15 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng chuyển giao ở Hà Nội có sai phạm, dẫn tới tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ vừa kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội.
Kết luận cho rằng các dự án trong hai lĩnh vực giao thông và môi trường ở Hà Nội bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Theo thanh tra, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định. Từ đó các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.
Thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.
Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết.
Từ thực tế trên, kết luận thanh tra điểm tên nhiều nhà đầu tư được lựa chọn "có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An".
Hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết.
Kết luận cũng nêu, “UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực”.
Tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng
Theo Thanh tra Chính phủ, một số dự án BT đã có hiện tượng cơ quan chức năng TP Hà Nội và cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt “ẩu” dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng việc sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư được khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có kết quả thẩm tra, phê duyệt về thiết kế cơ sở và công nghệ của Bộ Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường. Khoản chi phí phát sinh lên tới 11,5 triệu USD.
Nhà đầu tư đã tự triển khai hạng mục nạo vét không có sự tham gia của cơ quan chức năng Việt Nam nhưng sau đó vẫn đề nghị quyết toán khoản tiền gần 10 triệu USD.
Dự án xây dựng nút giao Long Biên, do phê duyệt, thẩm định tổng mức đầu tư không chính xác... dẫn tới tăng giá trị hơn 60 tỷ đồng.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Bitexco làm chủ đầu tư, năng lực tài chính hạn chế, dự án chậm tiến độ... làm tăng số tiền gần 28 tỷ đồng.
Đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỷ đồng.
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Cienco 5 làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ khẳng định cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án đối ứng.
Tương tự, đường Lê Văn Lương kéo dài thi công một số hạng mục cầu vượt Sông Nhuệ, phát sinh gần 8 tỷ đồng do tăng mật độ cọc.
Từ những vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội xử lý trách nhiệm của lãnh đạo liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong quyết định lựa chọn nhà đầu tư; xử lý trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội - Hưng Yên.
Ngoài ra, Thanh tra cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý trách nhiệm các sở, ban ngành, chức năng, cơ quan quản lý hợp đồng BT và các tổ chức cá nhân thuộc UBND TP đã có khuyết điểm nêu trong kết luận./.
Theo Bá Đô/Vnexpress
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.