Kinh tế vườn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; ở nhiều địa phương, nghề vườn đem lại thu nhập chính cho kinh tế hộ.
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những khâu then chốt để nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế VAC.
Vai trò động lực
Trong thời đại ngày nay, chắc chắn rằng, ai cũng nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN trong tiến trình phát triển, nhất là trong hành trình rút ngắn khoảng cách phát triển mọi mặt, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nền kinh tế và khả năng cạnh tranh quốc gia.
Trên tinh thần đó, Đảng ta luôn xác định: KHCN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực của phát triển, giữ vai trò quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, đảm bảo chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, chỉ có áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) mới có thể đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp hiện đại. Phát triển nông nghiệp CNC bền vững là yêu cầu cần đặt ra cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả bước đầu
Trong hơn 10 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu nông sản nhiều biến động và cạnh tranh khốc liệt, sức mua giảm nhưng nhờ đổi mới cơ chế quản lý và triển khai áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật nên ngành nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng ngoạn mục về cả quy mô sản xuất, năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt trên 330 tỷ USD, tăng bình quân trên 9%/năm. Riêng năm 2019 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, tăng gần 25 tỷ USD so với năm 2008. Thu nhập hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng (năm 2012) lên 130 triệu đồng (năm 2017). Về cơ cấu, từ trên 90% dân số sống và sản xuất dựa vào nông nghiệp, đến nay con số này chỉ còn khoảng 60%.
Năm 2008, Việt Nam mới có 5 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm với hai nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD đến nay chúng ta có 10 nhóm mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, gấp hai lần so với năm 2008 trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Cách làm của Sơn La
Năm 2014, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, ông Nguyễn Quang Vinh ở xã Nà Bó (Mai Sơn) đã đưa giống thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, màu sắc đẹp, thời gian cho quả dài để trồng tại vườn của gia đình. Giống thanh long này cho thu tới 10 lứa quả/năm và có thể điều chỉnh để cây cho quả sớm hơn hoặc muộn hơn nên giá trị kinh tế khá cao. Nếu chăm sóc tốt, năng suất đạt tới 20 tấn quả/năm. Trừ chi phí, có thể cho lãi 300 - 400 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, mía.
Từ thành công của mô hình sản xuất tại gia đình, ông Vinh đã thành lập HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời lựa chọn và đăng ký chứng nhận 4 cây thanh long đầu dòng là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mường La và TP. Sơn La. Hiện, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn là 133ha. Sản phẩm được tiêu thụ tại Sơn La và các siêu thị của Hà Nội; từ năm 2018 đến nay, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE.
Ngoài mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân tại xã Nà Bó, thời gian qua, ở Sơn La còn có nhiều mô hình nông nghiệp được ứng dụng KHCN, như: Mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu, mỗi năm cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng Đồng bằng sông Hồng; mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới (Mộc Châu), tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho trên 150 lao động; mô hình trồng chuối nguyên liệu chất lượng cao tại Công ty cổ phần Rượu Việt Pháp (Yên Châu) sử dụng giống chuối mới từ cây nuôi cấy mô có năng suất cao, chất lượng tốt đã hình thành vùng trồng chuối nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất rượu, chuối khô, sản phẩm rượu chuối.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đưa vào trồng thử nghiệm 20 giống cây ăn quả các loại có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh. Nhờ đó, đã tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Ngoài việc đưa các giống mới vào thử nghiệm, các đơn vị chức năng còn chú trọng việc ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Ứng dụng công nghệ chiết, ghép cải tạo vườn cây ăn quả, như: Thực nghiệm nhân giống bằng phương pháp ghép đoạn cành và ghép mắt cho một số loại cây ăn quả: xoài, nhãn, bơ, cây có múi; nhân giống vô tính, sử dụng thuốc kích thích giâm cành thanh long ruột đỏ; nhân giống và chăm sóc chuối chất lượng cao...
