KTNT - Dự án ADB3 - mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (Khánh Hòa) được thực hiện từ năm 2000, hơn 100 hộ dân thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu (nay là TX.Sông Cầu - Phú Yên) được kiểm đếm và áp giá đền bù. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn vài chục hộ chưa nhận được tiền đền bù khiến người dân bức xúc, làm đơn khiếu nại liên tục.
Ông Nhung, đại diện bà con thôn Chánh Lộc, trình bày sự việc với phóng viên.
Dân hết lòng vì Nhà nước
Ông Lâm Xuân Chánh, người đại diện cho bà con thôn Chánh Lộc, trình bày: Khi triển khai dự án ADB3 (năm 2000), các thủ tục hồ sơ của chúng tôi được Ban đền bù GPMB huyện Sông Cầu kê khai đầy đủ để thu hồi đất. Ấy vậy mà tiền đền bù của chúng tôi vẫn cứ “án binh bất động” suốt 16 năm qua?!
Về dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (năm 2014), ông Chánh giãi bày: Chúng tôi được Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Sông Cầu tiến hành đo đạc, kiểm kê thu hồi đất, GPMB gấp, giao đơn vị thi công. Bà con đều hăm hở thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, hy vọng nhận được tiền đền bù như lời của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Trung ương đã rót tiền đền bù GPMB về cho Phú Yên, Phú Yên sớm giải ngân, giải quyết tiền đền bù cho dân! Trong dịp này, chúng tôi cũng hy vọng sẽ truy lĩnh tiền đền bù ở dự án ADB3 nhưng chờ mãi vẫn không thấy bóng chim tăm cá.
Dân bức xúc gởi đơn khiếu nại lên cấp tỉnh, được UBND tỉnh thông báo Kết luận số 670/TB-UBND-KL, ngày 13/11/2014 của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc. Theo đó, việc sưu tra hồ sơ cũ thuộc thẩm quyền địa phương; tiếp tục thực hiện và hoàn tất các thủ tục giải quyết tiền đền bù cho dân ở hai dự án nói trên.
Lời hứa mờ trong sương khói
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TX. Sông Cầu, ngày 8/8/2015, UBND xã Xuân Lộc đã tiến hành cuộc họp, với đủ các thành phần ở xã, thôn và đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TX.Sông Cầu, cùng 101 hộ dân hai bên Quốc lộ 1, thuộc thôn Chánh Lộc. Lý do tiến hành cuộc họp: để thống nhất ý kiến của bà con về việc áp giá đền bù, thỏa thuận đền bù.
Ông Nguyễn Chung Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, chủ trì cuộc họp đã thông qua toàn văn thông báo Kết luận số 670 của UBND tỉnh ngày 13/11/2014. Đồng thời, ông thông báo cho bà con biết, có những trường hợp đã được kiểm đếm, áp giá đền bù thuộc dự án ADB3 rồi sẽ không tiến hành đền bù nữa. Còn những trường hợp chưa có kết quả kiểm đếm, khi nào có kết quả kiểm đếm và áp giá từ Trung tâm Phát triển quỹ đất đưa về, chúng tôi sẽ cho niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và gửi cho bà con 1 bộ để theo dõi. Việc soát xét hồ sơ đền bù sẽ diễn ra nhiều đợt, do phải sưu tra lại hồ sơ ADB3 nên việc đền bù cũng sẽ tiến hành thành nhiều đợt.
Qua nhiều ý kiến của bà con chung quanh việc đền bù GPMB, chủ trì cuộc họp giải trình và kết luận: Những hồ sơ của bà con chưa nhận tiền đền bù thuộc dự án ADB3, hoặc những sai sót do quá trình kiểm đếm sẽ được bổ sung, áp giá đền bù theo đơn giá mới hiện nay của từng loại đất cụ thể, đề nghị bà con yên tâm.
Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, ông Nguyễn Chung Thịnh nhấn mạnh: Biên bản này cũng là cơ sở pháp lý giúp chính quyền và nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ có liên quan. Những cơ sở pháp lý là vậy, nhưng tại sao UBND TX.Sông Cầu và các ngành chức năng vẫn khó xử, vẫn cố tình dây dưa không chi trả đền bù cho dân, dư luận đặt vấn đề: Có sự “khuất tất” nào chăng?
Ngày 25/9/2015, UBND TX.Sông Cầu vội vã vào cuộc bằng cuộc đối thoại trực tiếp với người dân. Trong cuộc đối thoại này, ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, hứa: Bà con cứ yên tâm và tiếp tục ủng hộ Nhà nước. Tôi sẽ chỉ đạo cho Trung tâm Phát triển quỹ đất trong vòng 45 ngày phải lập phương án chi trả tiền đền bù cho bà con”.
Tuy nhiên, 45 ngày trôi qua đã lâu, lời hứa vẫn còn ghi trên giấy. Bà con không chịu nổi sự bất công, đã làm đơn khiếu nại lên Chính phủ, được Văn phòng Chính phủ chuyển hồ sơ về tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên một lần nữa chỉ đạo UBND TX.Sông Cầu giải quyết dứt điểm tiền đền bù cho dân thuộc hai dự án nói trên để tỉnh báo cáo lên Chính phủ.
Dư luận trông chờ cách giải quyết của UBND TX.Sông Cầu sao cho thuận tình, đạt lý, hợp lòng dân. Còn nếu chính quyền thấy vấn đề không thuộc thẩm quyền, đề nghị chuyển cơ quan công an điều tra, thụ lý.
Nhóm PVPY
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.