy, nhiều hộ dân trong thôn không nhận tiền đền bù. “Thậm trí đất cúng cơm của gia đình liệt sĩ, của thương binh cũng bị thu hồi”. Nếu có được cấp trả bù thì chính quyền lại bắt nhận ở xã khác cách xa thôn hàng chục km đi làm rất bất tiện”.
Theo Văn bản số 53/TB-VP của UBND huyện Cẩm Giàng cho rằng một số hộ dân đề nghị trả lại ruộng và đền bù cho các hộ dân do không sản xuất nông nghiệp được trong những năm qua không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban quản lý các KCN của tỉnh”.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Ban Quản lý các KCN của tỉnh Hải Dương tuy nhiên lại không nhận được sự hợp tác của đơn vị này.
Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền được UBND tỉnh Hải Dương tạm giao đất cho Công ty cổ phần Phúc Hưng kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 6/2008, nhưng đến nay vẫn đang là một bãi đất hoang, hoàng trăm hộ dân mất đất nông nghiệp chưa nhận tiền đền bù. Tại đây xảy ra nghịch lý người nông dân sống trên đất nông nghiệp lại thất nghiệp vì thiếu đất còn đất nông nghiệp thì lại bỏ hoang!.
Tấc đất, tấc vàng, người nông dân không có đất canh tác nên thất nghiệp, túng thiếu, khóa khăn là không thể tránh khỏi. Từ sự viêc này dư luận đặt câu hỏi phải Công ty CP Phúc Hưng thiếu vốn hay kém năng lực?.
Hoàng Văn
KTNT