Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hoàn thành từ cuối năm 2015, để phục vụ cho dự án trọng điểm này, nhiều khu tái định cư (KTĐC) ở Hải Phòng được xây dựng. Tuy nhiên, các KTĐC hoàn thành nhiều năm nay nhưng thành phố vẫn còn nợ tiền thi công của các nhà thầu.
Khu tái định cư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại xã Mỹ Đức (An Lão) . Ảnh: Báo ANHP.
Tập thể các nhà thầu thi công các KTĐC vừa có văn bản kêu cứu khẩn cấp gửi các ban ngành ở Trung ương và TP. Hải Phòng về đề nghị thanh toán nguồn kinh phí xây dựng còn lại của các KTĐC phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Mắc nợ vì các KTĐC
Để phục vụ công tác GPMB xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trên địa bàn Hải Phòng, nơi tuyến đường đi qua, các quận, huyện (gồm Hải An, Dương Kinh, An Lão và Kiến Thụy) được giao nhiệm vụ làm đại diện chủ đầu tư thực hiện xây dựng các KTĐC. Các KTĐC đều được các nhà thầu hoàn thành giai đoạn 2008 -2010 và đã bàn giao cho chủ đầu tư để phân chia cho người dân nhận nhà ở. Hồ sơ thanh quyết toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KTĐC được thẩm định và phê duyệt xong từ năm 2011, tuy nhiên, đến nay các nhà thầu mới chỉ được thanh toán từ 50-70% giá trị hợp đồng.
Đại diện một nhà thầu cho biết: Tiến độ thi công đòi hỏi gấp, vì thế nhà thầu đã phải tập trung mọi nguồn lực từ con người, thiết bị máy móc, nguồn tài chính và cả nguồn vốn vay ngân hàng để thi công theo đúng thời hạn đề ra. Đến nay, tất cả các KTĐC đã bàn giao đưa vào sử dụng và phê duyệt quyết toán được gần 6 năm, nhưng các bên liên quan vẫn chưa có phương án thanh toán nốt số tiền còn lại, bên nọ đổ trách nhiệm cho bên kia, tập thể các nhà thầu không biết trông vào đâu để giải quyết vấn đề này.
Đơn của tập thể các nhà thầu thi công ngày 13/6/2016.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn, có tới 60% trong số các nhà thầu tham gia các thực hiện các KTĐC đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang lâm vào tình trạng bên bờ phá sản hoặc ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp không có nguồn kinh phí để chi trả tiền nguyên vật liệu, thanh toán lương, tiền vay ngân hàng, nhưng đến nay không ai đứng ra giải quyết, thanh toán...
Không công bằng?
Một doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần doanh nghiệp chậm nộp thuế đúng hạn một ngày là bị phạt nặng… nhưng hơn 6 năm nay, 62,1 tỷ đồng đang có nguy cơ bị quỵt thì TP. Hải Phòng không đả động đến, điều này là không công bằng. Sự việc trên đang dẫn đến nguy cơ phá sản đối với các doanh nghiệp bởi họ phải đi vay ngân hàng và bị phạt hợp đồng do không có tiền thanh toán với các nhà thầu khác, “nếu không thanh toán nốt số tiền còn lại thì các doanh nghiệp chúng tôi lấy tiền đâu để hoạt động”, một nhà thầu nói.
Đơn của tập thể các nhà thầu thi công ngày 20/6/2015.
Trước sự việc này, ngày 20/06/2015, tập thể các nhà thầu đã gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, ngay sau đó Bộ GTVT đã có văn bản gửi đến Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - nhà đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tại văn bản trả lời, Vidifi khẳng định: “Trách nhiệm giải quyết thanh toán công nợ lên tới 62,1 tỷ đồng cho nhà thầu xây dựng các KTĐC trên địa bàn TP. Hải Phòng phục vụ GPMB đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thuộc về Ban chỉ đạo GPMB thành phố và UBND các quận, huyện”.
Được biết, tại dự án các KTĐC, không chỉ các nhà thầu mà bản thân Vidifi cũng đang bị chủ đầu tư dự án TĐC các quận, huyện tại Hải Phòng chậm hoàn trả 110 tỷ đồng tạm ứng, mặc dù các địa phương đã thu tiền sử dụng đất của các hộ dân cũng như bán đấu giá các lô đất còn thừa.
Vì sao TP. Hải Phòng và UBND các quận, huyện của Hải Phòng chậm thanh toán 62,1 tỷ đồng cho các nhà thầu? Năm 2016, TP. Hải Phòng lấy chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, tuy nhiên với sự việc trên, liệu TP.Hải Phòng có thực hiện đúng chủ đề năm của mình, môi trường đầu tư kinh doanh có được cải thiện, từ lời nói đến việc làm có song hành? Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Minh Thọ
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.