KTNT - Công trường khai thác đá trái phép quy mô lớn chỉ cách UBND xã Dliê Ya chưa đầy 2km nhưng cả chính quyền xã và huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đều không hay biết, thậm chí còn chối rằng trên địa bàn không có tình trạng này.
Một lao động đang ra đá thành viên theo yêu cầu của khách hàng.
Thời gian qua, Báo Kinh tế nông thôn nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng khai thác đá trái phép, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân xã Dliê Ya nhưng các cấp chính quyền sở tại không can thiệp.
Sự việc này vi phạm nghiêm trọng Luật Khoáng sản, làm thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, xói mòn, sạt lở đất khi mùa mưa đến.
“Mục sở thị” hiện trường, trước mắt chúng tôi là cả một công trường khai thác đá với quy mô lớn. Mới tiếp cận hai ông chủ tên Quang và Nguyên nhưng chúng tôi được biết có hàng nghìn mét khối đá được máy đào lộ thiên nằm chờ nhân công ra thành viên theo yêu cầu của khách hàng.
Trong vai người mua hàng, phóng viên được bà Bảy (vợ ông Nguyên) cho biết: “Chúng tôi khai thác ở đây lâu rồi, giá 3.300 đồng/viên. Giấy phép đầy đủ hết, không thì ai cho làm. Với lại chúng tôi chỉ cải tạo đất để sản xuất thôi”.
Tiếp cận mỏ đá thứ hai, khi chúng tôi đặt vấn đề mua với số lượng lớn thì vận chuyển thế nào, bà Hoa (vợ ông Quang) không ngần ngại nói: “Giá 4.000 đồng/viên, các anh mua chúng tôi cho xe công nông áp tải ra đường lớn vì người dân đang chặn đường. Có đơn hàng lớn (120 triệu đồng) mà chúng tôi cũng chưa làm được. Ở đây chúng tôi có phép hết, xã hướng dẫn rồi lên huyện”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Téo Niê, Chủ tịch UBND xã Dliê Ya, cho hay: “Đây là do hộ gia đình người ta cải tạo đất thôi”.
Nhưng khi chúng tôi cung cấp tư liệu thì ông Y Téo Nie nói: “Cái này chúng tôi nhận khuyết điểm vì quản lý kém. Chúng tôi có báo cáo lên huyện bằng miệng nhưng chưa thấy chỉ đạo gì”.
Tiếp tục lên gặp lãnh đạo huyện Krông Năng, khi chúng tôi đưa ra vấn đề này thì ông Châu Văn Lượm, Phó chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Việc khai thác đá trái phép ở huyện giờ không còn, có chăng chỉ là họ cải tạo đất và khai thác nhỏ lẻ”.
Sau khi được chúng tôi cho xem bằng chứng thì ông Lượm đuối lý, hạ giọng: “Để tôi cho người đi xác minh lại”.
Chắc chắn việc quản lý tài nguyên khoáng sản ở huyện Krông Năng đang có “vấn đề” nên mới có chuyện sự việc diễn biến khá phức tạp đến nỗi người dân bất bình phải chặn xe không cho vận chuyển mà chính quyền vẫn không hay biết.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhất Nam - Trung Hiếu
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.