Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2019 | 22:12

Hơn 10ha đất hồ Thanh Lanh bị lấn tại Dự án Khu du lịch sinh thái?

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc xác minh làm rõ, Cty Cổ phần Nam Tam Đảo có hành vi “lấn” 10,78 ha đất hồ thủy lợi Thanh Lanh để xây dựng dự án khu du lịch sinh thái.

Thực hiện Quyết định số 191/QĐ-TTr ngày 3-9-2019, Tổ xác minh nội dung tố cáo của cư dân thôn Thanh Lanh và Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên đối với Cty Cổ phần Nam Tam Đảo – các hành vi đổ đất, san lấp, lấn hồ Thanh Lanh tại nhiều địa điểm, diện tích 5 đến 6ha…
 
Bước đầu kết quả xác minh tố cáo, lực lượng chức năng đã xác định nội dung tố cáo của người dân như trên là có cơ sở, quá trình xác minh đã làm rõ Cty Cổ phần Nam Tam Đảo, Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo có hành vi “san lấp bên ngoài mốc giới diện tích khoảng 10.78 ha”.
 
Cụ thể, ngày 31-10 tại biên bản làm việc với đại diện các hộ dân có đơn tố cáo, Tổ xác minh của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Cty Cổ phần Nam Tam Đảo bắt đầu triển khai việc san lấp, thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo từ tháng 2-2019. Quá trình triển khai, Cty bị cư dân xã Trung Mỹ tố cáo hành vi đổ đất san lấp hồ Thanh Lanh tại các địa điểm: Khu đồng 500; khu đồng Tỉnh đội; khu 3 cây; khu 7 bồ; khu Tắm voi; khu Thiết giáp…
 
sự-vào-cuộc-tích-cực-của-các-cơ-quan-chức-năng-sẽ-góp-phần-ngăn-chặn-những-hậu-quả-đáng-tiếc-có-thể-xảy-ra-đối-với-công-trình-thủy-lợi-quan-trọng-như-hồ-thanh-lanh.jpg
Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, sẽ góp phần ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với công trình thủy lợi quan trọng như hồ Thanh Lanh. (Nguồn: Sỹ Hào - Pháp luật xã hội).
Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc tiến hành đo đạc diện tích thực tế san lấp tại các khu đất công dân tố cáo từ ngày 1-10 đến ngày 7-10- 2019, kết quả xác định: Diện tích san lấp “bên ngoài mốc giới giao đất” theo Quyết định 1519/QĐ-UBND (tại các khu đất công dân tố cáo) là 107.846,5m2 (10,78 ha), cụ thể: Diện tích khu đồng 500 và đồng Tỉnh đội là 59.082,3m2; diện tích khu vực đồng 3 cây là 18.910,9 m2; diện tích khu vực đồng Thiết giáp 5.657,9 m2; diện tích khu vực đồng 7 bồ là 23.924,6 m2; diện tích khu Tắm voi là 270,8 m2. Nếu đối chiếu theo Quyết định số 4999/QĐ-UBND (tại các khu đất công dân tố cáo) thì diện tích “san lấp bên ngoài mốc giới” là 14,99 ha.
 
Được biết công trình hồ thủy lợi Thanh Lanh, tại tỉnh Vĩnh Phúc do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai thi công từ năm 2000, đến tháng 12-2007 công trình được nghiệm thu hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo phân cấp, công trình Hồ Thủy lợi Thanh Lanh là đập cấp 2.
 
Trước đó, ngày 12-7 Cty TNHH 1 thành viên Thủy lợi Tam Đảo cũng có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ rõ một số mốc giới của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo chưa phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi như: Mốc 160 được cắm tại vị trí giữa đập mái hạ lưu đập chính cách vai phải đập 5,0m tại cốt +69,43; mốc 67 được cắm tại vị trí giữa mái hạ lưu đập phụ số 1 ngay vai phải đập tại cốt +79,51; mốc 68; 69; 70 được chôn tại vị trí giữa mái thượng lưu đập phụ số 1; mốc 156; 157 được chôn tại vị trí đỉnh mái thượng lưu đập phụ số 2 tại vai phải và vai trái đập...
 
Ngoài ra còn một số mốc nằm trong vùng phụ cận lòng hồ. Thậm chí, hàng loạt các mốc khác 153; 154; 155; 156; 157; 158 và 159 được cắm chạy dọc theo tuyến đường quản lý, cứu hộ được chôn phía lòng hồ và vùng bán ngập, đã bao hết toàn bộ tuyến đường này.
 
Báo cáo số 2196/STNMT-CCQLDĐ ngày 28-8 của Sở TN&MT cũng cho biết: “... sau khi rà soát đối chiếu các mốc giới giao đất cho Cty Cổ phần Nam Tam Đảo, nhận thấy một số các mốc giới của dự án chưa phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, cụ thể... một số mốc giới nằm trong lòng phụ cận lòng hồ”.
 
