Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 7 năm 2016 | 7:50

Huyện Krông Pa: Hơn 10 năm chưa có sổ đỏ, người dân kêu cứu khẩn thiết

Thực hiện chủ trương di dân từ vùng ven sông Ba vào định cư ở trung tâm xã Ia Hdreh (Krông Pa - Gia Lai) cách đây hơn 10 năm, nhiều người dân buôn Dirông đã đồng ý đổi đất sản xuất để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Thế nhưng, từ đó đến nay, chính quyền chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên họ mãi là người đi “ở nhờ” và liên tục bị chủ đất cũ tranh chấp.

Người dân buôn Dirông, xã Ia Hdreh xây dựng nhà cửa khang trang, thế nhưng hơn 10 năm nay họ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Không có sổ đỏ, khổ trăm bề

Đơn thư kêu cứu gửi các cơ quan chức năng của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số buôn Dirông phản ánh: Năm 2002, chính quyền xã, huyện vận động người dân di dời đến nơi ở mới và hứa hẹn nhiều điều. Nhưng rốt cuộc, mỗi hộ chỉ nhận được 1,5 triệu đồng, nói đó là tiền vận chuyển đồ đạc khi dân làng đến nơi ở mới và 1 lô đất theo hình thức đổi đất sản xuất lấy đất ở với dân địa phương. Từ khi định cư nơi ở mới, dân làng tốn nhiều công sức để xây dựng cuộc sống, nhiều gia đình đã xây cất nhà kiên cố, trồng cây lâu năm. Dù người dân tái định cư muốn ổn định cuộc sống, nhưng không hiểu vì lý do gì, họ vẫn không được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hậu quả là đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa những người tái định cư và chủ đất cũ.

Ông Võ Văn Hiến, người dân buôn Dirông, cho biết: “Nhiều lần, chủ đất cũ đến rào cấm cửa mấy trường học, nhà văn hóa xã. Riêng gia đình tôi thì bị chủ đất cũ nhiều lần đến gây chuyện hăm dọa, đòi tháo dỡ hàng rào… khiến gia đình luôn phải sống trong cảnh bất an. Không còn cách nào khác, tôi phải năn nỉ nói rằng, gia đình tôi và toàn bộ dân làng đến đây ở là theo chủ trương tái định cư của chính quyền chứ  làm sao dám tự ý ngang nhiên đến đây cất nhà để ở. Thế nhưng, họ nói rằng chúng tôi không được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bây giờ họ có quyền lấy lại. Việc này đã gây biết bao bức xúc cho dân làng tái định cư. Gia đình tôi đã nhiều lần liên hệ cán bộ xã, cán bộ huyện để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng họ trả lời rằng tôi phải gặp chủ đất trước để thương lượng mua lại hoặc thỏa thuận để không xảy ra tranh chấp thì họ mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ông Kros Manh chia sẻ, khi dân làng di dời ra khu tái định cư, thì không biết chính quyền có đền bù tiền cho chủ đất cũ không nhưng vài năm trở lại đây, chủ cũ luôn đến đòi tiền đền bù và họ nói nếu mấy ông muốn ở trên khu đất này thì chúng tôi cho ở nhưng mấy ông phải đền bù cho chúng tôi, còn không thì sẽ sống không yên ổn đâu. Nghe những lời như thế, chúng tôi rất hoang mang”.

Còn theo ông H’Siêu Younh, Trưởng buôn Dirông, đến nơi ở mới, người dân thiếu thốn trăm bề, không có đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng luôn trong tình trạng cạn kiệt, chưa kể mười mấy năm qua, chính quyền địa phương không cấp sổ đỏ, nên cuộc sống thêm phần khó khăn.

“Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân nơi đây thì điều kiện kinh tế và cuộc sống của người dân tốt hơn. Bởi lẽ, khi có sổ đỏ, chúng tôi có thể đến ngân hàng thế chấp để vay tiền mua bò, heo, gà… về tăng gia sản xuất. Còn đằng này không có thì không vay được tiền để làm ăn, như vậy có phải chính quyền làm khó chúng tôi không?”, ông H’Siêu Younh bộc bạch.

