Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2019 | 21:58

Sóc Sơn: Ngang nghiên san lấp hồ để dựng nhà kiên cố?

Hàng trăm m2 đất có mục đích nuôi trồng thủy sản tại hồ Dộc Xăm ở thôn Quán Mỹ, xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị san lấp để xây nhà kiên cố. Người dân bức xúc phản ánh nhưng đều không nhận lại được kết quả?

Theo phản ánh của nhiều người dân sống tại địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, hồ Dộc Xăm là một trong nhưng hồ thủy lợi quan trọng của xã Tân Dân. Hồ có nhiệm vụ điều tiết, chống hạn, điều tiết nước tưới tiêu cho toàn bộ khu vực trong vùng. Nhưng nhiều tháng trở lại đây xã đã cho cá nhận thuê để nuôi trồng thủy sản nhưng “núp bóng” việc này họ lại  “ồ ạt” thuê người đổ đất, san lấp một diện tích lớn của hồ để xây nhà kiên cố.
 
Theo quan sát của PV thì hồ Dộc Xăm rộng 2,3ha, một phần của hồ nằm ngay sát tuyến đường chính dẫn vào xã, còn lại bao quanh là đất canh tác hoa màu của người dân. Diện tích hồ cạnh đường lớn gần như đã bị san bằng và đổ móng xây nhà kiên cố. Lượng đất đá dùng để sử dụng san lấp vẫn còn ngổn ngang, một số hạng mục công trình đang xây dựng vẫn còn dang dở.
 
Một người dân bức xúc cho biết: “ Xã cho người ta thuê lúc nào chúng tôi có biết đâu. Chỉ biết thuê xong là họ cứ đổ đất để xây nhà ầm ầm mà chẳng ai cản trở cả, nghe nói có ông nào làm ở xã đứng sau nên họ chẳng sợ gì. Việc san lấp này ảnh hưởng rất lớn đến khối lượng dự trữ nước tại hồ Dộc Xăm, nếu xảy ra hạn hán thì không đủ nguồn nước để chống hạn”.
 
những-công-trình-trái-phép-vẫn-đang-được-thi-công.jpg
Những công trình trái phép vẫn đang được thi công (Nguồn: Đức Anh - Báo Pháp luật Việt Nam)
Liên quan tới nội dung nêu trên, ông Ngô Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân đã có những thông tin xác nhận, có việc người dân san lấp hồ hồ để xây dựng nhà kiên cố nhưng đã cho đình chỉ và yêu cầu tháo dỡ. Khi được hỏi về văn bản hồ sơ yêu cầu tháo dỡ thì vị Chủ tịch này quanh co hứa hẹn với phóng viên nhiều lần nhưng đều không cung cấp. Mặt khác, mặc dù vị lãnh đạo xã này nói là cho đình chỉ,  nhưng công trình thì vẫn đang được triển khai chưa có dấu hiệu gì dừng lại.
 
Được biết, ngày 20/9/2019 UBND xã Tân Dân đã ký hợp đồng cho thuê mặt nước số 03/HĐ-UBND với Nguyễn Anh Tuấn, cũng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn xã  với diện tích là 23.000m2  và giá trị hợp đồng là 15 triệu đồng trên 1 năm.
 

Yên Mỹ: Xã Giai Phạm “nhức nhối” công trình sai phạm

Nhiều năm qua, trên địa bàn xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) luôn “nhức nhối” công trình xây dựng sai phạm. Các công trình được “mọc” lên trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông, bờ sông… nhưng không được giải quyết triệt để. Không những vậy, đất nông nghiệp còn bị các cá nhân chuyển nhượng, có trường hợp xây nhà sai phạm, bị chính quyền cưỡng chế, phá dỡ… nhưng sau đó một thời gian lại tiếp tục được xây dựng, như đang thách thức dư luận, chính quyền địa phương?

Chúng tôi về xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) theo phản ánh của người dân, nhiều thôn trong xã “nhức nhối” tình trạng xây nhà sai phạm, khiến dư luận bức xúc. Bởi nhiều công trình xây dựng ngang nhiên như cái “gai” đang thách thức dư luận, chính quyền và làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và mỹ quan của địa phương. Tại thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, người dân đã có nhiều ý kiến phản ánh về các hộ gia đình xây dựng nhà sai phạm trên đất nông nghiệp, như: Gia đình ông Tính, bà Linh; ông Thương, ông Huân, ông Núi, gia đình xây dựng lấn chiếm hành lang giao thông: ông Toán, ông Xướng, ông Hinh…. và nhiều hộ gia đình xây dựng lấn chiếm bờ sông từ khu vực cầu Lác.

