Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 8 năm 2016 | 8:10

Hàm Yên: Chậm trễ xóa bỏ lò gạch thủ công

Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện còn 101 lò gạch đất sét nung thủ công, trong đó riêng xã Thái Sơn có tới 79 lò. Theo đề nghị của Sở Xây dựng Tuyên Quang, Hàm Yên cần xóa bỏ dứt điểm 55/101 lò gạch thủ công trước ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, đến nay, số lò gạch nói trên vẫn hoạt động bình thường, còn UBND huyện thì kêu thiếu kinh phí, thiếu cơ chế hỗ trợ.

Hàm Yên còn 101 lò gạch thủ công, theo Sở Xây dựng Tuyên Quang thì 55/101 lò gạch đến hết ngày 30/6/2016 phải xóa bỏ nhưng đến nay vẫn còn tồn tại. 

UBND huyện Hàm Yên thừa nhận hiện địa phương còn tới 101 lò gạch thủ công, rải rác khắp các xã, trong đó số lò gạch cách khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100 m là 55 lò; khoảng cách trên 100m là 46 lò, tổng số lao động 1.059 người, theo cam kết  thì phải phá dỡ trước ngày 31/12/2017.

Trong báo cáo kết quả thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, Sở Xây dựng Tuyên Quang đề nghị: Đối với các lò gạch nung bằng phương pháp thủ công, lò thủ công cải tiến nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu, có khoảng cách dưới 100m phải xóa bỏ dứt điểm trước ngày1/7/2016. Theo đó, 55/101 lò gạch có khoảng cách đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100 m ở huyện Hàm Yên phải xóa bỏ dứt điểm, tuy nhiên, đến nay các lò gạch này vẫn hoạt động bình thường.

Sở Xây dựng cũng đề nghị, UBND tỉnh Tuyên Quang giao cho Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện, thành phố, UBND các xã nơi có lò gạch đang hoạt động, riêng xã Thái Sơn (Hàm Yên) lập barie 24/24 giờ kiểm tra chặt chẽ và xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật về khai thác, vận chuyển, mua bán đất sét, nguồn nguyên liệu như than, củi cung cấp cho các chủ cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ Xây dựng và các văn bản có liên quan không quy định chuyển đổi, đào tạo nghề cho người lao động, do đó việc thực hiện lộ trình xóa bỏ, chuyển đổi các lò gạch thủ công sang công nghệ tiên tiến hoặc sản xuất lò gạch không nung là hết sức khó khăn.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Tuyên Quang đề nghị UBND tỉnh  giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đề xuất, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tháo dỡ lò và hỗ trợ chuyển đổi đào tạo nghề cho lao động.

Ông Đỗ Đức Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết, hiện 55 lò gạch cách khu dân cư, khu canh tác dưới 100 m vẫn chưa được xóa bỏ vì liên quan tới giải quyết việc làm, trong khi đó chính sách hỗ trợ cho người mất việc chưa có hướng cụ thể và huyện cũng chưa biết lấy nguồn kinh phí từ đâu. Chính vì vậy, huyện kiến nghị với tỉnh, trung ương hỗ trợ tạo việc làm cho nông dân tại thời điểm xóa bỏ lò gạch thủ công chuyển sang công nghệ mới.

Có thể nói, chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của Chính phủ là đúng đắn, kịp thời, từng bước hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hiện nay. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Tuyên Quang cần chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát, hướng dẫn các địa phương trong việc xóa bỏ lò gạch thủ công. Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho người dân khi mất việc, có như vậy, chủ trương lớn của Chính phủ mới thực sự có ý nghĩa.

Hoàng Văn

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top