Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2017 | 8:20

Khai thác và chế tác đá mồ côi ở Suối Giàng (Yên Bái): ​Bao giờ chấm dứt?

KTNT - Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, trên diện tích 15km2 ở xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) có trữ lượng khoáng sản đá vôi lớn. Đá vôi ở đây có cấu tạo vân dải, màu sắc sặc sỡ, chất lượng tốt, đặc biệt có hòn đá nằm riêng biệt, được gọi là đá mồ côi. Mặc dù nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá này chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhưng khoảng 10 năm nay, bất chấp nguy hiểm, người dân các nơi vẫn đổ về đào đá kiếm sống.

Phụ nữ cũng tham gia chế tác đá.

Làm giàu từ đá!

Hơn chục năm về trước, thú chơi dân dã xếp đá hòn non bộ, hay tạo cảnh không gian trong nhà của người dân Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đã nhanh chóng tạo cơn sốt chơi đá cảnh Suối Giàng. Những người mê đá cảnh ở khắp nơi lên Suối Giàng lùng đá. Có cầu ắt có cung, nghề chế tác đá cảnh cũng dần hình thành tại thôn Văn Thi, xã Sơn Thịnh.

Anh Nguyễn Văn Tiến, thợ chế tác đá cảnh ở thôn Văn Thi cho biết: “Những phiến đá to bằng nửa gian nhà được các “cửu đá” săn lùng hàng tuần. Họ dùng búa, choòng đục thủ công tách ra thành những phiến mỏng vận chuyển xuống Sơn Thịnh”. Dưới bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng của các thợ đá, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá như, bàn uống nước, những bộ sập đá với rất nhiều hoa văn rồng bay, phượng múa...

Anh Tú Hải, chủ cơ sở chuyên sản xuất đá cảnh Suối Giàng, cũng là người đầu tiên chế tác đá cho biết, có thể Suối Giàng là chốn cao xanh nơi mây ngàn hội tụ, ngay từ khi khai thiên lập địa màu mây ngũ sắc đã kết tụ vào từng thớ đá để làm nên những tác phẩm vô giá cất giấu trong lòng núi hàng triệu năm nay mới phát lộ.

Anh Hoàng Văn Hương, người chơi đá cảnh ở Hà Nội, cho biết, mỗi tác phẩm đều ẩn chứa ý tưởng của người thợ trao gửi cho người chơi. Tuỳ theo trí tưởng tượng của mỗi người mà mỗi phiến đá, bức tranh đá đều trở nên lung linh huyền ảo với cuộc sống riêng của nó.

Chính vì vậy, những người chơi đá cảnh ở khắp nơi trên cả nước đều tìm về đây để mua đá. Có những tác phẩm đá lên đến cả trăm triệu đồng. Làng đá Văn Thi giàu lên chóng mặt. Hàng chục hộ đã mở xưởng tại nhà, mở cửa hàng bên Quốc lộ 32 để bán đá cảnh.

Bộ giường đá nặng 7 tấn với giá lên đến 800 triệu đồng

Chưa được cấp phép nhưng vẫn khai thác

Khu vực thôn Suối Lóp là một trong hai điểm có mỏ đá lớn nhất của xã Suối Giàng. Trên đường đến thôn Suối Lóp chúng tôi bắt gặp không ít người dân chở bằng xe máy những khối đá ước chừng 1 - 2 tạ, bất kể đường trơn trượt và nguy hiểm để chuyển ra điểm tập kết hoặc mang xuống xã Sơn Thịnh bán cho các xưởng chế tác đá cảnh.

Mỏ đá Suối Lóp nằm ngay bên cạnh khu vực sinh sống, canh tác của người dân. Cả thôn có 60 hộ người Mông sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 40ha đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi “phong trào” khai thác đá cảnh nổi lên, người dân ở đây đang bán dần đất sản xuất của mình cho những chủ thầu khai thác đá. Người dân ở đây cho biết, toàn bộ các mảnh nương ở ven đường có đá cảnh đều đã được các chủ khai thác đá mua lại.

Sản phẩm đá cảnh loại nhỏ dùng cho trưng bày ở tủ, kệ , bàn làn việc

Việc khai thác đá mồ côi ở Suối Giàng đã diễn ra nhiều năm nay, điều đáng nói là, các mỏ đá ở Suối Giàng chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Để xử lý nạn khai thác đá cảnh, huyện Văn Chấn đã thành lập đoàn công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm. Các tuyến đường chính dẫn vào các điểm “nóng” đã được lập barie để kiểm soát, hạn chế phương tiện cơ giới khai thác, vận chuyển đá cảnh. Huyện đã phát hiện 6 vụ khai thác đá cảnh trái phép, tạm giữ trên 60 tấn đá các loại. Tuy nhiên, sau mỗi đợt kiểm tra, mọi hoạt động khai thác lại trở về bình thường.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc quyết liệt chấm dứt tình trạng khai thác đá cảnh, trả lại môi trường sinh thái cho khu du lịch Suối Giàng.

Nguyễn Nhật Thanh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top