Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 4 năm 2020 | 15:4

Khắc phục kịp thời sạt lở tại đê hữu Lục Nam

Thời gian gần đây, bãi sông khu vực đê hữu Lục Nam (Bắc Giang) thuộc xã Yên Sơn liên tiếp xảy ra hiện tượng sạt lở, đe dọa an toàn đê. Trước thực trạng trên, huyện Lục Nam đã triển khai các giải pháp bảo vệ công trình.

Đến nay, vị trí sạt lở cơ bản được khắc phục.

 

t46.jpg
Cung sạt lở bờ, bãi sông khu vực K14+100 đê hữu Lục Nam, huyện Lục Nam.
 

Sạt lở ảnh hưởng an toàn đê

Bãi sông khu vực K14+100, đê hữu Lục Nam thuộc địa bàn xã Yên Sơn gần đây bị sạt lở, cung sạt tiếp tục lan rộng, ăn sâu vào bãi gây ảnh hưởng an toàn đê.

Cụ thể, tại vị trí số 01: Khu vực đoạn K13+990 đến K14+040, xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt bãi, chiều rộng vết nứt rộng từ 10 đến 30cm, ăn sâu vào bãi khoảng 7 đến 10m và đang mở rộng thêm, gây sạt lở bờ, bãi, hình thành cung sạt, làm mất ổn định bờ, bãi sông dẫn đến ảnh hưởng kè bảo vệ đê, mất an toàn cho đê. Chiều dài vết nứt khoảng 50m, đỉnh cung theo vết nứt mặt bãi hiện tại cách chân kè đồng thời là chân đê 40- 45m.

Vị trí số 02: Khu vực đoạn K14+070 đến K14+160, tại khu vực này đã xảy ra sạt lở năm 2018 (cung sạt dài 35m, ăn sâu vào bãi khoảng 7m), đến nay cung sạt tiếp tục phát triển thêm chiều dài 90m và ăn sâu thêm vào bãi từ 4 đến 6m, đỉnh cung sạt hiện tại cách chân kè đồng thời là chân đê 25 - 30m. Trên mặt bãi sông có nhiều vết nứt xung quanh cung sạt và đang có xu hướng phát triển thêm gây mất ổn định bờ, bãi sông dẫn đến ảnh hưởng kè bảo vệ đê, mất an toàn cho đê.

Sau khi phát hiện, Hạt Quản lý tuyến đê địa bàn Lục Nam cùng chính quyền địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở bãi sông, thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết khu vực nguy hiểm, khoanh vùng bằng cọc; cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố…

Theo anh Dương Văn Quyền, cán bộ địa chính xã Yên Sơn, xã phối hợp với Hạt Quản lý đê thường xuyên theo dõi tình hình cung sạt, ghi nhật ký đầy đủ để báo cáo kịp thời. Ban đầu những khe nứt chỉ rộng vài xentimét nhưng nay tăng lên, có đoạn lên tới hàng chục xentimét . Nếu không được xử lý sớm sẽ ảnh hưởng đến tuyến đê.

Đâu là nguyên nhân?

Theo nhận định của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), nguyên nhân gây sạt lở khu vực K14+100 (đê hữu Lục Nam)  là do đoạn sông đã được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông Lục Nam thuộc địa bàn xã Vũ Xá và xã Yên Sơn. Tuy nhiên, do quá trình khai thác khoáng sản không đúng quy định, các tàu khai thác cát, sỏi tại các khu vực trên với quy mô lớn, vòi hút khai thác cát sâu quá mức và hướng các vòi khai thác cát vào phía trong bờ sông.

 

t47.jpg

Vị trí sạt lở sau khi được khắc phục.

 

Mặt khác, khu vực này thuộc dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa của Công ty TNHH MTV Đông Bắc Bộ, do vậy, làm cho bờ bãi sông tạo nên các hàm ếch, vách đứng gây hiện tượng sập, sạt lở bờ, bãi sông. Việc khai thác trên gây bức xúc trong nhân dân, đã có nhiều ý kiến đề nghị tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa.

Theo một số người dân ở thôn Chiến Thắng, xã Yên Sơn, mấy ngày gần đây không thấy tàu thuyền hoạt động chứ dịp trước họ cho máy chạy cả ban đêm. Nhìn bãi sông ngày càng thu hẹp, chúng tôi xót lắm, mong cơ quan chức năng ngăn chặn, không để tái diễn nữa.

Được biết, khu vực sạt lở bờ sông đê hữu Lục Nam có mái đê phía sông đã được gia cố kè đá hộc. Tuy nhiên, gần đây xảy ra sạt lở bãi sông, trong đó có điểm sụt cách chân đê khá gần, nguy cơ đe dọa an toàn đê. Công trình có vai trò quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân trong vùng. Do đó, nếu đê xảy ra sự cố sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam, cho biết, sau khi kiểm tra, khảo sát, phòng đã đề xuất phương án xử lý như: Bạt bớt phần đỉnh cung sạt với chiều dài 200m để giảm tải, hạn chế vách đứng bờ sông, sau đó trồng cỏ để hạn chế xói lở; tổ chức cắm tiêu, mốc quan trắc theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở khu vực và cảnh báo nguy hiểm sạt lở. Dự toán kinh phí thực hiện khoảng 115 triệu đồng. Đến nay, vị trí sạt lở cơ bản được khắc phục..

 

Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top