 

dãy-nhà-kiên-cố-đầu-thôn-tử-cầu-đều-xây-dựng-trái-phép-trên-đất-ruộng-canh-tác.jpg
Dãy nhà kiên cố đầu thôn Tử Cầu đều xây dựng trái phép trên đất ruộng canh tác (Nguồn: ảnh: Phạm Hoàng - Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường).

 

Trong đó, người dân thôn Lạc Cầu, bức xúc là trường hợp của gia đình ông Xướng (nguyên trưởng thôn Lạc Cầu). Trước đây do không gương mẫu, có hành vi, vi phạm hành lang giao thông và san lấp đất công của xã, lấn chiếm hàng trăm m2 đất hành lang sông… nên ông Xướng đã bị UBND xã cho thôi giữ chức Trưởng thôn. Khi thôi giữ chức vụ Trưởng thôn, ông Xướng lại tiếp diễn nhiều việc làm, như tự ý tháo dỡ lan can bảo vệ đường, để vận chuyển vật liệu vào làm nhà, gây mất an toàn giao thông đường bộ; vì đây là vị trí giao thông nguy hiểm, khi xuống cầu người đi đường bị khuất tầm nhìn. Gia đình ông Xướng còn tự ý đổ đất lấp lên vật liệu của gia đình bà Nghị, tranh chấp đất công gây mất đoàn kết xóm làng. Mới đây nhất (đêm ngày 7/10) tranh thủ đêm tối, gia đình ông Xướng huy động người đổ bê tông vào đất hành lang giao thông, với mục đích chiếm dụng để làm nhà.

 

ngôi-nhà-3-tầng-gia-đình-ông-hoan-thôn-tử-cầu-xây-trên-đất-ruộng-03-đang-được-hoàn-thiện.jpg
Ngôi nhà 3 tầng gia đình ông Hoan, thôn Tử Cầu xây trên đất ruộng 03 đang được hoàn thiện(Nguồn: ảnh: Phạm Hoàng - Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường).

 

Gia đình ông Toán, xây dựng công trình nhà ở kiên cố lấn chiếm hành lang giao thông, đã nhiều năm gây bức xúc người dân trong thôn, vì công trình nhà ở này làm mất mỹ quan đường thôn, ngõ xóm và che khuất tầm nhìn. Người dân đã nhiều lần ý kiến, chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Gia đình ông Hinh còn xây dựng nhà 3 tầng ngay bên cầu Lác, lấn chiếm hành lang cầu đường, công trình đồ sộ này, hàng ngày vẫn thách thức dư luận, chính quyền địa phương… Đặc biệt, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, gia đình ông Núi xây cả hệ một thống trang trại, chăn nuôi.

Thôn Lạc Cầu là vậy, khi chúng tôi đến thôn Tử Cầu thì các công trình xây dựng sai phạm ở đây còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Dọc theo con đường đầu thôn, có vài chục công trình nhà ở kiên cố được xây trên đất nông nghiệp (đây là diện tích đất ruộng được chia để canh tác) đa số là nhà cao tầng từ 2- 3 tầng “hoành tráng”. Không những vậy, có ngôi nhà mọc lên giữa cánh đồng, như cái “gai” bất chấp sự bức xúc của dư luận và “thi gan” với chính quyền?! Trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp, như hộ ông Lê Ngọc Nhập chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng, nhưng sau đó một thời gian công trình lại được tiếp tục xây lên trên nền đất cũ, chính quyền cũng đành “bó tay”.

Chúng tôi ghi nhận tại thời điểm hiện tại, công trình nhà 3 tầng của gia đình ông Hoan xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, đang được hoàn thiện. Công trình này như không hề có sự can thiệp, ngăn cản của chí0nh quyền địa phương. Bởi người dân cho biết, mặc dù nhà ông Hoan đã xây cả mấy tháng nay, nhà mới sắp xong nhưng không thấy bóng dáng chính quyền can thiệp, có động thái gì và nhà ông Hoan cứ vậy “vô tư” xây dựng. Người dân thôn Tử Cầu còn phản ánh, việc nhiều hộ gia đình đã sang nhượng, mua bán đất nông nghiệp mục đích để xây dựng các công trình.

Trả lời báo chí, ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Giai Phạm, thừa nhận: “Những phản ánh của người dân về việc các hộ xây dựng sai phạm lấn chiếm hành lang giao thông, sông và xây dựng trên đất nông nghiệp là đúng. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý, lỏng lẻo của chính quyền trước đây (lịch sử để lại) như các hộ làm nhà vi phạm hành lang sông tại thôn Lạc Cầu (từ dưới khu vực chân cầu Lác) là do các hộ mua bán chuyển nhượng làm nhà từ năm 1990.

