Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 1 năm 2021 | 22:33

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, nông dân chuyên nghiệp

Trụ cột liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã và bà con nông dân sẽ là chìa khóa tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại.

Để tiếp tục duy trì và khẳng định là “bệ đỡ” của nền kinh tế, năm 2021 ngành nông nghiệp phải quyết tâm cao để vượt qua những khó khăn và thách thức của đại dịch Covid 19 toàn cầu, cũng như những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến nền kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.

Ngành sẽ tiếp tục tập trung tái cơ cấu, song song với đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0 hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nông dân chuyên nghiệp. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về vấn đề này.

PV: Vượt qua những khó khăn thách thức của năm 2020, với khát vọng hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, chủ động và hiệu quả, Bộ trưởng có chia sẻ như thế nào về những nhóm giải pháp sẽ được ưu tiên để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2021?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2021 ngành nông nghiệp xác định 2 nhóm chương trình lớn vẫn phải tiếp tục, đó là tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp để tạo nên một nền nông nghiệp của theo hướng hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị từ phát triển nguyên liệu cho đến tập trung chế biến và tổ chức thương mại.

Chuỗi giá trị này phải được hình thành trên cơ sở đồng bộ cả 3 nhóm sản phẩm chủ lực. Đó là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, bao gồm 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Cùng với đó là việc đồng bộ, tập trung các nhóm nông sản có lợi thế và thế mạnh của từng địa phương như nhãn lồng Hưng Yên, vải Thiều Bắc Giang. Cùng với đó là các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương gọi là phong trào OCOP - mỗi xã 1sản phẩm.

Như vậy, để đồng hành cùng lúc 3 trục sản phẩm này, chúng ta đều phải tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả, trên cơ sở ứng dụng khoa học tốt nhất công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực, từng ngành hàng.

Chương trình thứ hai là phải tập trung là không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0 để làm sao có được những hình thức quản trị phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất dưới một nền nông nghiệp thông minh. Ngành nông nghiệp cũng phải hướng đến hội nhập bằng việc quan tâm đến chất lượng sản phẩm, do đó nhánh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần chú ý hơn để làm sao từng bước trở thành phổ biến trong đời sống sản xuất.

Một điểm nữa là cần tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để mời gọi được nhiều DN tham gia hơn nữa, trở thành nòng cốt hạt nhân trong chuỗi liên kết. Cùng với việc thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới sẽ hình thành được liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã của mình và DN tạo ra 1 trục liên kết nhuần nhuyễn, hoàn thiện trong các quy mô sản xuất, cấp độ ngành hàng. Có như vậy mới có thể đảm bảo được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và chủ động hiệu quả. 

PV: Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra đòi hỏi cần có lực lượng nông dân chuyên nghiệp, Bộ trưởng có chia sẻ như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Để đẩy nhanh hơn lực lượng lao động trong nông nghiệp với chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tái cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, dứt khoát đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp trụ cột trong các nhóm giải pháp.

Chính vì thế, ngành đã xây dựng kế hoạch để thúc đẩy các Trung tâm đào tạo trong ngành và ngoài ngành. Một là các Viện, các trường tới đây phải tập trung các chương trình đào tạo kể cả đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị cho DN và hợp tác xã, kể cả những lao động trực tiếp lành nghề phải có kỹ năng.

Khi nào chúng ta đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, khi đó mới hoàn thành được “sứ mệnh” chuyển đổi từ một nền sản xuất vốn theo truyền thống trước đây, sang một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hướng đến hội nhập toàn cầu và chủ động có được hiệu quả cao.

2.jpgNăm 2021 cần tiếp tục các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn DN đầu tư vào nông nghiệp.

 

PV: Trong năm mới 2021, việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ được Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đánh giá thành công của tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua cho thấy, một nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp phát triển, gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã đã trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết với bà con nông dân. Đây là một trong những nhân tố, nhóm giải pháp rất quan trọng, thậm chí quyết định đến chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập.

Do đó, năm 2021 cần tiếp tục các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn DN đầu tư vào nông nghiệp nói riêng , khu vực nông thôn nói chung. Với vai trò quản lý, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các DN đầu tư.

Không chỉ với DN, cần hỗ trợ người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Bởi bản thân DN không thể “với tay” đến từng hộ gia đình mà phải thông qua chính các hợp tác xã kiểu mới này. Có như vậy, mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thành một thể thống nhất.

Điều này hết sức phù hợp với Việt Nam, đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ nhưng vẫn có một nền sản xuất lớn, tập trung, quy mô hàng hóa, phù hợp với đặc thù từng ngành, từng khu vực. Trụ cột liên kết “doanh nghiệp - hợp tác xã - bà con nông dân” đó là chìa khóa tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Minh Long
Ý kiến bạn đọc
  • Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Nhiều sản phẩm của nông dân miền Trung đạt chuẩn OCOP nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP?

  • Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Những năm gần đây, dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu,… nông dân các địa phương ở Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho nông sản… Cùng nhau thi đua sản xuất để làm giàu cho gia đình và quê hương.

  • Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Có thời điểm diện tích mía của Thanh Hóa lên tới 32,1 nghìn ha và được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì lý do khác nhau mà nhiều hộ dân đã phải chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đâu là hướng đi cho cây mía xứ Thanh?

Top