Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 4 năm 2016 | 4:50

Huyện Tánh Linh (Bình Thuận): Công ty Hoài Đức khai thác đất nông nghiệp không phép, coi thường tính mạng người dân

“Từ ngày Công ty Hoài Đức kinh doanh khai thác đất trái phép đến nay, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Mỗi khi có việc ra đường, mọi người lại nơm nớp sợ tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào bởi xe của Công ty Hoài Đức chạy bạt mạng, sử dụng tài xế không có giấy phép lái xe, thậm chí sử dụng một số xe hết hạn kiểm định...”, một người dân xã Đức Tân chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn.

Tuyến đường liên thôn ở xã Đức Tân, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng và hoàn thành hơn 1 năm nay để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nơi đây. Thế nhưng thực tế hiện nay, con đường này đã bị cày nát như tương, bê-tông nứt nẻ, đoạn chưa bê-tông thì bị sụt lún, "ổ gà", "ổ voi" nhan nhản, trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong vùng.

Trụ sở Công ty TNHH KT-XD-TM Hoài Đức

Theo người dân, nguyên nhân khiến đường nhanh hỏng như vậy là do đoàn xe tải của Công ty TNHH KT-XD-TM Hoài Đức (Cty Hoài Đức), có trụ sở đặt tại xã Đức Tân, chở đất ruộng chạy rầm rập mỗi ngày. Con đường này trời nắng thì ngập trong cơn bão bụi, còn ngày mưa thì bùn đất lầy lội khiến việc đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn.

Những tuyến đường nông thôn bị cày nát bươm, bụi tung mù mịt bởi những chiếc xe này

Theo ông L. T. B, ngụ tại xã Đức Tân (cán bộ hưu trí, xin được giấu tên): Cty Hoài Đức ỷ thế quen biết với lãnh đạo xã, huyện và được sự "bảo kê" của một số cán bộ biến chất nên ngang nhiên khai thác đất trái phép, lái xe thì phóng nhanh vượt ẩu, coi thường sinh mạng của người dân. Mặc dù chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng chính quyền vẫn làm ngơ.

Hàng ngày hàng trăm lượt xe tải tải chở đất của Công ty Hoài Đức lộng hành như chốn không người

Phóng viên tiếp xúc với một số nhà dân hai bên đường bê-tông nhỏ chạy ra đồng, họ bức xúc cho biết: Nhà báo thấy đó, bụi đất bám đầy nhà. Ngày nào chúng tôi cũng phải lau chùi 5-7 lần mà có yên đâu. Họ khai thác đất từ ngoài đồng rồi chạy xe bạt mạng, không hề che chắn và không có biện pháp như ở nơi khác (ít nhất cũng tưới nước) để tránh bụi đất làm ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh. Từ ngày Cty Hoài Đức kinh doanh khai thác đất trái phép đến nay, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Mỗi khi có việc ra đường, mọi người lại nơm nớp sợ tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào bởi xe của Cty Hoài Đức chạy bạt mạng, sử dụng lái xe không có giấy phép lái xe, thậm chí sử dụng một số xe hết hạn kiểm định...

Xe chạy cày nát tuyến đường này nhưng không gặp bất kỳ một sự trở ngại nào

Còn anh N.T.T cho biết, hàng ngày cả chục chiếc xe của Cty Hoài Đức chở đất đá chạy qua làm rơi vãi đất, bụi bay mù mịt, gây ảnh hướng đến sinh hoạt của người dân. Gần một năm nay, bà con ở đây đã phản ánh với cơ quan chức năng về sự việc nhưng đến bây giờ mỗi ngày hàng trăm lượt xe vẫn chạy qua làm bụi bám đầy nhà của người dân sinh sống ở hai bên đường. Do quá bức xúc nên tôi có phản đối, thì bị một nhóm người mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy người lập tức đến đe dọa. Chúng tôi sợ ảnh hưởng đến con cái mỗi khi ra đường nên thôi. Vì vậy, hàng ngày, đoàn xe của công ty này cứ thế mà lộng hành. Điều đáng nói là không thấy cơ quan chức năng địa phương đến can thiệp”.