Căn cứ các quy định của pháp luật, Sở TN&MT cũng đề xuất nên điều chỉnh chỉ giới giao đất của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, để đảm bảo an toàn hồ chứa theo quy định của pháp luật về thủy lợi, cũng như đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời đề nghị Cty Cổ phần Nam Tam Đảo, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh mốc giới tuyệt đối không cản trở và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành hồ chứa; đảm bảo các yêu cầu an toàn về phòng chống thiên tai, tìm cứu cứu nạn.
 
Như vậy có thể thấy, việc các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc tích cực vào cuộc để làm rõ, xử lý những “vấn đề” những vi phạm của Chủ đầu tư khi triển khai dự án Khu du lịch sinh thái ở hồ thủy lợi Thanh Lanh là cần thiết. Sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, sẽ góp phần ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với công trình thủy lợi quan trọng như hồ Thanh Lanh.

Gia Lai: Thủy lợi hơn 23 tỷ chưa nghiệm thu, hư hỏng do mưa nhiều?

Đập thủy lợi Nút Riêng xã Albá, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai được đầu tư hơn 23 tỷ đồng, công trình chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng phần thân đập đã bị sụt lún, đất đá xi măng vỡ vụn, nứt toác.

Dự án Công trình thuỷ lợi Nút Riêng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai ký phê duyệt đầu tư xây dựng từ đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 23 tỷ đồng. Thời gian triển khai công trình từ năm 2018 đến 2020 và UBND huyện Chư Sê được giao làm chủ đầu tư công trình.

 

phần-thân-đập-những-cục-bê-tông-thi-nhau-đội-lên.jpg
Phần thân đập những cục bê tông thi nhau đội lên (Nguồn: 
Phạm Hưởng - ENTERNEWS.VN)

 

Theo thiết kế, công trình thuỷ lợi Nút Riêng khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 92 ha lúa 2 vụ và tạo nguồn cho 50 ha cây công nghiệp của nhân dân 3 làng xã Albá và 3 làng thuộc xã Kông H’Tók, huyện Chư Sê.

Dù phần thân đập chính và nhiều tuyến kênh dẫn nước đã được thi công xong, công trình chưa nghiệm thu nhưng đã xuống cấp. Cụ thể, hạng mục tuyến đập dâng phần đập không tràn có kết cấu bằng đất đắp, mái thượng lưu gia cố bằng đá xây vữa dày 25cm đã bị sụt lún, đất đá, xi măng nứt toác, vỡ vụn. Nhiều vết nứt bê tông rộng nhiều cm chạy dài nhiều mét trên thân đập chính. Phía dưới chân đập xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nước gây sói mòn trơ nhiều thanh sắt.

 

phần-thân-đập-đất-bị-sụt-lún-xi-măng-vỡ-vụn.jpg
Phần thân đập đất bị sụt lún, xi măng vỡ vụn (Nguồn: 
Phạm Hưởng - ENTERNEWS.VN)

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hoàng Cường, cán bộ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê (Đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án) cho biết công trình thuỷ lợi Nút Riêng được khởi công từ tháng 3/2018.

Hiện nay công trình đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. “Vừa qua khi kiểm tra đã phát hiện một số vị trí bị sụt lún ở phần vai đập nên đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục trước khi bàn giao. Nguyên nhân là do vừa qua mưa lớn, phần thân đập lõi đất nên sụt lún", ông Cường nói và cho biết công trình hiện đã hoàn thành và chưa nghiệm thu, bàn giao.

Được biết, công trình thuỷ lợi Nút Riêng do liên doanh Công ty TNHH Xây dựng số 6 (Kon Tum) và Công ty Công ty TNHH MTV Phúc Hưng, huyện Chư Sê thi công.

Hà Nội kiểm điểm lãnh đạo địa phương không kịp thời ngăn chặn vi phạm đê điều

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Văn bản của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, thời gian qua, TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời, kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tiến độ và kết quả xử lý còn hạn chế, vi phạm tồn đọng nhiều.

một-công-trình-vi-phạm-đê-điều-tại-hà-nội.jpg
Một công trình vi phạm đê điều tại Hà Nội. (Nguồn: LÂM NGUYỄN - Kinhtedothi)

 

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngà 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, UBND TP Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ các quận, huyện, thị uỷ chỉ đạo các cấp uỷ Đảng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều. Định kỳ có tổng kết, đánh giá. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo khi không kịp thời ngăn chặn, để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều nhưng không xử lý dứt điểm.

Trong văn bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vi phạm tồn đọng, đặc biệt là các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều theo đúng quy định. Kiên quyết xử lý, thu hối theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Phối hợp chặt chẽ với Hạt quản lý đê điều tiến hành kiểm tra thường xuyên, xử lý ngay từ khi phát sinh. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội nếu để xảy ra những vi phạm mới không bị xử lý đúng quy định pháp luật.

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top