Sau hơn một năm xây dựng “vượt đèn đỏ,” mới đây, Công ty Cổ phần Thủy điện Suối Mu (tiền thân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng) đã bị Thanh tra Xây dựng - Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình xử phạt 30 triệu đồng, yêu cầu dừng hoạt động thi công để lập hồ sơ trình cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Dự án Thủy điện Suối Mu xây dựng tại khu vực Thác Mu, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Báo chí phản ánh, Sở ngành mới biết
Như VietnamPlus đã phản ánh, dự án Thủy điện Suối Mu (công suất 9MW) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư bắt đầu khởi công vào đầu năm 2016. Tiến độ theo phê duyệt quy hoạch là hoàn thành, hoà lưới điện vào tháng 3/2017.
Vậy nhưng, dự án thủy điện này mới chỉ có phê duyệt quy hoạch (bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình ngày 10/11/2015), không yêu cầu lập ĐTM - một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không.
Cho đến tận ngày 18/7/2016, chủ đầu tư mới có Công văn số 05/VH-MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đề nghị đơn vị này xem xét và cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Sau đó gần một tháng, ngày 15/8/2016, ông Đinh Văn Hòa - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Văn bản số 284/XN-STNMT, xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.”
Theo đại diện Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc dự án thủy điện Suối Mu thi công khi chưa có Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường là hành vi “vượt đèn đỏ” trái luật.
Nhưng không chỉ Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường xin sau làm trước, trong quá trình điều tra, chúng tôi lại phát hiện dự án thủy điện Suối Mu còn triển khai xây dựng công trình trước khi xin giấy phép đến hơn một năm.
Cụ thể, ngày 3/7/2017, tức sau một năm thi công, dự án này mới được Sở Xây Dựng Hòa Bình cấp Giấy phép xây dựng (Giấy phép xây dựng số 59/GPXD-SXD ngày 3/7/2017, do ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình ký ban hành).
Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao công trình thủy điện Suối Mu xây dựng “vượt đèn đỏ” suốt hơn một năm trời nhưng Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình lại không biết? Ông Quách Cao Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình thừa nhận: “Khi chưa có thông tin người dân và báo chí phản ánh, Sở cũng không biết dự án này.”
Lý giải cho việc “không biết” nêu trên, ông Sơn cho hay: Theo quyết định số 47/2016/QĐ-UBND về việc phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, tất cả các công trình phát sinh, đầu tiên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã phải chịu trách nhiệm kiểm tra, nếu mức độ vượt cấp thì phải báo cáo lên cấp huyện, cấp Sở.
“Đến nay, Sở Xây Dựng cũng chưa nhận được thông tin báo cáo nào từ cấp xã, huyện. Còn về chức năng quản lý của Sở cũng rất khó vì không đủ lực lượng để đi vào vùng sâu vùng xa giám sát được. Chính vì thế, quyết định số 47 được đưa ra để tăng trách nhiệm, vai trò giám sát của cấp xã lên,” ông Sơn nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định: “Đa phần công trình xây dựng vi phạm hiện nay đều do người dân và báo chí phản ánh. Chứ cấp xã nhiều khi cứ bảo do trên cấp nên không có trách nhiệm kiểm tra là không đúng.”
Dự án thủy điện Suối Mu bị phạt 30 triệu đồng do xây dựng không phép. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Tạm đình chỉ dự án, xử phạt 30 triệu đồng
Điều đáng nói là, dù chưa có Giấy phép xây dựng, chưa trình cấp có thẩm quyền Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn tạo điều kiện cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng - chủ đầu tư dự án thủy điện Suối Mu được tổ chức lễ khởi công ngay tại Hội trường xã Tự Do.
Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Đình Thiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tự Do cho biết, dự án thủy điện Suối Mu được thực hiện theo chủ trưởng của Ủy ban Nhân dân tỉnh, của huyện. Hôm doanh nghiệp tổ chức lễ khởi công xây dựng dự án vào ngày 15/5/2016, có cả có lãnh đạo huyện Lạc Sơn và nhiều cán bộ chuyên môn về tham dự.
“Còn việc cấp phép xây dựng có đúng quy trình, thủ tục hay không, kể cả Báo cáo đánh giá tác động môi trường, với chức năng thẩm quyền của xã thì chúng tôi cũng không được đi sâu vào, nên không biết,” ông Thiên giãi bày.
Vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tự Do cũng thừa nhận: “Vừa rồi có các cán bộ Sở, ngành tham mưa cho Ủy ban Nhân dân tỉnh về làm việc, tôi mới biết vấn đề báo cáo môi trường, cũng như vấn đề cấp phép xây phép của dự án thủy điện Suối Mu không đảm bảo đúng quy trình.”
Từ thực trạng nêu trên, người đứng đầu xã Tự Do kiến nghị tỉnh Hòa Bình, huyện Lạc Sơn quan tâm ưu tiên số 1 là nguồn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho người dân. Cái thứ hai là cảnh quan môi trường của Thác Mu, tiềm năng phát triển du lịch. “Cuối cùng mới đến dự án thủy điện, vì dự án thủy điện được triển khai chắc chắn sẽ không tránh khỏi tác động đến môi trường, và bao nhiêu nước vẫn là ít cho thủy điện,” ông Thiên nói.
Vậy trong việc để xảy ra sai phạm nghiêm trọng nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về ai? Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ xử lý ra sao đối với dự án thủy điện xây dựng “vượt đèn đỏ” trong suốt một năm qua?
Để làm rõ những thắc mắc nêu trên, nhóm phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, và được Phó Chủ tịch tỉnh Bùi Văn Khánh giao Sở Công Thương trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, thay vì thẳng thắn chia sẻ, cung cấp thông tin, lãnh đạo Sở này lại tìm đủ cách “né” trả lời, cung cấp thông tin.
Sáng 23/8/2017, sau gần 2 tiếng ngồi chờ Sở Công Thương “đùn đẩy” trách nhiệm trả lời, từ Giám đốc xuống Phó Giám đốc, Chánh Văn phòng…, chúng tôi mới được ông Lê Xuân Thu - Trưởng phòng năng lượng trả lời phỏng vấn.
Tuy nhiên, bản thân ông Thu khi được hỏi cũng chỉ trả lời ngắn gọn thế này: “Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thủy điện Suối Mu. Còn về việc cấp phép xây dựng thế nào là do Sở Xây Dựng, Sở Công Thương không cung cấp vấn đề này.”
Tiếp tục làm việc với Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình, ông Quách Cao Sơn - Phó Giám đốc Sở cho biết: “Sau khi có thông tin người dân và báo chí phản ánh, Sở đã thành lập đoàn đi kiểm tra; lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công xây dựng công trình thủy điện Suối Mu.”
Quyết định số 99/QD-XPHC ngày 28/6/2017, do ông Vũ Quốc Ấn, Chánh Thanh tra Sở Xây Dựng tỉnh tỉnh Hòa Bình ký ban hành (trước thời điểm báo chí phản ánh) nêu rõ: Công ty cổ phần thủy điện Suối Mu đã thi công xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Với hành vi thi công “vượt đèn đỏ” nêu trên, Công ty cổ phần Suối Mu đã bị phạt vi phạm hành chính số tiền 30 triệu đồng; dừng thi công dự án và thực hiện lập hồ sơ trình Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình cấp phép theo quy định.
Trên cơ sở đó, “Công ty cổ phần thủy điện Suối Mu có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định. Số tiền phạt trên nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình,” quyết định nêu rõ.
Lãnh đạo Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, sau khi Công ty cổ phần Suối Mu chấp hành việc nộp phạt, thực hiện lập hồ sơ, Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình sẽ cấp phép theo quy định.
Mặc dù được đánh giá là kịp thời chấn chỉnh sai phạm ngay sau khi được phản ánh, nhưng cách “phán xử” theo kiểu phạt cho tồn tại này cũng đặt ra câu hỏi liệu có tạo tiền lệ xấu cho những trường hợp tương tự xảy ra sau này? Rõ ràng, con số 30 triệu đồng là quá nhỏ, quá dễ dàng so với hành vi ngang nhiên xây dựng công trình không xin giấy phép kéo dài cả năm trời và có thể hoàn thành đưa vào sử dụng nếu không bị phát giác.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với dự án thủy điện Suối Mu của Thanh tra Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Theo Hùng Võ (Vietnam+)
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.