Liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang được Chính phủ cân nhắc cho Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) tiếp tục triển khai hay không, nhiều chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ lo ngại sẽ gây tổn thất lớn về tài nguyên, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường và lãng phí hàng ngàn tỷ đồng.
>> Đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê
>> Kỳ cuối: Mong mỏi từ lòng dân!
>> Kỳ 4: Cần cái nhìn tổng thể
>> Kỳ 3: Hạ tầng xuống cấp, du lịch đình trệ
Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu mét khối. Trong ảnh: Trên khai trường bóc đất tầng phủ tháng 9/2010.
Lãng phí hàng ngàn tỷ đồng
Theo phân tích của PGS.TS. Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, quan điểm hiện đại trong khai thác khoáng sản trên thế giới và Việt Nam là khai thác và sử dụng tổng hợp các loại tài nguyên khoáng sản đi kèm khoáng sản chính.
Tuy nhiên, căn cứ báo cáo đầu tư và báo cáo tác động môi trường điều chỉnh của TIC đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì TIC chỉ tập trung vào khoáng sản chính là quặng sắt (Fe), còn các nguồn tài nguyên khác chưa được tận dụng, bị xem là chất thải.
Cụ thể, theo TS. Hải, phần lớn tài nguyên trong số 650 triệu mét khối cát, đất, đá thải (gồm có 287 triệu mét khối cát, 64 triệu mét khối sét, 294,9 triệu mét khối đá cứng) như số liệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có thể sử dụng để san nền, xây dựng đường giao thông và nhiều việc khác. Nếu được tận dụng tối đa, lượng lớn tài nguyên này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn, mà còn giải quyết được phần nào vấn đề đổ thải, lấn biển đe dọa đến môi trường và hệ sinh thái biển.
“Giả sử có thể tận dụng được cát san nền với giá 50.000 đồng/m3 thì lượng cát tận dụng được khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng với tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt của TIC cho dự án khai thác quặng Fe Thạch Khê”, TS. Hải nhẩm tính.
Ngoài ra, TS. Hải cho biết, báo cáo ĐTM điều chỉnh cũng chưa nêu đầy đủ các kim loại quý hiếm có thể đi kèm trong quặng sắt Thạch Khê.
“Có thể kết luận rằng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa xuất phát từ quan điểm khai thác tổng hợp các giá trị tài nguyên đi kèm với quặng Fe. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cần bổ sung các phương án kinh tế nếu tính toán khai thác và tận dụng các tài nguyên đi kèm”, TS. Hải nói.
Khảo sát khu tái định cư mỏ sắt.
Tổn thất tài nguyên quá lớn
Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, trữ lượng quặng sắt đã thăm dò tại mỏ sắt Thạch Khê là 544 triệu tấn, nhưng trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác theo dự án điều chỉnh chỉ 340 triệu tấn.
“So với trữ lượng đã được phê duyệt trước đây, thì trong lòng đất (sau khai thác) còn lại khoảng 200 triệu tấn trữ lượng và tài nguyên. So với tổng trữ lượng quặng sắt đã được thăm dò trên toàn lãnh thổ Việt Nam (trừ mỏ sắt Thạch Khê), thì tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt bị bỏ lại tại mỏ sắt Thạch Khê lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác gộp lại. Như vậy tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!”, TS. Thuận nêu vấn đề.
TS. Thuận quan ngại con cháu đời sau sẽ phải gánh chịu nếu quyết định hôm nay không thật cẩn trọng.
“Có thể cho rằng khối lượng tài nguyên này là TIC cố ý để dành lại cho thế hệ tương lai. Nếu đúng như vậy thì quá tốt. Tuy nhiên, có cơ sở để suy luận rằng, TIC theo phương thức khai thác lựa chọn, chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi, còn phần quặng khó khai thác thì bỏ lại. Nếu vậy, thì đây sẽ là món nợ mà thế hệ hôm nay không thể trả cho con cháu các đời sau!”, TS. Thuận nói.
Nhiều hệ lụy về môi trường
Không chỉ lãng phí, theo các nhà khoa học, nếu lượng lớn tài nguyên nói trên được sử dụng như phương án của chủ đầu tư là phần lớn chỉ dùng để san lấp mặt bằng hoặc thải ra môi trường tự nhiên thì chính nguồn tài nguyên này còn gây nhiều hệ lụy về môi trường.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận quan ngại, khối lượng đất thải rất lớn, hơn 194 triệu mét khối đổ vào bãi thải đất liền phía Bắc của mỏ, hơn 262 triệu mét khối đổ vào bãi thải phía Nam, tạo ra cao trình 90m. Đây sẽ là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm vì bão bụi, sạt lở.
Trong khi đó, với khối lượng dự kiến xấp xỉ 172 triệu mét khối đổ lấn từ mép biển đến độ sâu âm -10m, TS. Thuận lo ngại, bãi thải trên biển lớn nhất cả nước từ trước tới nay với cao trình bề mặt đạt độ cao +25m, sẽ làm thay đổi cân bằng giữa quá trình tương tác giữa biển và đới bờ, gây ra nhiều hậu quả khác.
Khi hình thành và tồn tại bãi đổ thải biển quy mô lớn, từ đới bờ ra đến độ sâu -10m, sẽ làm thay đổi cân bằng của quá trình tương tác giữa biển và đới bờ. Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển dễ dàng phá hủy bãi thải, gây ra nhiều hậu quả, như: Thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía bắc, phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái ven bờ, làm biến dạng ngư trường.
“Vấn đề đổ thải đất đá mỏ ra biển không bao giờ là chuyện đơn giản, ngay cả đối với những nước giàu”, TS Thuận nói.
Anh Bình - Bá Tân
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.