Hiện, toàn tỉnh có trên 13.000ha cây ăn quả được ghép cải tạo; 119 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 3.600ha đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được cấp; 78 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP với 1.339 ha...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, KHCN được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiêu biểu là Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển giống gà đen, từ số lượng ban đầu 100 con gà sinh sản, cơ quan chủ trì đã sản xuất hơn 1.000 con giống, ngoài ra còn bàn giao hơn 100 con gà sinh sản cho Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc để duy trì đàn sinh sản, cung cấp con giống và trứng ra thị trường. Hay đề tài “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp. Các hộ tham gia mô hình có thêm thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng/thùng ong, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm thu nhập, việc làm cho bà con nông dân vùng đặc biệt khó khăn.
Làm vườn thời công nghệ 4.0
Với vườn cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Phúc, nông dân Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông (Đơn Dương - Lâm Đồng), bắt đầu ngày làm việc của mình không phải tưới cây hay bón phân mà kiểm tra và cập nhật số liệu vào chiếc smartphone.
Các số liệu chăm sóc cây hàng ngày từ nước, phân, thời tiết cho đến tình hình sức khỏe cây trồng, dự báo thu hoạch… được cập nhật và chuyển về trung tâm kiểm soát. Có bất cứ vấn đề gì, số liệu sẽ cảnh báo để các kỹ sư tư vấn, điều chỉnh, các kế hoạch thu mua cũng được báo trước để nông dân chủ động.
Ông Phúc cho biết, trang trại của gia đình ông doanh thu mỗi năm 1,6-2 tỷ đồng, sau khi trừ vốn và chi phí, thu lãi khoảng 800 triệu đồng trên diện tích 1,5ha. 25 hộ nông dân trong Tổ hợp tác Suối Thông đều có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Anh Nguyễn Đông Hải, chủ trang trại VietFarm (phường 8, Đà Lạt, Lâm Đồng), thành công khi khởi nghiệp từ nông nghiệp với quy mô lớn. Quy trình trồng cây ở VietFarm hoàn toàn được tự động hóa và kiểm soát dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo đó, phần lớn 10ha sản xuất của trang trại đều áp dụng CNC. Cây trồng không phụ thuộc vào đất mà được nuôi sống trên giá thể được kiểm soát mầm bệnh từ đầu, khi gieo hạt đồng thời cũng được cài luôn con chip kiểm soát độ ẩm, dinh dưõng và theo dõi sức khoẻ cây trồng... đồng bộ dữ liệu với hệ thống tưới. Bất cứ khi nào cây trồng cần nước hay dưỡng chất, con chíp sẽ báo và được bổ sung dưỡng chất thông qua hệ thống tưới tự động không cần người can thiệp.
Anh Hải cho biết, toàn bộ trang trại 10ha của anh đều đầu tư áp dụng GlobalGAP - tiêu chuẩn nông nghiệp cao nhất toàn cầu hiện nay. Suất đầu tư trên 1ha của trang trại khá cao, khoảng 4 tỷ đồng và hoàn vốn sau 5 năm. Doanh thu của trang trại khoảng 60 tỷ đồng/năm.
Sự phát triển của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ - Hà Nội) là minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang mô hình CNC. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Duy Năm cho biết, Hợp tác xã có hơn 10ha trồng các loại hoa, cây cảnh, trong đó lan hồ điệp là loài hoa chủ lực với 90.000 cây được bán ra thị trường mỗi năm.
Hợp tác xã đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới rộng hơn 1.000m2; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng để hoa nở vào đúng dịp lễ, Tết. Nhờ đó đã mang lại thu nhập 1,8 - 2 tỷ đồng/năm/ha. Trước đây cũng vùng đất này, nông dân trồng lúa, hoa màu cho thu nhập chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm.
Công nghệ chế biến làm tăng giá trị nông sản
Một thực trạng và cũng là khó khăn hiện nay là, dù nước ta có nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, nhưng năm nào nông sản cũng phải “giải cứu”, do sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô.
Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và các đồng nghiệp đã hợp tác với nhóm nghiên cứu do Giáo sư SW.Samhaber, Viện Quá trình thiết bị (Đại học Johanes Kepler Linz, Áo) nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (công nghệ JEVA).
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tân, ứng dụng công nghệ này, doanh nghiệp có thể chế biến được các loại hoa quả khác nhau, như dưa hấu, thanh long, quả vải, quả ổi… Sau quá trình sơ chế, ép dịch ra và xử lý enzim, đưa vào chế biến sâu sẽ ra hai thành phẩm: Dịch cô đặc và dịch ngưng (nước khoáng hương vị quả tự nhiên). Khi sử dụng, chỉ cần pha nước cô đặc quả với nước lọc sẽ có nước uống như nước quả ép thông thường.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp CNC sản xuất và chế biến chanh Nam Kim (Nam Đàn - Nghệ An) Đặng Văn Hóa thông tin, Hợp tác xã là đơn vị chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thương hiệu “Chanh Nam Đàn quê Bác” gắn với du lịch cộng đồng”. Đây là dự án không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của 3.000 hộ dân, mà còn góp phần xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Sau một thời gian tìm kiếm, ông nhận thấy công nghệ JEVA rất phù hợp để chế biến nước ép chanh Nam Đàn với công suất 4 tấn quả/ngày.
Bằng phương pháp của KHCN, các sản phẩm trái cây được bảo quản tốt hơn, rất thuận lợi cho việc xuất khẩu, vừa giữ được chất lượng sản phẩm, vừa nâng giá trị trái cây...
Chưa đạt yêu cầu
Mặc dù quan điểm, chủ trương và mục tiêu phát triển và ứng dụng KHCN vào nền kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng là rất rõ ràng và thực tế cũng đạt những kết quả tích cực nhưng có thể thấy tiến độ thực hiện rất chậm.
Vì sao vậy? Đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ.
Theo các chuyên gia, đầu tiên là việc chuyển kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán lên sản xuất hàng hóa lớn, tập trung còn chậm. Việc chậm này cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do quy định của pháp luật không phù hợp (Thí dụ: Luật Đất đai 2013, điều 129 mục 1 vẫn ghi: “Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) Không quá 03 héc-ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác”. Điều 12, mục 5 nghiêm cấm “nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của luật này”). Chấp hành nghiêm như quy định trên thì không thể có sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Thứ hai là, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHCN vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản là do việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng; đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KHCN còn nhiều bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động KHCN chậm được đổi mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kKHCN chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế tài chính còn chưa hợp lý. Thị trường KHCN phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp (Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TW khóa XI, ngày 1/11/2012).
Kinh nghiệm quanh ta
Do diện tích đất nông nghiệp có hạn nên Thái Lan không thể mãi tiếp tục theo đuổi phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng đất canh tác, mà thay vào đó, đưa công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tạo đất trồng, lai tạo các giống cây trồng mới siêu năng suất có khả năng thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn. Hữu cơ hóa đất nông nghiệp thông qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học cải tạo đất thoái hóa, nâng cao độ màu mỡ đã triển khai trong nhiều năm qua. Điều này vừa giúp sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm nhập khẩu phân bón lại nâng cao xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch.
Bên cạnh đó, Thái Lan khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia vào các chương trình khuyến nông. Nếu có dịp đến thăm những vùng nông thôn mới nhận thấy cơ giới hóa đã bao phủ từng thửa ruộng. Ngay cả những khâu sau thu hoạch đã hầu như được cơ giới hóa toàn bộ. Nhưng bí quyết thành công của nông dân Thái Lan chính là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Bởi do điều kiện tự nhiên như địa lý, địa chất, tính chất đất trồng trọt nên nhiều vùng cần phải có những công nghệ và kỹ thuật canh tác đặc thù.
