Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:55

Đạp Thanh phát huy mô hình kinh tế vườn đồi

Đạp Thanh là xã miền núi khó khăn của huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) với diện tích tự nhiên khá rộng (gần 92km2). Đây là tiềm năng lớn để xã phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi.

Mô hình trồng trà hoa vàng, nuôi gà đồi, gà Ai Cập, của chị Trần Thị bảy (thôn Khe Sa, xã Đạp Thanh).

Đạp Thanh nổi tiếng với cây trà hoa vàng và là xã đầu tiên trong huyện thực hiện mô hình phát triển loại cây này một cách quy mô, hiệu quả. Người đi đầu trồng trà hoa vàng ở đây là anh Nịnh Văn Chắng (thôn Khe Sa). Bắt đầu trồng từ năm 2006, đến nay anh đã có 2ha trà hoa vàng với 3.300 cây, đã cho thu hoạch mấy vụ. Trà hoa vàng trồng 3 năm thì cho thu hoạch, 1 cây có thể cho 1kg hoa tươi/vụ, 1ha cho khoảng 250kg hoa tươi, giá bán hiện nay khoảng 500.000-600.000 đồng/kg.

Nhận thấy đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, giúp người dân nhiều xã khác trong huyện phát triển cây trà hoa vàng. Riêng Đạp Thanh hiện có 40 hộ trồng, tổng diện tích 17ha, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đạp Thanh đã đăng ký xây dựng trà hoa vàng là sản phẩm OCOP (là tên viết tắt của chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh). Xã đã thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây trà hoa vàng. Hiện, công ty đang đẩy nhanh việc xin cấp phép xây dựng xưởng sơ chế, vườn ươm giống và khu sản xuất trà tập trung.

Cây trà hoa vàng đã góp phần không nhỏ giúp người dân xã xoá nghèo, như trường hợp của hộ chị Trần Thị Bẩy, người Sán Chỉ, ở thôn Khe Sa. Trước đây khoảng chục năm, gia đình chị còn phải sống trong ngôi nhà tranh tre cũ nát. Năm 2002, Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vợ chồng chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng 5ha rừng và 2ha trà hoa vàng (3.000 cây), nuôi 200 con gà Ai Cập siêu trứng và 600 con gà đồi.

Chị Bảy cho biết: “Khi thực hiện mô hình kinh tế này, chúng tôi phải có quỹ đất ít nhất là 2ha mới được tham gia. Bởi nuôi gà đồi dưới rừng trồng cần chăn thả bán tự nhiên trên diện tích rộng. Gà ăn thóc, nhưng hàng ngày cũng cần được ăn giun, dế, cào cào, loại thức ăn chỉ có trong tự nhiên và rất sẵn ở Đạp Thanh. Nhờ phát triển tốt mô hình này, nhất là trồng trà hoa vàng, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Các mô hình phát huy lợi thế về quỹ đất khác có thể kể đến là trồng ổi Đài Loan (toàn xã hiện trồng 775 cây), cam Canh - cam V2 (2.500 cây), na dai (1.100 cây), tổng số 35 hộ tham gia. Bên cạnh đó, người dân còn tham gia dự án trồng tre mai (5 hộ, 0,51ha); dự án nuôi tập trung đàn trâu, bò (48 con, 3 hộ)… Đạp Thanh cũng là xã phát triển rừng trồng, hiện có gần 2.000ha cây sa mộc, quế, keo với 100% số hộ trong xã tham gia.

Hiện Đạp Thanh đã đạt 11/19 tiêu chí với 30/39 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Với đà này, xã phấn đấu về đích nông thôn mới trước thời hạn kế hoạch đặt ra (kế hoạch là năm 2020).

Trà hoa vàng còn gọi là kim hoa trà, là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng, như: lấy gỗ, làm cây cảnh, nguyên liệu là đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, giảm lipit trong máu, giảm cholesterol xấu, phòng ngừa ung thư, giải độc gan...

Anh Vũ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top