Huyện Mê Linh (Hà Nội) hiện có 60 dự án, trong đó có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha.
Đâu là nguyên nhân khiến hàng nghìn hecta đất dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên?
Hơn 1.000ha đất chưa GPMB
Mê Linh nhiều năm nay được biết đến là huyện có nhiều dự án bị chậm tiến độ thuộc top đầu của Hà Nội. Có dự án chậm tới 10 năm, kéo theo đó, hàng nghìn hecta đất, phần lớn là đất nông nghiệp, bị thu hồi rồi bỏ hoang gây lãng phí.
Con số này được thể hiện rõ trong báo cáo gửi HĐND TP. Hà Nội mới đây. Huyện Mê Linh cho biết, trên địa bàn có 60 dự án, trong đó có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha.
Đối với 4 dự án chậm triển khai phải thu hồi với tổng diện tích 276,1ha, giao cho huyện Mê Linh quản lý (tháng 8/2020, thành phố đồng ý gia hạn tạm dừng quyết định thu hồi trong thời gian 12 tháng đối với dự án khu đô thị Vinalines để thực hiện công tác bồi thường GPMB). Hiện nay, huyện đang phối hợp mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất lập dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trong 47 dự án đô thị, có 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch được tiếp tục triển khai ngay; 32 dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 02 dự án mới phê duyệt nhiệm vụ, chưa được phê duyệt quy hoạch chỉ tiết; 01 dự án nằm trong quy hoạch mặt nước, chủ đầu tư đã dừng triển khai dự án. Đến nay, UBND TP. Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch được 15 dự án, còn lại 17 dự án chưa được điều chỉnh quy hoạch.
Huyện Mê Linh cho biết, qua rà soát 60 dự án chậm triển khai đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện công tác điều chỉnh. Đến nay, UBND TP. Hà Nội đã điều chỉnh chủ trương đầu tư 07 dự án, còn 53 dự án chưa điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
Đặc biệt, trong tổng 60 dự án, hiện mới có 20 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất giá trị 1.255,9 tỷ đồng; 06 dự án đã nộp tiền sử dụng đất, tổng số tiền là 145,9 tỷ đồng, còn nợ (bao gồm cả tiền chậm nộp thuế) là 368,3 tỷ đồng. Cơ quan thuế chưa có quản lý thu 26 dự án, nguyên nhân bởi dự án chưa hoàn thiện thủ tục hoặc hồ sơ chưa nộp về cơ quan thuế để quản lý thu.
Về công tác giao đất thực hiện dự án, tổng 60 dự án, hiện đã có 36 dự án được giao đất, còn 21 dự án chưa được giao đất thực hiện dự án và 03 dự án được giao đất một phần theo từng giai đoạn.
Liên quan tới công tác bồi thường GPMB, đến nay có 21/60 dự án đã hoàn thành công tác GPMB với diện tích 438,1 ha; 28 dự án đang GPMB dở dang với diện tích đã GPMB 607,9ha, còn 179,3ha chưa GPMB; 11 dự án chưa thực hiện công tác GPMB, với diện tích 915ha.
Nguồn lực nhà đầu tư hạn chế
Huyện Mê Linh cho biết, những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, các sở, ngành của thành phố và Huyện ủy Mê Linh nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thanh tra, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các dự án đến thời điểm hiện nay đã có những chuyển biến.
Tuy nhiên, cơ bản các dự án xây dựng đô thị đều triển khai chậm, kéo dài nhiều năm, việc chậm triển khai có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan bởi các dự án phải thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị của TP. Hà Nội; khó khăn do đơn giá bồi thường GPMB của Hà Nội và của tỉnh Vĩnh Phúc có sự khác nhau (Mê Linh sáp nhập vào TP. Hà Nội năm 2008)…
Nguyên nhân chủ quan là do nhà đầu tư nguồn lực, năng lực còn hạn chế, chưa tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và UBND huyện Mê Linh để được hướng dẫn lập và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng.
UBND huyện Mê Linh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư các dự án nhanh chóng triển khai thực hiện theo quy định, yêu cầu chủ đầu tư các dự án xây dựng, cam kết tiến độ thực hiện cụ thể. Tích cực phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, báo cáo các sở, ngành và UBND thành phố quan tâm điều chỉnh quy hoạch, chủ trương đầu tư, giao đất và công tác bồi thường giải phóng mặt.
Đối với các chủ đầu tư không phối hợp triển khai thực hiện dự án hoặc không đủ năng lực để đầu tư, kiên quyết báo cáo thành phố thu hồi dự án và giao cho chủ đầu tư khác có năng lực để thực hiện theo quy định.
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều dự án ở huyện Mê Linh đang chậm triển khai, chậm GPMB khiến hàng nghìn hecta đất, phần lớn là đất nông nghiệp, bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, mất mỹ quan đô thị. Thiết nghĩ, TP. Hà Nội cần mạnh tay hơn nữa trong việc chấm dứt các dự án chậm tiến độ GPMB, chậm tiến độ triển khai.
Tính đến ngày 7/4/2021, huyện Mê Linh có nhiều dự án chậm tiến độ GPMB, điển hình như: 1; Công ty CP Đầu tư Bất động sản Prime Land, dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong, chậm GPMB, chưa triển khai thực hiện xây dựng. 2; Công ty CP Đầu tư Phát triển TDK, dự án Khu nhà ở TDK, chưa được giao đất, chậm GPMB. 3; Công ty CP Đầu tư Thương mại Du lịch Minh Đức, dự án Khu nhà ở Minh Đức, chưa được giao đất, chậm GPMB. 4; Công ty TNHH Minh Giang, dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (giai đoạn 2), chưa được giao đất, chậm GPMB. 5; Công ty TNHH Minh Giang, dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và mở rộng, chưa được giao đất, chậm GPMB. 6; Công ty CP Đầu tư và Thương mại Minh Giang, dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (giai đoạn 1), chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chậm GPMB. 7; Công ty CP Đầu tư phát triển 18, dự án Khu nhà chung cư cao tầng và nhà ở cán bộ công nhân các khu công nghiệp, chưa được giao đất, chậm GPMB, nợ 64 tỷ đồng. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.