Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 10 năm 2021 | 9:50

Hoài Đức gắn XDNTM với tiêu chí phường, quận

Nằm liền kề với các quận nội thành Hà Nội, xu hướng đô thị hoá của huyện Hoài Đức ngày càng mạnh mẽ.

Đặc biệt, nhờ xây dựng vùng rau VietGAP cung cấp cho các siêu thị, bếp ăn bình ổn gần 10 năm qua, diện mạo nông thôn mới (NTM) Hoài Đức ngày càng khởi sắc, vững bước tiến lên quận.

 

2.JPG
Tưới rau bằng hệ thống nước sạch tại HTX Tiền Lệ.

 

Vùng rau VietGAP 33ha  

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên), cho biết, HTX chuyển sang hoạt động kiểu mới, với 500 thành viên góp vốn, từ năm 2016 đến nay, vốn điều lệ đạt trên 600 triệu đồng.     

Hiện, Tiền Lệ có 33ha rau trồng theo quy trình VietGAP, đây cũng chính là mô hình điểm của Hoài Đức. Chủ yếu sản xuất các loại rau ăn lá quen thuộc với người dân nội thành như: cải mơ, cải cúc, cải ngồng, bắp cải; mồng tơi, rau muống, su hào, sup lơ, củ cải ta... Đặc biệt, củ cải ta của Hoài Đức được người tiêu dùng ưa chuộng, vì có vị ngọt, là vị thuốc chữa được nhiều bệnh (chữa ho, long đờm, lợi tiểu, kích thích tiêu hoá, bảo vệ dạ dày...).

Đầu ra cho vùng rau 33ha nói trên chủ yếu do các đơn vị đóng trên địa bàn thu mua và phân phối như: Công ty Liêm Anh, Công ty Kinh Bắc (đây là 2 công ty lớn, chuyên cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng trong nội thành). Ngoài ra còn có 3- 4 doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu thu mua để bán cho các chợ đầu mối. Để có nguồn cung bền vững, cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên có mặt tại ruộng, theo dõi quy trình sản xuất của HTX, trước khi thu mua.

Ngoài các đơn vị trên còn có một số người chuyên thu mua đi bán lẻ ở các chợ dân sinh, các bếp ăn tập thể trên địa bàn Thủ đô. Phân phối rau xanh trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua vẫn được duy trì, không  ảnh hưởng đến vùng rau sạch của Hoài Đức. Nguyên nhân là nhờ có tổ điều phối của huyện, xã cùng chung tay hỗ trợ. Hiện,  vùng rau xã Tiền Yên ước đạt doanh số 600 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Khắc Đạo, Trưởng nhóm sản xuất rau, gồm 10 hộ dân, xóm 2, xã Tiền Yên, cho biết, gia đình tham gia HTX từ năm 2007 đến nay, với 7 sào rau ăn lá (1 sào Bắc Bộ = 360m2): cải ngồng, cải chíp, cải cúc..., chủ yếu do 2 vợ chồng canh tác. Đầu ra liên kết với Công ty An Sinh, Công ty Thực phẩm an toàn Hà Nội thu mua quanh năm.  

Bình quân gia đình gieo 8 vụ rau/năm, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, gia đình ông Đạo thu lãi 14 triệu đồng/tháng. Do canh tác rau thu nhập ổn định, nên ngày càng có nhiều hộ dân thuê đất của HTX để sản xuất; đến kỳ thu hoạch, không phải đi bán, có người đến thu mua tại ruộng. Sản xuất rau VietGAP lãi cao, nên người dân rất phấn khởi.  

“Về thu nhập của các thành viên HTX, hầu như gia đình nào cũng có 2 vợ chồng chuyên sản xuất rau, trên diện tích 2 -3 sào, thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng. Công việc khá nhàn do đã có máy móc thay thế sức lao động từ A đến Z. Bà con chỉ việc canh tác, không phải lo đầu ra, vì đã có doanh nghiệp bao tiêu”, ông Đạo cho biết thêm.

 

thanh-bình-ở-làng-quê-yên-sở-huyện-hoài-đức-ảnh-thái-hiền.jpg
Thanh bình ở làng quê Yên Sở (huyện Hoài Đức).  Ảnh Thái Hiền.

 

Tiêu chí NTM gắn với tiêu chí phường, quận

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid -19 từ đầu năm đến nay, song, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hoài Đức ước đạt 1.243 tỷ đồng, đạt 100,73% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thương mại, dịch vụ chiếm 54,04%; công nghiệp, xây dựng 41,26%; nông nghiệp 4,70%.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định, tuy nhiên, thị trường có sự biến động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ổn định, phong phú, không có biến động về giá. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, TP. Hà Nội đã cho phép Hoài Đức thành lập cụm công nghiệp Dương Liễu, giai đoạn 2; cụm công nghiệp Đông La; đồng thời, trình thành phố cho phép thành lập cụm công nghiệp Cát Quế, cụm công nghiệp Minh Khai.

Ông Cao Văn Tuyến, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, cho biết: “Hoài Đức đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí  NTM gắn với tiêu chí phường, quận. Nhất là xây dựng đề án huyện Hoài Đức đạt tiêu chí quận, hiện đã đạt 27/27 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí (không gian công cộng đô thị; tuyến đường văn minh đô thị; công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị)”.

Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, cho biết: "Ban Chỉ đạo XDNTM các xã  đã bám sát văn bản chỉ đạo của huyện để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban quản lý XDNTM, Ban giám sát cộng đồng, Ban phát triển các thôn, giai đoạn 2021-2025. Các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021 đã tiến hành rà soát, kết quả thực hiện các tiêu chí, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Còn 06 huyện chưa đạt, trong đó: Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định;  Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021;  Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022".

Ngoài ra, ông Chí còn cho biết, về xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đến nay, thành phố đã có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM. 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% số xã NTM nâng cao. Còn lại 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM (05 xã của huyện Mỹ Đức, 09 xã của huyện Ba Vì).

Đặc biệt, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng/năm, Hoài Đức 62 triệu đồng/năm, Đan Phượng 61,2 triệu đồng/năm, Chương Mỹ 60 triệu đồng/năm,… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.

 

(Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội)

 

             

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top