Tiên phong thay đổi phương pháp canh tác thanh long bằng việc bỏ trụ bê tông, cho cây leo giàn, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Phí Đình Thịnh cho năng suất cao hơn 1,2 - 1,5 lần.
Tiên phong thay đổi phương pháp canh tác thanh long bằng việc bỏ trụ bê tông, cho cây leo giàn, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Phí Đình Thịnh, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy - Hòa Bình) cho năng suất cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với sử dụng trụ bê tông.
Gia đình anh Thịnh là một trong những hộ thành viên trồng thanh long của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, luôn mong muốn quy trình canh tác tạo ra sản phẩm sạch, bắt kịp xu thế nông nghiệp hiện đại, tiết kiệm và cho lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, anh giành nhiều thời gian đi tham quan mô hình ở một số tỉnh, thành phố, tham khảo tài liệu qua nhiều kênh, tìm hiểu kỹ thuật để áp dụng tại trang trại của mình.
Từ tháng 4/2020, anh bắt đầu xây dựng mô hình trồng thanh long leo giàn trên diện tích 1ha. Tận dụng những trụ bê tông cũ, anh dựng giàn hình chữ T chạy dài hết mỗi luống cây, thanh long mọc leo trên giàn thay vì chỉ leo trên các trụ bê tông. Nếu trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông, mỗi trụ cách nhau tới 3m thì với mô hình kiểu mới này, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích lại giảm công chăm sóc. Anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới thông minh để đảm bảo toàn bộ diện tích cây trồng được cung cấp đủ nước. Bên cạnh đó, diện tích đất giữa các giàn thanh long được trồng thêm cỏ lạc tạo thảm thực vật, nhờ đó đất tăng độ xốp, giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
Anh Thịnh chia sẻ: Để tạo ra nông sản sạch, gia đình áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ sử dụng phân hữu cơ, tăng cường các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh vườn, tỉa cành. Phương pháp trồng thanh long trên giàn chữ T giúp chăm sóc theo hàng dễ dàng, lắp béc tưới phun tự động thuận lợi. Khi chăm sóc hay thu hoạch chỉ cần đi thẳng giữa các hàng, không cần đi quanh gốc. Đặc biệt, tính ưu việt của thanh long leo giàn là có thể áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất (sử dụng máy bón phân hữu cơ, phun thuốc, cắt cỏ...) để giảm nhân công lao động. Ngoài ra, còn có thể trồng xen canh loại cây trồng khác như rau màu trên diện tích giữa các giàn thanh long.
Dù chỉ mới triển khai hơn 1 năm nhưng mô hình thanh long ruột đỏ leo giàn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trên cùng một diện tích, trồng thanh long trên giàn chữ T cho năng suất cao hơn 1,2-1,5 lần so với cách trồng truyền thống. Cũng nhờ có thảm thực vật bên dưới gốc mà cây cho quả rất ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thanh long thu hoạch đến đâu có khách hàng mua hết đến đó. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh Thịnh thu trên 5 tấn thanh long ruột đỏ, dự kiến hết vụ sẽ thu được 10 tấn. Với giá bán hiện tại dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg, ước tính năm nay gia đình anh thu về khoảng 120 triệu đồng.
Ông Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạc Thủy, cho biết: Thị trấn Ba Hàng Đồi có 40 hộ trồng thanh long ruột đỏ với tổng diện tích 26ha. Gia đình anh Thịnh là hộ đầu tiên của thị trấn và của huyện áp dụng kỹ thuật trồng thanh long trên giàn chữ T, đây là kỹ thuật trồng mới hiện nay. Theo tính toán, mặc dù chi phí ban đầu cho việc làm giàn cao hơn so với làm trụ bê tông, nhưng có thể đánh giá mô hình cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn bởi tiết kiệm được nhân công lao động, mỗi năm cho thu hoạch 4-5 lứa. Cuối năm 2020, cùng với các hộ thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình anh Thịnh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.