KTNT - Khi thi công dự án đường 5 kéo dài, nhà thầu đã được UBND xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh - Hà Nội) cho “mượn” hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để xây dựng các trạm trộn bê tông. Theo quy định, nhà thầu phải tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng trả UBND xã khi dự án hoàn thành. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tự giác phá dỡ mà tiếp tục hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường giao thông.
Trạm trộn bê tông trái phép ven Quốc lộ 5 kéo dài.
Khổ vì bụi, tiếng ồn
Theo quan sát của phóng viên tại đường 5 kéo dài, đoạn qua thôn Phương Trạch (xã Vĩnh Ngọc), có 2 trạm trộn bê tông đang hoạt động ngay bên lề đường, tiếng máy móc “gào rú” ầm ĩ, xả ra không khí những lớp bụi dày đặc, phía bên ngoài là điểm tập kết vật liệu xây dựng, còn bên trong, 2 - 3 chiếc xe chở bê tông đang đợi sẵn để “ăn hàng”.
Trao đổi với phóng viên, bà L.T.H. cho biết: “Các trạm trộn bê tông hoạt động suốt ngày đêm, thải ra một lượng khói bụi lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, chưa kể những chiếc xe chuyên chở vật liệu chạy rầm rầm, vừa vương vãi đá sỏi ra đường, vừa phá nát con đường”.
Tập kết vật liệu xây dựng của các trạm trộn bê tông trái phép.
Còn anh H.V.M. cho hay: “Chúng tôi là người dân lao động, đi làm cả ngày, đêm đến chỉ mong có giấc ngủ ngon nhưng không ngủ nổi với tình trạng máy móc phát ra tiếng động ầm ĩ thế này, chưa kể việc thường xuyên hít phải khói, bụi độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Bụi bẩn, không khí ô nhiễm, tiếng ồn là thực trạng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc. Nếu 2 trạm này còn hoạt động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy với những đống phế thải, những khối bê tông trơ trụi, hàng nghìn mét vuông đất của bà con có nguy cơ thành “đất chết” vì không thể sản xuất được.
Đất nông nghiệp vẫn chưa được hoàn trả.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước thực trạng trên, phóng viên có buổi làm việc với ông Trần Thế Huy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc. Ông Huy cho biết: “Các trạm trộn này trước đây được phép hoạt động chỉ để phục vụ xây dựng dự án đường 5 kéo dài. Khi hoàn thành dự án (cuối năm 2014-PV), theo quy định, nhà thầu phải tháo dỡ công trình rồi bàn giao mặt bằng cho UBND xã. Tuy nhiên, đã quá thời hạn bàn giao mặt bằng mà nhà thầu không tháo dỡ thu dọn máy móc, vẫn tiếp tục hoạt động đến bây giờ”.
Ông Trần Thế Huy trong buổi làm việc với phóng viên.
Khi được hỏi về các biện pháp xử lý, ông Huy chia sẻ: “UBND xã đã nhiều lần mời các doanh nghiệp đến làm việc, đôn đốc, vận động, tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 trạm tự tháo dỡ dây chuyền, hai trạm còn lại vẫn ngang nhiên hoạt động. UBND xã đã báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh. UBND huyện đã yêu cầu UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường củng cố hồ sơ ra quyết định xử phạt, ngoài ra yêu cầu Công ty Điện lực Đông Anh ngừng cung cấp điện cho các công trình trạm trộn có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
Vậy là đã quá thời hạn hơn 1 năm để bàn giao đất cho UBND xã Vĩnh Ngọc nhưng 2 trạm trộn bê tông vẫn “bình chân như vại”. Đề nghị UBND huyện Đông Anh nhanh chóng giải quyết dứt điểm sự việc, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Thanh Hạ
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.