Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2017 | 2:19

Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì phải sống chung với khói bụi từ hai nhà máy gạch

Nhiều năm trở lại đây, người dân tại hai xã Tân Dân (Khoái Châu), Tân Quang (Văn Lâm - Hưng Yên) phải sống trong tình trạng ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn do hai nhà máy sản xuất gạch của Công ty CP Đầu tư Royal Việt Nam, Công ty TNHH TOKO Việt Nam gây ra. Hậu quả là người dân bị ảnh hưởng sức khỏe, hàng loạt cây ăn quả teo tóp rồi chết...

Công ty CP  Đầu tư Royal Việt Nam . 

Cây ăn quả giảm năng suất...

Theo phản ảnh của nhiều hộ dân sinh sống tại xã Tân Dân, 3 năm qua, từ khi nhà máy sản xuất gạch của Công ty CP  Đầu tư Royal Việt Nam đi vào hoạt động, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sản xuất của bà con. Người dân cho rằng, vườn cây ăn quả của họ chỉ cách công ty này 1 bức tường cho nên hàng loạt cây ăn quả mất mùa là do họng xả khói của Công ty Royal gây nên. Mặc dù bà con nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Họng xả khói của Công ty CP  Đầu tư Royal Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Tân Dân, cho biết, để duy trì vườn cây ăn quả trên mảnh vườn 1 mẫu, mỗi năm gia đình phải chi 50 triệu đồng tiền phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Những năm trước, khi đến vụ, vườn bưởi Diễn chín vàng ươm, quả sai, thương lái tranh mua 35.000 - 40.000 đồng/quả. Từ khi nhà máy gạch Royal Việt Nam hoạt động, vườn cây của gia đình thất thu, tiền đầu tư mất trắng. Hiện tại, gia đình còn nợ đại lý tiền thuốc trừ sâu, phân bón...

Theo ông Bùi Viết Báo, xóm 2, thôn Thọ Bình, hơn 10ha cây ăn quả xung quanh nhà máy gạch Royal Việt Nam bị mất mùa liên tiếp những năm qua. Không chỉ bưởi, cam, ngay cả nhãn cũng bị thiệt hại nặng về năng suất. "Thậm chí, đến trầu không vốn là cây hoang dã, sức sống mãnh liệt cũng chẳng phát triển được", ông Báo bức xúc nói.

Lá vừa đâm chồi đã rụng.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, nhiều cây cạnh nhà máy bị phủ lên mình lớp bụi màu trắng như tuyết, cách đó không xa là họng xả thải của nhà máy Royal Việt Nam nhả khói nghi ngút, có mùi khét lẹt như đốt nylon, vô cùng khó chịu. Nhiều cây có hiện tượng héo úa, một số lá non vừa đâm chồi đã rụng hết. Chưa dừng lại ở đó, tại 3 con kênh giáp 3 công ty này thì xuất hiện một thứ nước màu trắng đục, giống như nước vo gạo, có mùi tanh. 

Nước xả thải của Công ty CP  Đầu tư Royal Việt Nam. (Ảnh cắt từ clip)

Nhiều cây bị phủ một màu trắng khiến lá không thể quang hợp được.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Được, Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho hay, đã ba năm nay kể từ khi nhà máy Royal Việt Nam đi hoạt động, hàng chục hecta cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao của xã bị mất mùa, teo tóp dần rồi chết. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, cay đắng họ đành phải chặt bỏ cây cối. Mỗi lần nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đều trực tiếp xuống kiểm tra. Sau đó, chính quyền xã làm văn bản kiến nghị UBND huyện, UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu Công ty Royal Việt Nam giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Ông Nguyễn Quang Được, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân.

Trong một báo cáo gửi Phòng NN-PTNT, Phòng TN&MT, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Khoái Châu, UBND xã Tân Dân xác nhận: Việc cây nhãn và cây có múi của nông dân thôn Thọ Bình bị táp lá, dẫn đến héo lá, gây ảnh hưởng nặng đến sự phát triển của cây trồng là có thật. Đây là lần thứ 2 xảy ra hiện tượng tương tự.

