Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 1 năm 2018 | 11:12

Huyện Tuần Giáo – Điện Biên: Giảm nghèo từ nội lực

Tuần Giáo là huyện miền núi - cửa ngõ phía Nam của tỉnh Điện Biên, địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tuần Giáo tận dụng những thuận lợi của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Mùa Va Hồ, Phó chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết đôi nét tình hình kinh tế - xã hội huyện thời gian qua?

Thời gian qua, mặc dù kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do đặc điểm địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ còn hạn chế; thời tiết diễn biến bất thường; giá vật tư, phân bón tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân nhưng huyện vẫn chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên các lĩnh vực để khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu  đề ra.

Đến hết năm 2017, huyện Tuần Giáo có: 05 xã đạt 10 tiêu chí trở lên (trong đó có xã Quài Tở đạt 13 tiêu chí); 12 xã đạt 5-10 tiêu chí và 01 xã đạt 4 tiêu chí.

Cụ thể, huyện đã tập trung cho lĩnh vực chủ đạo là sản xuất nông, lâm nghiệp bằng cách tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi những giống mới cho năng suất, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ kịp thời và xây dựng các mô hình trồng trọt, thủy sản hiệu quả cao để làm mẫu. Cụ thể, huyện đã tổ chức 26 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao năng lực cho 1.291 người là cán bộ khuyến nông xã, trưởng bản và các hộ nông dân tại 19 xã, thị trấn. Xây dựng mô hình trồng 14ha bưởi da xanh tại 3 xã: Quài Nưa, Mùn Chung, Rạng Đông và 4,5ha na tại 2 xã Mùn Chung, Rạng Đông. Mở 8 lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô mới cho 620 lượt người tại các xã: Phình Sáng, Rạng Đông, Pú Nhung và Tỏa Tình…Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo “Đề án 1956” với 964/930 học viên.

Năm 2017, tổng sản lượng lương thực của huyện là 36.630,5 tấn, đạt 102,1% kế hoạch, tăng 741,2 tấn so với cùng kỳ năm trước. Các cây công nghiệp ngắn ngày và lâu năm đều tăng về diện tích so với cùng kỳ năm trước.

Về chăn nuôi, hết năm 2017, đàn trâu có 21.415 con, đạt 100,3%, tăng 695 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 8.023 con, tăng 448 con so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn 62.450 con, tăng 3.100 con so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn gia cầm 759.800 con, tăng 50.906 con.

Vấn đề giảm nghèo đã được huyện quan tâm ra sao, thưa ông?

Công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được ưu tiên và quan tâm hàng đầu. Hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi để vươn lên thoát nghèo... Huyện cũng lồng ghép các chương trình định canh, định cư để từ đó người dân có đời sống ổn định lâu dài và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, dự án có liên quan đến giảm nghèo nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2016 trên địa bàn huyện xét theo tiêu chí nghèo đa chiều là 52,3%, tỷ lệ hộ nghèo của Tuần Giáo giảm bình quân 4%/năm.

Năm 2018, huyện sẽ tập trung vào những giải pháp gì để tiếp tục đưa kinh tế - xã hội phát triển bền vững, thưa ông?

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2017, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ, nhằm tích cực thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vào phát triển ổn định kinh tế xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng. Gắn phát triển kinh tế với chăm lo phát triển các mặt xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực… đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Văn Hùng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top