Ngày 09/2/2017, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa xét xử vụ án hành chính sau 4 lần tạm hoãn, tuyên hủy 8 quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Việc Hội đồng xét xử ra bản án tuyên hủy cùng lúc 8 quyết định hành chính trong một vụ kiện là hiếm thấy trong lịch sử hoạt động tố tụng tại TAND tỉnh Hậu Giang từ trước tới nay. Trong vụ án này, nguyên đơn là bà Phạm Thị Gọn, thường trú ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Bị đơn là Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Người đại diện ủy quyền của bà Phạm Thị Gọn là luật sư Nguyễn Văn Luân, Công ty Luật Miền Tây, thuộc Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ.
Phiên tòa xét xử vụ án bà Phạm Thị Gọn
Theo hồ sơ vụ án, năm 2006, bà Phạm Thị Gọn có mua của ông Huỳnh Văn Vũ 6.723m2 đất với giá 1.680.750.000 đồng; năm 2012, mua thêm của ông Lưu Huy Hoàng 1.905m2 với giá 1.380.000.000 đồng. Sau khi nhận chuyển nhượng phần đất trên, bà Gọn thuê người lên bờ xung quanh, bơm gần 9.000m3 cát san lấp mặt bằng để xây dựng nhà xưởng kinh doanh. Ngày 16/01/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn số 78/UBND-KTTH thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư phục vụ mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, tại xã Long Thạnh, huyện Phung Hiệp, nguồn vốn từ ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ. Ngày 22/05/2014, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 716/QĐ-UBND về việc quy hoạch đất và thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án. Ngày 20/06/2014, UBND huyện Phụng Hiệp ban hành Quyết định số 3643a/QĐ-UBND về việc thu hồi 7.601,30m2 đất của hộ bà Gọn. Ngày 25/06/2014, UBND huyện Phụng Hiệp ban hành Quyết định số 3677a/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Hộ bà Gọn được phê duyệt số tiền bồi hoàn, hỗ trợ 1.096.821.999 đồng.
Ngày 28/07/2014, UBND huyện Phụng Hiệp lập Tờ trình số 274/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Hậu Giang dựa trên khối lượng cát mà cơ quan chức năng đã thẩm định trên nền đất thu hồi của bà Gọn là 8.929,5m3, đề nghị hỗ trợ cho gia đình bà Gọn với đơn giá 74.545 đồng/m3, số tiền bồi thường là 665.649.578 đồng. Ngày 19/11/2014, UBND huyện Phụng Hiệp ban hành Quyết định số 6669/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất; trong đó hộ bà Gọn được bồi thường bổ sung 127.208.001 đồng.
Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất, bà Gọn có đơn khiếu nại gửi đến UBND huyện Phụng Hiệp và UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị xem xét lại các quyết định trên. Ngày 06/01/2015, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp ban hành Quyết định số 62/QĐ-UBND bác đơn khiếu nại của bà Gọn. Đến ngày 01/04/2015, UBND huyện Phụng Hiệp ban hành Quyết định số 2099/QĐ-UBND điều chỉnh Điều 1, Quyết định thu hồi đất số 3643a/QĐ-UBND vì có sai sót về phân loại đất ghi trong quyết định thu hồi đất.
Không đồng ý với quyết định bác đơn khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, bà Gọn tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ngày 14/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 962/QĐ-UBND bác đơn khiếu nại của bà Gọn, giữ nguyên Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp về việc giải quyết khiếu nại của bà.
Ngày 28/04/2016, bà Gọn tiếp tục có đơn khởi kiện tất cả các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị TAND tỉnh Hậu Giang hủy một phần Quyết định số 3677a/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 của UBND huyện Phụng Hiệp và Quyết định số 6669/QĐ-UBND ngày 19/11/2014 của UBND huyện Phụng Hiệp về việc phê duyệt và phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư liên quan đến phần đất của bà; huỷ toàn bộ nội dung Quyết định số 3643a/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND huyện Phụng Hiệp về việc thu hồi đất của bà Gọn; hủy Quyết định số 2099/QĐ-UBND ngày 01/5/2015 về việc điều chỉnh tại Điều 1 Quyết định số 3643a/QĐ-UBND ngày 20/06/2014 của UBND huyện Phụng Hiệp; hủy Quyết định số 3677a/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 và Quyết định số 6669/QĐ-UBND ngày 19/11/2014 của UBND huyện Phụng Hiệp về việc phê duyệt và phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư liên quan đến phần đất của bà Gọn; hủy Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp về việc giải quyết khiếu nại của bà Gọn; hủy Quyết định hành chính số 962/QĐ-UBND ngày 14/7/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Gọn.
Tất cả các quyết định hành chính trên bị TAND tỉnh Hậu Giang tuyên hủy là do vi phạm về trình tự thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất (vi phạm thời hạn thông báo thu hồi đất). Cụ thể, kể từ ngày UBND huyện Phụng Hiệp ra quyết định về việc quy hoạch và thông báo thu hồi đất đến khi ra Quyết định số 3643a/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 về việc thu hồi đất của bà Gọn chỉ có 28 ngày, trong khi theo quy định tại khoản 2, Điều 39, Luật Đất đai năm 2003 thì trước khi thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...
Dư luận đặt câu hỏi, có phải UBND huyện Phụng Hiệp vội vàng ban hành Quyết định số 3643a/QĐ-UBND ngày 20/06/2014 về việc thu hồi đất của bà Gọn và các hộ dân ở đây để né việc áp giá bồi hoàn theo Luật Đất đai mới? Chính cách làm tắc trách này dẫn đến vi phạm về trình tự thủ tục ban hành văn bản theo luật định mà TAND tỉnh Hậu Giang phải tuyên hủy hàng loạt.
Thanh Hải
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.