Thị trường Hà Nội hiện đang bán rất nhiều cam Canh, bưởi Diễn phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đây là 2 loại đặc sản nổi tiếng của vùng Canh, Diễn xưa (nay thuộc địa bàn phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) và Phúc Diễn, Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội).
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Phương (bên phải) thăm vườn bưởi của gia đình ông Cường.
“Cháy” hàng
Người dân trồng cam Canh, bưởi Diễn, “cặp đôi hoàn hảo” được thị trường miền Bắc ưa chuộng hàng trăm năm qua, cho biết, từ thời bao cấp đến nay, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là thiếu hàng, do cung không đủ cầu.
Ông Nguyễn Duy Cường, tổ 5, Xuân Phương (Nam Từ Liêm), cho biết, ông trồng cam Canh đã 20 năm nay. Xưa kia, đây là thôn Ngọc Mạch, thuộc tổng Canh (tên nôm của cả vùng), ngoài cam Canh ở đây còn có chợ Canh truyền thống. Vùng Canh xưa rộng lớn, bao gồm các địa phương như: Vân Canh (Hoài Đức); Ngọc Mạch, Thị Cấm, Hoài Thị, Kim Thị,... (Từ Liêm), nhưng nay ở Xuân Phương chỉ còn gia đình ông theo đuổi nghề. Hiện, ông có 2ha trồng cả 2 loại cam và bưởi; cam Canh vài nghìn gốc, bưởi Diễn 500 - 600cây. Hàng năm, cứ đến tháng 10 - 11âm lịch, khách đã đến đánh dấu cây, đặt cọc tiền mua cả 2 loại trên. Dự kiến, đến Tết Nguyên đán, 1 cây cam to, quả đẹp có giá 6 -7 triệu đồng; cây bé 500.000 - 700.000đồng; cam quả 70.000 -80.000đồng/kg, áp Tết lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg; bưởi 60.000đồng/quả. Doanh thu từ cam năm 2015 của gia đình ông ước đạt 800 triệu đồng; bưởi 700 - 800 triệu đồng.
Theo ông Cường, cam Canh Xuân Phương khi chín màu sắc không rực rỡ, không chín rộ cả cây, chín từ từ. Trước đây, thức ăn của cam là phân bắc ủ hoai, giờ không còn phân bắc, ông Cường cho “ăn” bằng đỗ tương và tro bếp; đỗ nghiền thành bột, ngâm 6 tháng đến 1 năm mới bón. Cam Canh có đặc điểm hay “ăn vặt” nên phải bón nhiều lần, ít nhất 1-2 lần/tháng.
Quy hoạch vùng cây quý
Cũng như bà con Xuân Phương, ông Nguyễn Văn Lượng, phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), cho biết, ông có 1.000m2 trồng bưởi Diễn trên 20 năm nay. Bưởi ưa đất cao, cứ sang xuân thì bới gốc cho “hả” đất, phơi 3 - 4 ngày; sau đó bón phân hữu cơ vào gốc, đắp đất cũ lên, khoảng 15 - 20 ngày sau theo dõi xem mầm cây có bị bệnh không (chủ yếu bị muội và sâu vẽ bùa), sau đó phun thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng 30 ngày nữa lại đi thăm cây, xem quả có đều không để tỉa bớt quả còi cọc, vẹo vọ. Tháng 8, 9 là cuối mùa mưa, phải bổ sung kali; lúc bưởi bắt đầu chín bói, không tưới nước cho đến khi thu hoạch. Chăm sóc bưởi vất vả nhất là vào mùa mưa (tháng 5 -6), thời gian này, tuyệt đối không để cây ngập nước, nếu hở rễ phải đắp đất ngay.
Hiện, ông Lượng có 80 cây bưởi Diễn, bình quân 30 quả/cây, giá bán tại vườn 60.000 đồng/quả, khách đặt hàng trước Tết 1 - 2 tháng.
Về vấn đề quy hoạch vùng cây quý, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phú Diễn, ông Nguyễn Ngọc Khánh, cho biết: “Vùng trồng bưởi xưa thuộc thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, sau khi thành lập quận mới, xã Phú Diễn cũng chia thành 2 phường: Phú Diễn và Phúc Diễn. Khi chưa chia tách, khu vực trồng bưởi nằm trọn trong xã Phú Diễn, với diện tích 54ha; nay tại phường Phú Diễn chỉ còn 17ha; 37ha còn lại thuộc phường Phúc Diễn. Những thăng trầm của lịch sử và quá trình đô thị hóa không làm ảnh hưởng sâu sắc đến bà con nơi đây. Chỉ có một chút thay đổi nhỏ, đó là, trước kia bưởi trồng trong vườn, nay vườn làm nhà cho thuê, bà con phải chuyển bưởi ra đồng, nhưng không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bưởi”.
ÔngKhánh cho biết thêm, cũng như cam Canh, bưởi Diễn trồng ở vùng đất khác không thể có hương vị đậm đà, ngọt mát và hương thơm thoang thoảng khi bổ bưởi và tách múi như ở vùng Diễn. Hiện, có khoảng 200 hộ trồng bưởi trên cả 2 phường, hộ ít nhất 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhiều nhất 7 sào; bình quân lãi ròng 120triệu đồng/sào/năm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND phường Xuân Phương, ông Hoàng Văn Sơn, cho biết: “Nếu như vùng quy hoạch bưởi Diễn khá ổn định, thì ngược lại, vùng trồng cam Canh gần như mất gốc. Bởi nó nằm trọn trong khu quy hoạch của TP.Hà Nội, gồm 49,1ha, đã có quyết định thu hồi từ năm 2008, nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 1/2 diện tích. Do quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ như vậy nên bà con Xuân Phương đã chuyển sang trồng cây ăn quả. Bản thân ông Cường cũng như bà con Xuân Phương luôn có nguyện vọng được giữ lại vùng đất quý, trồng giống cây quý này như lưu giữ một nét văn hóa ngày xuân.
Dương An Như
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.