Còn như trường hợp của gia đình ông Xướng (nguyên trưởng thôn Lạc Cầu) do vi phạm đất đai, không gương mẫu lên UBND xã đã cho thôi chức Trưởng thôn. Mới đây (đêm 7/10) gia đình ông Xướng có huy động người đổ bê tông vi phạm hành lang giao thông, xã đã kịp thời phát hiện ngăn chặn. Hiện nhiều trường hợp sai phạm vượt quyền xử lý của xã, xã báo cáo lên huyện có giải pháp xử lý.

Trường hợp xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp tại thôn Tử Cầu (trên 20 trường hợp) đây là bài toán nan giải, chính quyền “bất lực” khi giải quyết. Nguyên nhân, năm 2003 thôn Tử Cầu thực hiện việc “dồn thửa đổi ruộng” có chia đều cho 139 hộ diện tích ruộng giáp đường đầu thôn. Sau đó, thôn Tử Cầu đã tự ý thu tiền của 139 hộ này, trên diện tích 43.440m2 (đây là diện tích ruộng lúa 2 vụ). Mỗi hộ, vị trí 1 mặt đường thôn là 800.000 nghìn đồng, vị trí 2 phía sau là 400.000 nghìn đồng. Số tiền này, thôn Tử Cầu giải trình là thu để làm đường làng, ngõ xóm. Chính quyền xã trước đây buông lỏng quản lý, giải quyết không dứt điểm... cùng với việc, thôn thu tiền, nên dẫn đến việc các hộ đã xây dựng các công trình nhà ở, trên đất ruộng canh tác tràn lan.

Như trường hợp gia đình ông Lê Ngọc Nhập, đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp. Sau đó, ông Nhập lại tiếp tục xây nhà, khi chính quyền xã đến lập biên bản, gia đình ông Nhập đã kéo anh em, họ hàng bao vây cán bộ, chính quyền xã không thể giải quyết. Hiện trường hợp gia đình ông Hoan đang hoàn thiện nhà 3 tầng, xã chỉ tuyên truyền, giải thích… chứ ngăn cản, cưỡng chế là không thể, vì gặp phải sự cản trở của nhiều người cũng bởi nguyên nhân, lý do gia đình này đưa ra đã nộp tiền đất ruộng cho thôn. Chính vì vậy, có những trường hợp đang mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp với mục đích xây dựng các công trình. Những trường hợp xây dựng các công trình sai phạm trên địa bàn xã, hiện đang nhiều vướng mắc, khó khăn… vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Xã đã làm văn bản báo cáo UBND huyện chỉ đạo, giải quyết và khắc phục hậu quả này”.

báo-cáo-của-ubnd-xã-giai-phạm-về-việc-xây-dựng-công-trình-trên-đất-nông-nghiệp-ở-thôn-tử-cầu.jpg

 

báo-cáo-của-ubnd-xã-giai-phạm-về-việc-xây-dựng-công-trình-trên-đất-nông-nghiệp-ở-thôn-tử-cầu-b.jpg
Báo cáo của UBND xã Giai Phạm về việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở thôn Tử Cầu (Nguồn: ảnh: Phạm Hoàng - Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường).

 

Qua sự việc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, chúng tôi xin trích dẫn, Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 16/3/2016, của UBND tỉnh Hưng Yên, trong đó có nêu: “UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức cá nhân thực hiện một số nội dung như: Nghiêm cấm việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật, hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác.

Xử lý nghiêm chính quyền ở những nơi buông lỏng quản lý về đất đai, để phát sinh tình trạng bán đất, cấp đất trái phép, để tổ chức, hộ gia đình tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm hành lang các công trình giao thông thủy lợi, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phải kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất trồng lúa ( đất nông nghiệp), đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện…”

Để làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương, việc xử lý sai phạm xây dựng các công trình sai phạm trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang giao thông, sông... xã Giai Phạm, chúng tôi đã liên hệ và đang chờ được bố trí làm việc các cơ quan chức năng của huyện Yên Mỹ.

 

Bùng phát nạn khai thác đất trái phép ở Bắc Giang

Là địa phương có nhiều dự án xây dựng đường giao thông, đô thị... huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang là “điểm nóng” khai thác đất trái phép.

“Theo phân cấp hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn là của UBND các huyện, xã. Theo đó, dù điểm mỏ do cấp nào cấp phép thì UBND huyện, xã cũng có trách nhiệm quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm liên quan; trường hợp quá thẩm quyền thì báo cáo Sở TN&MT phối hợp kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định” Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang.

