Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 3 năm 2020 | 15:57

Hợp tác để cùng vượt dịch Covid-19

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19, hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL,… khiến cho nhiều ngành sản xuất - kinh doanh của nước ta gặp khó khăn. Do vậy, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để cùng nhau vượt khó.

tr2.jpg
Nông sản chế biến sẽ giúp tránh tình trạng giải cứu nông sản và giành thế chủ động trên thị trường.

 

Đóng góp để chung tay phòng, chống dịch

Ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức.

“Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đã nêu ra những gương tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh và chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Nhiều người sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc bỏ tiền mua khẩu trang khan hiếm, phát miễn phí. “Đặc biệt, có cháu bé đã lấy tiền mừng tuổi của mình để mua sắm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người. Cháu đã viết: Em viết bức thư này mong muốn các bạn đội viên, các anh chị đoàn viên và mọi người sẽ cùng chung tay góp sức phòng, chống dịch tốt nhất có thể. Hiếm có bài học giáo dục nào có tác động lan tỏa tinh thần cộng đồng như thế”.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước phát huy những kết quả đạt được tiếp tục nỗ lực hết sức mình thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch, cố gắng duy trì đời sống kinh tế-xã hội bình thường, an toàn.

Trong ngày phát động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận ủng hộ, đăng ký ủng hộ của các Ngân hàng, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức với số tiền trên 236,7 tỷ đồng. Và còn rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp chưa thống kê hết.

Thời gian tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi (từ ngày 17/3-30/4/2020).

Chế biến sâu để giành thế chủ động trong tiêu thụ nông sản

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Xuân Lộc -  Đồng Nai) đứng ngồi không yên vì hàng trăm ngàn tấn sầu riêng, chôm chôm sắp thu hoạch rộ chưa biết tiêu thụ thế nào. Chỉ riêng xã viên hợp tác xã Xuân Định đã có 250ha sầu riêng và 500ha chôm chôm.

Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất khoảng 1.000ha nữa ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Thương lái cũng có đặt hàng trước, thậm chí là bao tiêu sản phẩm, nhưng nếu cửa khẩu hoặc các thị trường nhập khẩu nông sản đóng cửa vì dịch bệnh, hợp tác xã cùng đành chịu mà không thể ép thương lái theo hợp đồng. Trong khi đó, cứ vào mùa trái cây thu hoạch rộ là giá giảm liên tục.

Theo bà Nga, cách tốt nhất, căn cơ nhất là có cơ sở chế biến để lúc sầu riêng chín rộ thì có thể vừa bán tươi, vừa làm kem sầu riêng; chôm chôm cũng tách đóng hộp, bảo quản trong kho lạnh để tiêu thụ dần. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là mong muốn của nông dân ở đây nhiều năm qua, bởi muốn đầu tư cơ sở chế biến thì phải có vốn lớn.

“Trái cây năm nào có năng suất cao là giá sẽ xuống, đó là quy luật. Người trồng cũng mong có đơn vị, công ty nào đó đầu tư hoặc kết nối với nông dân để làm kho hay thu mua, chế biến trữ trái lạnh thành múi, thành kem để được lâu dài, cho nông dân yên tâm sản xuất”, bà Nga mong muốn.

Đối với các loại rau, củ, quả khác, tình trạng chung thời gian qua là không thể hoãn thời điểm thu hoạch, khó bảo quản tươi và được mùa - rớt giá thường xuyên xảy ra. Việc chế biến và chế biến sâu ngày càng trở nên quan trọng. Chế biến được rau quả không chỉ giãn thời gian tiêu thụ mà còn đa dạng sản phẩm để tiêu thụ được nhiều hơn, đồng thời gia tăng giá trị nông sản.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ có 5% rau quả được chế biến như hiện nay là quá thấp và muốn tăng tỷ lệ này thì cần được sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, hiện, Việt Nam chỉ chế biến được 5% tổng sản lượng rau quả mình trồng được, có đẩy lên cũng chỉ tăng thêm 5% nữa vì công suất máy móc chỉ có thôi. Dư địa để tăng sản lượng chế biến rất ít, vì đầu tư nhà máy chế biến đòi hỏi phải có thời gian, vốn, kỹ thuật nên không thể làm nhanh.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, mong muốn, Nhà nước có chính sách và doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư từ các dây chuyền trang thiết bị hiện đại, đến xây dựng các kho chứa để có thể trữ trong thời vụ thu hoạch rộ. Bởi hiện nay, nhu cầu nước giải khát từ trái cây rất lớn nhưng mới có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu này.

Mặt khác, trong bối cảnh nông sản Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, khủng hoảng tiêu thụ khi có biến động về xuất khẩu, thì chế biến chính là giải pháp bền vững. Trước mắt, cần vận động nông dân trồng đạt yêu cầu của nhà máy chế biến và về lâu dài là nâng công suất chế biến.

Hạ lãi suất là chưa đủ cứu doanh nghiệp

Mức giảm các lãi suất điều hành mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lần này khá mạnh tay. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm giảm 1%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5%/năm, trần lãi suất huy động giảm 0,25%/năm, trần lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm...

Quyết định được NHNN đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ đưa ra quyết định hạ thêm 1% lãi suất, đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 0-0,25%. Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, đã có hơn chục ngân hàng trung ương quốc gia, khu vực hạ lãi suất hoặc tung ra các gói kích thích kinh tế.

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc NHNN xem xét giảm lãi suất điều hành là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chưa kể, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng chịu nhiều sức ép do sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năm 2008, NHNN vẫn nên điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

“Việc giảm lãi suất không quá cấp bách. Quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống”, TS. Thành kiến nghị.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc NHNN hạ lãi suất sẽ không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn hiện nay, điều mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ. Dư địa giảm lãi suất ở Việt Nam cũng không nhiều, sức hấp thụ vốn thấp (tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,1%).

“Giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và ưu tiên sử dụng các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, vì chính sách tài khóa đi vào cuộc sống tức thì, không có độ trễ như chính sách tiền tệ”, ông Lực nói.

Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp ba

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp cho biết, hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho công nhân,người lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.

Tập đoàn thực phẩm Massan cho biết, các nhà máy của tập đoàn đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử. Tập đoàn có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.

Về mục tiêu đầu tiên, các doanh nghiệp cho biết, rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ và đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó, để khi dịch xảy ra thì không bị thất thủ.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…

Tại cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.

Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện nhưng sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

    Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

    Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào những vấn đề quan trọng, từ đó tạo sự thống nhất đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và quyết tâm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

  • Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị

    Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị

    Sáng 24/11, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề "Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung".

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian là tiền bạc, sao loay hoay mãi”

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian là tiền bạc, sao loay hoay mãi”

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”

Top