Bên trong các viện nghiên cứu, trường đại học trên khắp đất nước Thái Lan, nhà khoa học đang nghiên cứu những thế hệ cây trồng siêu năng suất, cải thiện chất lượng giống thông qua kỹ thuật chuyển gene; kỹ thuật chọn tạo, công nghệ di truyền và công nghệ nuôi cấy mô. Những “nút thắt cổ chai” trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng phát triển bền vững đã được các nhà khoa học tháo gỡ bằng công nghệ sinh học.
Với việc cơ giới hóa nông nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ sinh học đã giúp Thái Lan phát triển sản xuất nông sản sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo số lượng. Và giờ đây người nông dân Thái Lan đã trở nên khá giả nhờ xuất khẩu nông sản.
Thứ hai là kinh nghiệm từ Israel, một quốc gia nhỏ bé (với diện tích 21.000 km2), với khí hậu và địa hình phức tạp, có nơi cận nhiệt đới nơi lại khô cằn,... hơn nửa diện tích đất đai là hoang mạc và bán hoang mạc, nửa còn lại là rừng và đồi dốc; chỉ 20% diện tích đất đai (khoảng 410.000 ha) là có thể trồng trọt.
Trước áp lực từ việc dân số tăng nhanh lại thêm lượng người nhập cư đổ về ồ ạt từ cuối những năm 1980 dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp gia tăng đáng kể, Israel đã không ngừng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn quốc gia này đã chuyển từ tình trạng thiếu lương thực đến tự túc lương thực, thực phẩm và trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn vượt 3,5 tỷ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%. Nhờ luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, Israel đã trở thành một điển hình về phát triển nông nghiệp của thế giới.
Phát triển KHCN: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác”
Theo TS. Phạm S (Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) quá trình triển khai nông nghiệp thông minh (NNTM), chúng ta cần có cách tiếp cận nhanh và phù hợp song không nóng vội chạy theo phong trào. Với phương châm: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, công nghệ ứng dụng phù hợp với mục tiêu sản xuất kinh doanh là chính”, không nhất thiết ứng dụng tất cả các nội hàm NNTM 4.0 mà tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái, từng địa phương lựa chọn ứng dụng bốn đến năm nội hàm mang tính đột phá.
Bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, cả nước đã có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; 9 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được công nhận.
“Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tích cực tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trong lĩnh vực KHCN để KHCN là động lực căn bản thúc đẩy nông nghiệp phát triển”, bà Thu nói.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp còn thấp, chưa tới ngưỡng nên chưa tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá, đặc trưng vùng, liên vùng.
Theo GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, kinh tế vườn trong nông hộ là một bộ phận cấu thành hữu cơ của nền kinh tế nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Phát triển kinh tế vườn là tất yếu, nhưng để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất khó do phụ thuộc vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Các địa phương cần thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã VAC hoặc nhóm người cùng sở thích tại mỗi vùng để tạo ra vùng sản xuất lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ hơn, từ đó hình thành nên những phát triển du lịch sinh thái rộng lớn, hấp dẫn du khách. Tư vấn kỹ thuật cho nông dân như cải tạo vườn tạp sao cho phù hợp với điều kiện chung và điều kiện riêng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu để dần nâng cao trình độ canh tác của người nông dân trong việc chuyển đổi và khai thác vườn có hiệu quả; xây dựng sản phẩm sạch và sản phẩm thương hiệu theo vùng miền để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn”, ông Dân nói.
Ông Dân nhấn mạnh: Để phát triển bền vững, phải đặt kinh tế vườn trong tổng thể cả hệ sinh thái VAC; tiếp tục cải tạo vườn tạp, như kinh nghiệm ở Sơn La mỗi địa phương chọn 2 - 3 loại cây phù hợp, có hiệu quả, thực hiện ghép cải tạo; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cần thiết để đạt năng suất cao, chất lượng tốt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như kinh nghiệm làm vườn mẫu ở Hà Tĩnh, bố trí sắp xếp lại vị trí các khu vườn, ao, chuồng mang lại thu nhập 360 triệu đồng/vườn/năm; thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã VAC theo Luật HTX mới...
Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của nhiều địa phương, góp phần đưa nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó có kinh tế vườn.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.