Ngày 30/9 tại thôn Ngò, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam và ghi nhận một số sườn đồi đã bị đào khoét nham nhở, một số điểm còn được khoét sâu, tạo thành ao nuôi trồng thủy sản. Con đường đất dẫn vào khu đất vẫn còn in hằn, chi chít vệt bánh xe. Tuyến đường dẫn vào thôn xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

các-đối-tượng-khai-thác-trái-phép-tại-thôn-chính-hạ-xã-lan-mẫu-huyện-lục-nam-đưa-phương-tiện-dời-đi-khi-thấy-người-lạ-xuất-hiện.jpg
Các đối tượng khai thác trái phép tại thôn Chính Hạ, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam đưa phương tiện dời đi khi thấy người lạ xuất hiện (Nguồn: Hồng Nguyên - baogiaothong.vn)

 

Tại khu đất vườn đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Quế ở thôn Ngò, hàng chục ô tô, máy múc cỡ lớn đang khai thác, vận chuyển đất từ vườn đồi đến Cụm công nghiệp Đại Lâm, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang san lấp mặt bằng. Được biết, giấy phép hạ thấp độ cao, cốt nền, vận chuyển đất dư thừa phục vụ việc san lấp mặt bằng của gia đình ông Quế đã hết hạn khai thác và ngày 28-29/9, Phòng TN&MT huyện Lục Nam đã phối hợp cùng tổ công tác của Sở TN&MT tỉnh kiểm tra, xác định vị trí khai thác đất trên là trái phép, tổng khối lượng khoáng sản đã bị lấy cắp khoảng 1,5 nghìn m3.

Liên quan đến vị trí này, tháng 7/2019, ông Quế đã bị UBND huyện ban hành quyết định xử phạt 10 triệu đồng vì hành vi khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép. Cách đó không lâu, ông này cũng bị UBND xã Thanh Lâm xử phạt 5 triệu đồng với hành vi tương tự. Tuy nhiên, cứ nộp phạt xong, ông Quế lại tái phạm.

Tại thôn Chính Hạ, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam cũng có tình trạng tương tự. Một số người dân trong thôn cho biết, gần đây có một số người từ địa phương khác về mua lại đất lâm nghiệp của các hộ để khai thác, vận chuyển đi nơi khác bán, bất chấp cơ quan chức năng vẫn xử phạt vi phạm này. Cụ thể, Công an huyện Lục Nam đã phát hiện, xử lý ông Nguyễn Bá Hùng (SN 1982, trú tại xã Nghĩa Mỹ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) 15 triệu đồng; ông Lường Văn Quỳnh (SN 1976, trú tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang) 4 triệu đồng về hành vi khai thác đất trái phép.

Theo Phòng TN&MT huyện Lục Nam, nguyên nhân của tình trạng khai thác đất trái phép trên là do trên địa bàn đang triển khai hàng chục dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp, dân cư, hạ tầng giao thông lớn, nhỏ khiến nhu cầu sử dụng đất san lấp lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, Sở TN&MT, UBND huyện Lục Nam đã cấp phép cho nhiều tổ chức, cá nhân mở điểm mỏ khai thác khoáng sản, hoặc hạ thấp cốt nền, vận chuyển đất san lấp mặt bằng.

 

hiện-trường-điểm-khai-thác-trái-phép-tại-thôn-ngò-xã-thanh-lâm-huyện-lục-nam.jpg
Hiện trường điểm khai thác trái phép tại thôn Ngò, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam (Nguồn: Hồng Nguyên - baogiaothong.vn)

Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều đối tượng đã khai thác đất trái phép hoặc lợi dụng giấy phép được cấp để khai thác ngoài mốc giới, vị trí được cấp phép nhằm trục lợi. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng huyện Lục Nam đã phát hiện, xử lý 45 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. UBND huyện cũng truy thu, buộc các đối tượng vi phạm nộp lại khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế, phí đã trục lợi theo quy định.

“Xử phạt là vậy nhưng thực tế còn nhiều trường hợp do lợi nhuận trước mắt vẫn lén lút vi phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần”, ông Lương Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Nam nhìn nhận và cho biết, trước mắt, UBND huyện sẽ ban hành văn bản phê bình Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm vì buông lỏng quản lý, để xảy ra khai thác đất trái phép trong thời gian dài. Đồng thời, kiện toàn lại tổ công tác phản ứng nhanh của UBND huyện để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm các vi phạm. “UBND huyện sẽ tăng cường công tác quy hoạch các điểm mỏ, giúp người dân hoàn thiện hồ sơ hạ thấp cốt nền; nhưng sau cấp phép sẽ quản lý chặt chẽ”, ông Tuấn nói.

 

 

Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top