Cũng theo báo cáo trên, nguyên nhân gây táp lá được nghi là do cột khói khí thải của nhà máy gạch Royal thải ra môi trường, gặp đợt không khí lạnh ngày 28/2 – 1/3/2017 thổi theo hướng đông bắc nên nhiều cây trồng bị táp lá rất nặng. Tổng diện tích trồng cây có múi và nhãn ở khu đồng Bờ Quanh 9,59 mẫu, trong đó số hộ dân có cây trồng ở khu bờ quanh là 19 hộ. Diện tích bị ảnh hưởng héo chồi, nõn, lá cây khoảng 50 – 60% (tính đến ngày 1/3/2017). Do chồi non, lá cây bị héo, năng suất sụt giảm khiến nhân dân rất bức xúc.

Sống chung với khói, bụi và bệnh tật

Nhiều năm qua, người dân thôn Chí Trung (xã Tân Quang) phải hứng chịu khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn từ việc sản vật liệu xây dựng của Công ty TNHH TOKO Việt Nam. Không chỉ có vậy, hàng loạt phương tiện chuyên chở quá khổ, quá tải hoạt động ngày đêm đang khiến con đường DH18 bị cày nát, ngày mưa thì nhếch nhác, bẩn thỉu, ngày nắng thì bụi bặm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH TOKO Việt Nam (trụ sở thôn Bình Lương, xã Tân Quang) hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu gạch ốp lát, vật liệu xây dựng. Hàng trăm tấn than được Công ty TOKO Việt Nam đốt phục vụ sản xuất suốt ngày đêm.

 Con đường DH18 bị cày nát.

Những chiếc xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân khiến con đường DH18 bị cày nát. (Ảnh cắt từ clip)

Anh Nguyễn Quang Quyết, người dân sinh sống trên địa bàn, cho biết: “Hoạt động xả thải của Công ty TOKO Việt Nam diễn ra chủ yếu vào ban đêm kéo theo đó là những làn khói xanh, bụi dày đặc, nồng nặc bay vào trong làng. Đến chập tối, người dân trong làng phải cửa đóng then cài để tránh khí độc. Mùi khét khó chịu từ lò đốt khiến người dân trong thôn thường xuyên bị khó thở, cây cối, hoa màu không cho thu hoạch, tỷ lệ người dân chết vì ung thư phổi và ung thư vòm họng, bị tổn hại đường hô hấp, viêm phế quản ngày một tăng”.

Anh Nguyễn Quang Quyết.

Trưởng thôn Chí Trung Ngô Văn Mộc cho biết: “5 năm nay, từ khi Công ty TOKO Việt Nam mở rộng dây chuyền sản xuất, đã làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của chúng tôi. Nghiêm trọng hơn, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng, một số diện tích lúa cấy xong bị táp hết. Lượng khói than, hơi nóng đẩy vào trong thôn khiến hầu hết cây ăn quả đều không cho thu hoạch”.

Ông Ngô Văn Mộc, Trưởng thôn Chí Trung, chia sẻ về những khó khăn của nhân dân.

Bức xúc trước việc Công ty TNHH TOKO Việt Nam sản xuất gạch gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe, người dân thôn Chí Trung đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty TOKO Việt Nam có biện pháp xử lý khói bụi bảo vệ môi trường. Nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này. Công ty TOKO Việt Nam còn mua thêm đất cạnh để làm nơi chứa chất thải, bãi chứa than, làm ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Hàng loạt văn bản, biên bản được người dân, chính quyền cơ sở gửi lên cấp huyện, tỉnh đề nghị xử lý dứt điểm khiếu nại của người dân nhưng câu chuyện vẫn chỉ ở mức đền bù cây cối, hoa màu. Nhưng sức khỏe, tính mạng của họ và con em họ thì không có gì đền bù nổi.

Công ty TNHH TOKO Việt Nam. 

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lí dứt điểm tình trạng ô nhiễm do hai công ty trên gây ra, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

                                                                 Thanh Xuân

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top