Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2022 | 15:56

Hiện trạng “loạn giá” thuốc, thiết bị y tế và cửa hàng xăng dầu ngưng bán hàng

Hiện nay, tình trạng thị trường “loạn giá” vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 và tình trạng ngừng bán xăng tại một số cửa hàng xăng dầu đang xảy ra… Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Giá thiết bị y tế tăng đột ngột
 
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tình trạng F0 liên tục tăng khiến thị trường kit test xảy ra tình trạng “loạn giá”. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều người vào quầy thuốc trên đường Hàng Bông, Hà Nội mua kit test nhanh. Chủ hàng cam kết kit test có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, độ chính xác cao.
 
Thế nhưng thị trường nhan nhản quá nhiều loại test nhanh khiến người mua cũng hoang mang chỉ biết tin vào chủ nhà thuốc. Đáng nói giá cả mỗi nơi một kiểu, người bán cũng không tha thiết bởi khách mua không thiếu, đặc biệt, giá của các bộ kit test đang "nhảy múa" trên trang mạng xã hội. Cùng một chủng loại, nhưng giá mỗi nơi một khác.
 
Trong vai người mua hàng, phóng viên đã liên hệ với chủ tài khoản M.H trên Facebook để hỏi mua kit test loại Ediagnosis – loại test nước bọt có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua báo giá, chủ tài khoản FB này cho biết giá 1 bộ kit test này là 68.000 đồng/ bộ. Trong khi đó, chủ tài khoản J.Y đăng bán bộ kit test này với giá 75.000 đồng/bộ. Tuy nhiên cũng loại Ediagnosis, chủ tài khoản FB là N.H chỉ giao bán với giá 55.000 đồng/ bộ.
trước-thực-trạng-này-qltt-hà-nội-đã-chỉ-đạo-các-đội-qltt-tăng-cường-tập-trung-kiểm-tra-kiểm-soát-xử-lý-vi-phạm-trong-kinh-doanh-vật-tư-thiết-bị-y-tế-các-loại-thuốc-hỗ-trợ-điều-trị-covid-19.jpg
Trước thực trạng này, QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19
Trước thực trạng này và qua thông tin từ Bộ Y tế về việc trên thị trường giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột ngột, lưu thông một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội tăng cường công tác quản lý thông tin theo lĩnh vực, địa bàn.
 
Song song đó, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND TP. Hà Nội, văn bản số 90/QLTTHN-NVTN của Cục QLTT Hà Nội về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, kinh doanh xăng dầu, kiểm soát giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống, hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19: bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19...
 
Đồng thời, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế. Đặc biệt là đối với hành vi buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh Covid-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.
giá-kit-test-covid9-đanrên-các-trang-mạng-xã-hội.jpg
Giá kit test Covid-19 đang "nhảy múa" trên các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu, trong quá trình thực thi công vụ, yêu cầu công chức QLTT chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; Đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch bệnh.

Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc

Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid-19.

Theo đó, văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường nêu rõ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu mua kit test Covid-19 (bộ xét nghiệm nhanh) của người dân tăng cao. Theo phản ánh của các phương tiện truyền thông, có hiện tượng một số đối tượng buôn bán mặt hàng kit test nhanh Covid-19 và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vì vậy, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Tổng cục về kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Cùng với đó, chỉ đạo các đội Quản lý thị trường chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

 

rao-bán-tràn-lan-kit-test-nhanh-c-19-trên-mạng-tổng-cục-quản-lý-thị-trường-vào-cuộc.jpg
Rao bán tràn lan kit test nhanh C-19 trên mạng: Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc.

Trước đó, liên quan đến vấn đề “loạn” giá kit test nhanh Covid-19, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Hiện tại, trên thị trường đang có rất nhiều loại kit test nhanh, với giá cả khác nhau, tùy vào xuất xứ. Giá bán dao động các loại từ 55.000 – 110.000/bộ. Cụ thể, các loại kit test nhanh của Hàn Quốc có giá từ 55.000 đồng – 65.000 đồng/kit; giá kit test nhanh của Vin Group có giá từ 52.000 đồng – 62.000 đồng/bộ; kit test nhanh Trung Quốc có giá từ 47.000 đồng – 55.000 đồng/bộ… Giá các loại kit test có tăng nhẹ tùy nguồn nhập và số lượng nhập từng thời điểm.

Kiểm tra, xử lý hàng loạt cửa hàng xăng dầu vi phạm

Sáng 22/2 vừa qua, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) phát đi báo cáo nhanh về tình hình xăng dầu trên cả nước qua nhiều ngày tích cực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đối với thị trường xăng dầu.

Theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến ngày 21/2/2022, lực lượng QLTT đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Tại tĩnh Hà Tĩnh, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền tại Thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn.

Sau khi kiểm tra phát hiện cửa hàng này có hành vi không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định, Đội đã tiến hành xử phạt hành chính 30 triệu đồng.

Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh và phát hiện Cửa hàng có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Đội đã tiến hành xử phạt hành chính 15 triệu đồng và kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh.

Tại tỉnh Hậu Giang, 2 cửa hàng đóng cửa đã bị Đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép. Còn ở tỉnh Quảng Bình, Cục QLTT kiểm tra phát hiện 1 cửa hàng xăng dầu có hành vi vi phạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, đã xử lý  phạt tiền 15 triệu đồng theo quy định

Tại tỉnh Thái Nguyên, Cục QLTT đã xử phạt số tiền 10 triệu đồng đối với Chi nhánh tại Thái Nguyên của Công ty cổ phần H2T Thăng Long với cùng nội dung vi phạm.

Trong khi tại tỉnh Vĩnh Long, có 7 cửa hàng thông báo đóng cửa và được Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long chấp thuận bằng văn bản. Đến nay các cửa hàng hoạt động lại bình thường. Cục QLTT đã tiến hành xử phạt 1 cửa hàng hết xăng mà không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

 

ư.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng loạt cửa hàng xăng dầu vi phạm

Tại tỉnh Sóc Trăng, lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt và tước giấp phép kinh doanh 1 cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Tại Tp.Hà Nội, Cục QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố này và chưa phát hiện vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cùng giai đoạn này, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, gám sát đối với 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, tổng cộng 704 cửa hàng, trong đó có 16 cửa hàng giấy chứng nhận đủ điều kiện đang hết hạn chờ cấp lại, các cửa hàng khác vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.

Tại tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 462 cửa hàng. Qua giám sát cho thấy có 8 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm nghỉ, dừng hoạt động hoặc chỉ bán dầu.

Đối với những cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng dầu như niêm yết giá bán lẻ xăng dầu đầy đủ, bán đúng giá theo quy định, không có trường hợp doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi găm hàng chờ nâng giá, trục lợi, gây tâm lý bất an cho người dân

Trên địa bàn Tp.HCM hiện có 548 cửa hàng. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng RON 95 để bán, nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Bao quát hơn, trên địa bàn các tỉnh miền Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Báo cáo của Tổng Cục QLTT nhận định, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên cả nước chủ yếu tại khu vực miền Nam. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh xăng dầu, chủ yếu là không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán.

Hay nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ. Nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước,…

Bên cạnh công tác kiểm tra, lực lượng QLTT cùng Sở Công Thương đã tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Ngay sau ngày điều chỉnh điều hành giá xăng dầu ngày 21/2, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất nơi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục.

Đồng thời, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng tại từng địa phương.

Việc xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định.

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top