Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 13:21

Hồ Đồng Mô bị lấn chiếm, ai chịu trách nhiệm?

Gần đây, người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bức xúc phản ánh một số công ty đã đào đất đồi, san ủi đất, lấp hồ Đồng Mô trong khi chỉ được nạo vét, san gạt tại chỗ.

tr15.jpg
Hàng trăm khối đất được chủ đầu tư san ủi, lấn hồ Đồng Mô. Tại thời điểm phóng viên tiếp cận hiện trường, nơi đây vẫn  là  công trường chưa có dấu hiệu dừng lại.

Gần đây, người dân sinh sống trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bức xúc phản ánh, trong quá trình triển khai xây dựng, hai dự án Resort Spa Cây Bồ Đề của Công ty CP Thương mại Đồng Mô và Resort G9 của Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Sơn đã đào đất đồi, san ủi đất, lấp hồ Đồng Mô trong khi chỉ được nạo vét, san gạt tại chỗ.

Tuy việc thi công lấp hồ trái phép diễn ra công khai nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có hành động ngăn chặn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che cho doanh nghiệp vi phạm!

Xẻ đồi lấn hồ

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tìm đến vị trí, nơi được người dân phản ánh đang xảy ra tình trạng san gạt đất, lấn hồ Đồng Mô nhằm tạo lối đi riêng phục vụ cho những dự án biệt thự, resort tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Được tiếp cận, ghi nhận trực tiếp tại đây thấy, với 3,9ha dành cho những công trình xây dựng resort, biệt thự đang trong quá trình hoàn thiện, một phần đồi Mơ đã bị “đào bới” làm mặt bằng, dựng đứng như bức thành nham nhở những vết cày xới, san gạt, nhìn từ xa như những vệt loang đỏ đang dần xóa đi màu xanh của cánh rừng. Phía xa sát mép nước hồ Đồng Mô là hàng loạt cây cọ mới được được trồng. 

Cạnh đó là hồ Đồng Mô, ven hồ đang xuất hiện một con đường được chủ đầu tư đổ đất san gạt có quy mô chạy dài bao quanh những resort đang thi công… Người dân ở đây cho biết, con đường này được hình thành từ quá trình đào bới, máy xúc liên tục quần thảo xẻ đồi lấn hồ để lấy mặt bằng xây dựng biệt thự.

 

tr15a.jpg
Vị trí san gạt đất lấy mặt bằng cho việc xây dựng biệt thự được chủ đầu tư hoàn thiện phần móng. Với mắt thường thì người dân cũng có thể nhận ra được phần ta-luy từ vị trí xây dựng đến phần lấn hồ khoảng chừng 7m.

 

Từ khu vực đồi Mơ, đi thuyền lên chỉ vài trăm mét là hiện trường đang xây dựng biệt thự của Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Sơn. Từ xa có thể thấy rõ phần thô của biệt thự xây dựng đang hình thành chỉ cách mép nước độ vài mét. Đi sát vào hiện trường xây dựng là ta - luy đất mới hình thành do đất xẻ đồi làm biệt thự đổ xuống, trên ta-luy đã hình thành đường dạo chạy quanh. Sát cạnh ta-luy là hòn đảo nổi được nối liền với hệ thống resort đang xây dựng, hòn đảo nổi này cũng chất đầy đất đồi đỏ sẫm. Theo người dân phản ánh, từ khi dự án này đổ đất, diện tích đảo tăng lên đáng kể.

Bao che cho vi phạm?

Ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây, đã có buổi thông tin tới các cơ quan báo chí về vụ việc này và khẳng định, phòng đã nắm bắt được thông tin các doanh nghiệp san lấp lấn hồ.