Ông Nay Blá, Bí thư Chi bộ thôn buôn Dirông cũng bức xúc: Người dân thuộc diện tái định cư ở đây chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã chấp nhận di dời đến nơi ở mới và ổn định cuộc sống hơn chục năm nay. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa có quyền sử dụng những mảnh đất này. Trong khi đó, một số hộ dân thuộc địa phương khác bất ngờ có mặt trong dãy đất được phân lô cho các hộ tái định cư và nhanh chóng được cấp sổ đỏ. Điều đáng nói là, có một số hộ không hề có tên trong danh sách tái định cư nhưng không hiểu vì lý do gì những hộ này lại được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mọi mặt để được cấp sổ đỏ trong khu vực tái định cư?”.

Bao giờ giải quyết?

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, đại diện lãnh đạo UBND huyện Krông Pa, khẳng định: “Theo quy định, khi di dời dân ra khu tái định cư, thẩm quyền của cơ quan chức năng là phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu các hộ dân phản ánh họ chưa được cấp sổ đỏ thì nguyên nhân chỉ có thể là do chúng tôi chưa nhận được hồ sơ. Vì nếu nhận thì chúng tôi đã làm rồi”.

Tuy nhiên, theo ông Ksor Jú, Chủ tịch UBND xã Ia Hdreh, mặc dù là người địa phương khác đến nhận chức mới đây chưa nắm rõ vụ việc, qua trao đổi với mấy anh em phụ trách địa bàn thì xã biết là người dân đã làm hồ sơ và trình lên huyện từ lâu nhưng không thấy trả lời. Đồng thời, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã phản ánh, nhưng vẫn chưa thấy cấp trên hồi âm gì, nên người dân đã gửi đơn vượt cấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết, khu vực tranh chấp đất đai nói trên thuộc dự án xây dựng trung tâm cụm xã vùng Tây Nam huyện KrôngPa được triển khai từ năm 1997. Mục đích của dự án là từng bước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm, tạo ra vật chất cho các trung tâm cụm, nơi giao lưu hàng hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế huyện nhà. Về phần đất đai thì những hộ dân sống ở bãi bồi dọc sông Ba khi di dời về trung tâm cụm xã thì tự thỏa thuận với những người có đất ở xã để hoán đổi cho nhau.

Ông Chánh cho biết thêm, khi thực hiện dự án địa phương không bồi thường vì lúc đó chưa có nghị định hướng dẫn về việc bồi thường theo Luật Đất đai 1993. Đến nay, khi xảy ra tranh chấp, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, đo đạc lại diện tích thuộc dự án trước đây, đồng thời gặp lại những cán bộ trước đây để xác minh chủ trương thời ấy về các loại giấy tờ có liên quan. Trong khả năng của mình, huyện chỉ có thể giải quyết bồi thường cho các hộ có đất bị thu hồi để xây dựng các công trình công cộng, còn lại không có kinh phí.

Khi được hỏi: Tại sao đến thời điểm này mà huyện vẫn chưa giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 200 hộ dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số thuộc diện di dời?, ông Chánh nói: Huyện cũng rất đau đầu về vấn đề này vì những người tiền nhiệm, làm dự án nay đã nghỉ, cán bộ mới chưa thể nắm hết vấn đề; trong khi từ đó đến nay, Luật Đất đai đã nhiều lần thay đổi. Vì vậy, đây là tồn tại lâu nay mà huyện chưa giải quyết được. Hiện nay, huyện chỉ có thể tuyên truyền vận động để người dân chấp nhận chủ trương đổi đất với nhau, chứ huyện không có nguồn lực để giải quyết.

Cách trả lời không đi vào trọng tâm của Chủ tịch UBND huyện Krông Pa khiến dư luận đặt dấu hỏi: Khi nào sự việc này mới được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, hay lại để người dân phải kêu cứu hết cấp này đến cấp khác?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

P.V

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top