Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2016 | 2:30

Huyện Nhà Bè: Người mua trước nguy cơ mất nhà vì cán bộ cấp trùng Giấy chứng nhận

Người dân ký hợp đồng mua bán nhà đất đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do chính quyền cấp sai giấy chứng nhận chủ quyền đất nên ra quyết định thu hồi và người dân có nguy cơ... mất trắng.

Huyện cấp trùng sổ, dân bị thu hồi

Ông Bình đứng trước nguy cơ mất nhà dù quá trình mua bán tuân thủ pháp luật.

Theo phản ánh của ông Lê Nguyễn Thanh Bình (trú tại số 34/27 đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7, TP. Hồ Chí Minh), tháng 2/1015, ông  ký hợp đồng mua bán căn nhà số 4/16 đường Huỳnh Tấn Phát (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) của ông Phạm Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Thúy Hồng với giá hơn 1 tỷ đồng. Trước đó, căn nhà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Hợp đồng mua bán giữa ông Bình và vợ chồng ông Bằng được công chứng theo quy định của pháp luật. Hồ sơ sau đó được gửi lên Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi chờ đợi kết quả từ Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Nhà Bè, ông Bình được chính đơn vị này thông báo căn nhà ông mua bị trùng với thửa đất bên cạnh nên không giải quyết chuyển nhượng sang tên. Sau đó, Giấy chứng nhận chủ quyền đất và tài sản gắn liền trên đất đã bị cơ quan này tạm giữ và ban hành quyết định thu hồi giấy chủ quyền căn nhà ông Bình đã mua.

Liên quan tới vấn đề này, ông Bình đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới  UBND huyện Nhà Bè nhưng chưa được giải quyết vì cơ quan này khẳng định mình làm đúng. Ông Bình cho biết, trong các buổi làm việc với đại diện chính quyền huyện Nhà Bè, cơ quan này đều cho rằng, “làm sai phải thu hồi, còn anh có thiệt hại gì anh cứ kiện đi, còn giờ làm sai chúng tôi thu hồi”.

Được biết, số tiền để mua lại căn nhà của vợ chồng ông Bằng là tài sản tích góp cả đời của ông. “Căn nhà mình đã mua nhưng không được công nhận chủ đất và tài sản trên đất thì cũng chẳng khác gì người vô gia cư, điều này khiến tôi không thể đăng ký tạm trú và sống trong cảnh lo sợ không biết lúc nào bị đuổi ra khỏi nhà”, ông Bình ngao ngán cho hay.

Tìm hiểu được biết, tại huyện Nhà Bè cũng xảy ra một trường hợp tương tự như ông Bình. Cụ thể, bà H. có mua một thửa đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), có đầy đủ giấy tờ pháp lý, được ký hợp đồng mua bán theo đúng quy định của pháp luật. Bà được UBND huyện Nhà Bè giải quyết chuyển nhượng, sang tên trên giấy chủ quyền và được cấp phép xây dựng sinh sống nhiều năm liền trên phần đất mình đã mua. Tuy nhiên, năm 2010, UBND xã Phước Kiển ra văn bản yêu cầu bà H. tháo dỡ nhà, trả lại 30m2 đất cho một đơn vị đang sở hữu thửa đất giáp ranh với lý do cấp trùng thửa.

Sau nhiều lần khiếu nại tới UBND huyện Nhà Bè, đến nay sự việc này vẫn chưa giải quyết xong. Bà H. lâm vào tình cảnh tương tự ông Bình, đang phải đối mặt trước nguy cơ mất đất lẫn tiền mua đất trong khi lỗi lại là sự tắc trách của cán bộ địa phương. 

Chính quyền phủi trách nhiệm!

Giải thích về việc thu hồi giấy chủ quyền đã cấp cho thửa đất của ông Bình mua, UBND huyện Nhà Bè cho rằng, trong quá trình giải quyết hồ sơ chuyển nhượng nhà, đất cho ông Bình đã bị bà N. khiếu nại. Qua xem xét, UBND huyện phát hiện năm 2011, khi cấp giấy chủ quyền cho ông Phạm Văn Bằng và bà Nguyễn Thị Thúy (người bán nhà cho ông Bình), UBND huyện Nhà Bè đã cấp trùng vô thửa đất của bà N. đang sở hữu cạnh bên. Xét thấy, việc cấp giấy này không đúng quy định pháp luật nên huyện phải thu hồi.

Cùng vấn đề này, UBND huyện Nhà Bè cũng thừa nhận việc cấp trùng giấy chứng nhận chủ quyền là sai, nhưng lại biện minh rằng việc thu hồi giấy chứng nhận chủ quyền là đúng theo quy định của Luật Đất đai 2013. Nếu người dân không đồng ý có thể khởi kiện UBND huyện.

Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, theo khoản 2, Điều 106 của Luật Đất đai 2013, trong trường hợp giấy chủ quyền đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai thì Nhà Nước được thu hồi giấy chủ quyền đã cấp. Việc thu hồi giấy chủ quyền do cơ quan cấp giấy thực hiện sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, hiện nay lại không có quy định tổ chức, cá nhân cấp giấy sai phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Vì vậy, Nhà nước cần quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân làm sai phải bồi thường thiệt hại. Chẳng hạn, có thể yêu cầu cơ quan cấp giấy sai phải bồi thường thiệt hại tương đương với giá trị tài sản họ đã cấp sai gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, phía người mua cũng phải tìm hiểu kỹ pháp lý trước khi ký hợp đồng mua bán để tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

Lại Hùng

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top