Ông Hà cho rằng, doanh nghiệp đã san lấp ở cốt nước thấp, không phải cốt nước giao đất cho doanh nghiệp. “Việc này, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Sông Tích  (Công ty Sông Tích) có văn bản cho doanh nghiệp làm ở cốt 19m. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho doanh nghiệp xây dựng từ cốt 23m trở lên. Diện tích này lấn hồ lúc nước cao thì dưới mặt nước, khi nước thấp thì lộ ra. Lỗi đầu tiên do Công ty Sông Tích, từ cốt 23 trở xuống thì công ty này phải quản lý, kể cả nước ngập hay nước rút. Công ty Sông Tích quản lý chưa chặt chẽ, làm khó cho các cơ quan chức năng.

“Chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNN Hà Nội (đơn vị được giao quản lý Công ty Sông Tích). Phải rành mạch để rõ trách nhiệm quản lý của ai”, ông Hà nói.

 

tr15b.JPG
Với dự án Resort Spa Cây Bồ Đề, Công ty Sông Tích cho phép dự án này nạo vét phần đất bồi lắng để san gạt, trong phạm vi diện tích 3,9ha.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, cho biết: Hồ Đồng Mô là hồ thủy lợi thuộc cấp thành phố quản lý, sau đó giao cho Công ty Sông Tích quản lý và khai thác. Các dự án xây dựng đã có giấy phép xây dựng cũng như các thủ tục, khi triển khai thi công thì có văn bản chấp thuận của Công ty Sông Tích đồng ý cho họ đổ đất để tập kết phần đất nền, khi xây xong móng thì họ lại múc lên. Vừa qua, đơn vị này có đào móng để làm biệt thự, trong quá trình đào thì có gạt đất xuống ta-luy, đến bây giờ vẫn chưa thể xác định được đã đổ xuống hồ bao nhiêu khối”.

 

tr15c.JPG
Chủ tịch xã Sơn Đông tại buổi làm việc với PV Báo Kinh tế nông thôn.

 

Như vậy, việc lỗi vi phạm về xây dựng đã rõ, tuy nhiên đến nay, điều khó hiểu là các cơ quan quản lý vẫn để vi phạm xảy ra mà không đình chỉ thi công hai dự án kể trên.

Mặt khác, liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây thông tin với báo chí, chỉ báo cáo lên thị xã mà không trả lời về phần có đề xuất đình chỉ thi công dự án hay không?

Với việc lấp hồ của hai dự án resort này, các biên bản kiểm tra với sự có mặt của chính quyền xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây và Công ty Sông Tích cũng không đưa ra con số cụ thể diện tích mặt nước hồ Đồng Mô bị lấp là bao nhiêu. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết thêm, diện tích mặt nước hai dự án san lấp “lấn hồ rất ít”.

Trong khi, diện tích mặt nước hồ Đồng Mô đã mất đi trong khoảng 2 tháng trở lại đây, được người dân ước tính lên tới hàng nghìn mét vuông.

Được biết, để hai dự án resort được phép xây dựng, san lấp, 2 doanh nghiệp này gửi văn bản tới Công ty Sông Tích để xin phép được nạo vét. Với dự án Resort Spa Cây Bồ Đề, Công ty Sông Tích cho phép dự án này nạo vét phần đất bồi lắng để san gạt, trong phạm vi diện tích 3,9ha. Trong quá trình thi công không được để phế liệu rơi xuống lòng hồ Đồng Mô và hoàn trả mặt bằng khu vực theo hiện trạng. Còn với dự án xây biệt thự khu resort G9, Công ty Sông Tích chấp thuận cho doanh nghiệp tận dụng bãi nổi 500m2 để làm nơi tạm chứa đất.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin về việc san lấp trái phép hồ Đồng Mô và có dấu hiệu tiếp tay vi phạm của cơ quan quản lý.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Giám đốc các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, làm rõ thông tin, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật;

Yêu cầu tập thể, cá nhân có hành vi lấn chiếm lòng hồ, san lấp trái phép đất đồi phục hồi hiện trạng ban đầu; chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự; báo cáo Thành ủy, UBND thành phố kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 15/7/2019 đồng thời thông tin trả lời báo chí theo đúng quy định; Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị quản lý trực tiếp khu vực hồ Đồng Mô để xảy ra các vi phạm (nếu có).


 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top