Theo phản ánh của đại diện hai hộ gia đình ông Phạm Khắc Uyên và bà Phạm Thị Chiều (trú tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng), phần diện tích đất hai hộ gia đình ông Uyên và bà Chiều quản lý và sử dụng là những bãi bồi ven sông Lạch Tray, thực hiện lời kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế của địa phương trước đây, các hộ gia đình này đã cho khai hoang và vỡ hóa khu đất, từ đó đến nay đã hơn 30 năm. Tuy nhiên, trong khi đang yên ổn làm ăn thì đến khoảng tháng 10/2014, Hội đồng Bồi thường quận Lê Chân đã tiến hành kiểm kê và lên dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ cho hai hộ gia đình ông Uyên và Chiều bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đê tả Lạch Tray từ cầu An Đồng đến cầu Rào do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Cho rằng trong quyết định thu hồi cũng như phương án đền bù, hỗ trợ thu hồi đất của UBND quận Lê Chân còn có nhiều điểm bất hợp lý, ông Uyên và bà Chiều đã gửi đơn khiếu nại đến Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND, Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng, Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng thành phố Hải Phòng và nhiều cơ quan chức năng khác xem xét và giải quyết vụ việc.
Lẳng lặng thu hồi, dân tá hỏa với quyết định “trên trời”
Theo đơn khiếu nại, ngày 27/9/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 64-CP quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì diện tích đất do ông Uyên và bà Chiều đang quản lý và sử dụng là đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài và phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bằng cách viện dẫn Điều 1 Nghị định 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999 sửa đổi, bổ sung Nghị định 64/CP, ông Uyên và bà Chiều cùng nhìn nhận: “Toàn bộ đất nuôi trồng thủy sản của xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải trước kia (nay là phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) đều đã giao cho các hộ gia đình sản xuất nhưng dưới hình thức là hợp đồng đấu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản như vậy là không thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách và pháp luật liên quan về giao đất nông nghiệp, trong khi các hộ này hoàn toàn có quyền giao diện tích đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất.
Như vậy, khi xét duyệt bồi thường, diện tích đất chúng tôi đang sử dụng phải được xác định là đất nông nghiệp được Nhà nước giao sử dụng ổn định, lâu dài (sử dụng liên tục trên 30 năm) chứ không phải đất thuê. Vì vậy, cách tính bồi thường đối với đất phải được áp dụng như đối với đền bù giá trị sử dụng đất nông nghiệp được giao”.
Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc được triển khai dồn dập, đến mức người dân chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trên thực tế, ông Uyên và bà Chiều không nhận được văn bản thông báo thu hồi đất mà đáng ra UBND quận Lê Chân phải ban hành thông báo thu hồi đất chậm nhất là 90 ngày trước khi có quyết định thu hồi đất và thông báo này phải được gửi đến người dân có đất bị thu hồi, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND phường, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư có đất bị thu hồi…
“Sau này, chúng tôi chỉ nhận được bản sao dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ của đội công tác, không nhận được quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ mà chỉ nhận được thông báo đi lấy tiền bồi thường. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã không cung cấp cho chúng tôi văn bản chính để được biết về quyền lợi chính đáng của mình” - ông Uyên bức xúc cho biết thêm.
Đền bù bạc bẽo, bức xúc lên đến đỉnh điểm
Như đã nói ở trên, trong khoảng hơn 30 năm sử dụng liên tục, ông Uyên đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cải tạo đất, mua cây giống, con giống, đầu tư các công trình trên đất và thuê người quản lý, chăm sóc khu đất.
Đơn khiếu nại khẩn cấp của ông Phạm Khắc Uyên và bà Phạm Thị Chiều gửi đến các cơ quan chức năng.
Trong đơn khiếu nại của ông Uyên nêu rõ, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc quận Lê Chân cho biết tỷ lệ hỗ trợ di chuyển là 10% mức giá đối với hạng mục vật kiến trúc di chuyển được. Việc hỗ trợ này được hiểu là các tài sản có thể tái sử dụng nên không được bồi thường thiệt hại mà chỉ được hỗ trợ di dời đến chỗ khác sử dụng.