Xe không che bạt chắn nhưng vẫn chạy vi vu

Để tìm hiểu thêm thông tin cho bài biết, phóng viên đến con đường thôn 1, xã Đức Tân để mục sở thị. "Những ngày khô ráo thì đầy bụi, còn vào mùa mưa thì không ai muốn ra đường vì bùn lầy nhão nhoét đi lại vô cùng khó khăn. Nhiều người điều khiển xe ra đồng không vững, gặp bùn trơn trượt thì té lộn nhào, bị thương ở đầu phải đưa đi bệnh viện may mấy mũi... Đường này khó đi thế mà các chú vào đây bằng xe máy à. Nguy hiểm lắm. Người dân nơi đây cũng không dám liều như các chú đâu. Bất đắc dĩ chúng tôi mới ra đường thôi...”, một người dân địa phương cho biết. Người này vừa nói dứt câu thì từ xa vọng tới tiếng gầm rú và tiếng còi bóp inh cỏi đến điếc cả tai của xe tải. Liền sau đó những đoàn “xe điên” chạy bạt mạng. Khi đoàn xe của Cty Hoài Đức vượt qua, chúng tôi thấy trên thùng xe không có tấm bạt chắn bụi, khiến những cục đất văng tung tóe khắp đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Khi chúng tôi giơ máy lên chụp hình, thì có mấy thanh niên chạy xe máy từ đâu xông tới, tên ngồi sau bước xuống xe, mặt bịt khẩu trang, quát: “Ê, ở đâu tới mà chụp hình chỗ tụi này làm ăn, định đưa lên báo à? Liệu hồn mà đi đi, kẻo không tụi này xẻo tai vứt vào rừng cho thú ăn đó”. Biết gặp bọn hung hăng nên chúng tôi lánh qua bên đường để tránh mặt rồi đến khu vực đồng ruộng mà Cty Hoài Đức đang khai thác đất không có giấy phép.

Bà con nơi đây đặt câu hỏi vì sao xe tải chở đất của Công ty Hoài Đức lại có thể lộng hành đến vậy?

Ông T.V.N, người dân địa phương dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Mấy chú thấy đấy, đất ở đây đều là ruộng, chưa có giấy phép khai thác mà bọn chúng vẫn ngang nhiên đào múc, xem như ruộng đất riêng của nhà mình. Bọn chúng muốn làm gì thì làm, chính quyền chẳng bao giờ ngăn cản hay kiểm tra”. Thấy có người đến, những người điều khiển xe múc lật đật nhảy xuống xe né tránh. Khoảng 15 phút sau, một thanh niên mặt mày bặm trợn lại xuất hiện đe dọa phóng viên, ở gần đó rất nhiều thanh niên mình trần chân đất chặn xe như muốn ăn tươi nuốt sống phóng viên.

Ngang nhiên đào đất trên cánh đồng xã Đức Tân không hề có giấy phép của ngành Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên liên hệ với ông Hồ Văn Đức, Giám đốc Công ty  TNHH KT-XD-TM Hoài Đức; ông hẹn ở quán cafe Hiền Nguyễn ngay đầu đường thôn 1, xã Đức Tân. Vừa bước chân xuống, ông Đức khệnh khạng hỏi: “Nhà báo gặp tôi có chuyện gì?”. Sau khi nghe chúng tôi trình bày bức xúc của người dân, ông Đức bảo: "Uống cafe thì được, còn công việc thì miễn”. Sau đó, ông này văng tục rồi bỏ đi. Trước khi đi, ông Đức không quên để lại lời nhắn: “Ở đây tụi tao muốn làm gì thì làm, tụi mày có đưa lên báo thì tụi tao cũng không sợ. Có người “bảo kê” tụi tao từ A đến Z hết rồi”.

Từ thực trạng này, người dân cho rằng các xe tải trên của Công ty Hoài Đức cũng như hoạt động khai thác đất của công ty này đã được chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng “bảo kê”, “dung túng”. 

Nếu không có sự bảo kê, dung túng, bao che, liệu những chiếc xe vi phạm này có còn “đất sống”?

Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận sớm vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm và những cá nhân, tập thể có dấu hiệu bao che, "bảo kê" để người dân an tâm sinh sống, lao động sản xuất./.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Minh Tuấn

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top