Trên khu đất, ông Uyên và bà Chiều đầu tư xây dựng, mua sắm các tài sản là để phục vụ sản xuất và cải tạo đầm tại diện tích bị thu hồi đã nhiều năm trước khi có dự án. Nay phần diện tích đất bị thu hồi không được bố trí đất khác để sản xuất, canh tác thì tài sản trên không thể tái sử dụng. Thêm vào đó, Hội đồng Bồi thường và Trung tâm phát triển quỹ đất nhận định các công trình kiến trúc như: Chuồng, lán trại nuôi lợn, gà, vịt, nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước ăn có thể di chuyển được là xa rời thực tế. Bởi đây là các công trình kiên cố, nếu phá dỡ thì chỉ còn là đống gạch vụn không còn giá trị sử dụng được.
Do đó, ông Uyên cho rằng, nếu chỉ hỗ trợ mà không bồi thường vì các tài sản có thể di dời được là không phù hợp với thực tế, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Chính vì vậy, các hộ dân đề nghị các cơ quan chức năng cần đền bù 100% giá trị tài sản theo đúng phương án ban đầu như đã thông báo.
Về phương pháp tính bồi thường, nhà bà Chiều có 8.460 cây na xiêm ở bờ đầm thuộc cống Đồng Sậy. Đây là loài cây đặc thù chắn sóng và chống xói mòn, không có quy chuẩn về mật độ cây trồng. Thế nhưng, mật độ cây trồng được quy định trong tập đơn giá kèm theo Quyết định số 58/2015 là tính theo cây trồng tập trung. Trên góc độ khoa học, cây trồng tập trung phải cách đều 4 cây khác ở 4 hướng ở khoảng cách nhất định và thường áp dụng trên một diện tích lớn.
Như vậy, mật độ cây nếu tính theo cách trồng cây phân tán sẽ mất diện tích đất ít hơn nhiều lần so với mật độ cây trồng theo phương pháp tập trung. Do đó, không thể áp đặt máy móc quy chuẩn về mật độ cây trồng tập trung vào thực tế trồng cây tại khu vực bờ đầm, bờ kè, đường đi được.
Cũng theo ông Uyên, Dự án đầu tư xây dựng kiên cố hóa và điều chỉnh hướng tuyến đê tả Lạch Tray do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư và cũng chính đơn vị này ban hành Văn bản số 207/SNN-TrT ngày 24/3/2015 hướng dẫn chi tiết các tập áp dụng đơn giá theo Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hải Phòng. Việc làm này, đã dấy lên những lo ngại thiếu sự khách quan minh bạch, hành động “vừa đá bóng vừa thổi còi” của một đơn vị vừa làm chủ đầu tư kiêm luôn việc đánh giá phương pháp tính bồi thường đối với các loại cây trồng. Thay vì hỗ trợ 10% như hiện nay, cũng cần có cơ chế xem xét đến quyền lợi của người dân với đơn giá đền bù 100% đối với các loại cây trồng và hoa màu.
Ngoài ra, trong đơn ông Uyên và bà Chiều cũng nêu, quá trình sản xuất các hộ dân đang áp dụng các công nghệ tin tiên tiến và hiệu quả sau khi nghiên cứu học hỏi những hộ sản xuất nuôi trồng giỏi trên toàn quốc và địa phương để áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới nhất vào sản xuất. Do đó, người dân mong muốn các cơ quan áp dụng hệ số k=2 để áp dụng tính bồi thường đối với chi phí đầu tư vào đất.
Người dân đề nghị xem xét lại chế độ bồi thường khi thu hồi đất
Nhằm tránh xung đột lợi ích, trong Luật Đất đai đã quy định rất rõ ràng, thu hồi đất phải công khai minh bạch, thương lượng với người dân theo cơ sở giá thị trường.
Văn bản số 42/PCĐ-BTCD của Ban Tiếp công dân Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chuyển đơn của ông Phạm Khắc Uyên và bà Phạm Thị Chiều đến UBND quận Lê Chân xem xét, giải quyết và trả lời công dân.
Khi thu hồi đất đai, chính quyền địa phương cần phải chăm lo cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Nhưng dường các cấp chính quyền Hải Phòng vẫn chưa quan tâm đúng mức, vẫn còn ở xa dân trong trường hợp này?
Chính vì lẽ đó, người dân mong muốn các cơ quan hữu quan sớm vào cuộc giải quyết thỏa đáng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của họ trong sự việc này.
Theo đó, ông Uyên và bà Chiều khiếu nại toàn bộ nội dung Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 của UBND quận Lê Chân về phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ các hộ dân và trả lời khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các hộ dân đề nghị các cơ quan hữu quan thực hiện đầy đủ trình tự thu hồi đất, cung cấp các tài liệu liên quan cho người dân được biết, được bàn, được giám sát toàn bộ quá trình bồi thường khi triển khai dự án.
P.V/Xây dựng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.