Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 1 năm 2016 | 9:2

Kho bạc Nhà nước Nam Định: Lãng phí ngân sách nhà nước?

Nhà làm việc không kém chất lượng ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, tính cần thiết phải phá dỡ không có, nhưng Kho bạc Nhà nước Nam Định vẫn đập bỏ; ngoài ra còn đầu tư xây dựng vượt gần 70 tỷ đồng tổng mức được Bộ Tài chính phê duyệt...

>> Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: “Khuất tất” việc bổ nhiệm cán bộ (?!)

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành kho bạc, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 3158/QĐ-BTC ngày 18/12/2013 phê duyệt tổng mức đầu tư toàn ngành, trong đó Kho bạc Nhà nước Nam Định được phê duyệt tổng mức đầu tư là 20 tỷ đồng. 

Kết luận thẩm định công trình không nói xuống cấp, còn khả năng sử dụng nhưng lại đập phá có hợp lý?

Theo đó, ông Vũ Văn Yên, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, đã báo cáo và trình hồ sơ đề nghị đầu tư và được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước phê duyệt tại Quyết định số 774/QĐ-KBNN ngày 24/9/2014 cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định phá dỡ hầu hết các công trình chính và công trình phụ, cho xây mới một tòa nhà với mức đầu tư lên đến 86,585 tỷ đồng, vượt hơn 66,585 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư mà Bộ Tài chính phê duyệt.

Trao đổi về việc đầu tư cải tạo mở rộng trụ sở làm việc của Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, ông Yên cho biết: Chúng tôi tiến hành đầy đủ các thủ tục và đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép.

Tuy nhiên, qua tiếp cận hồ sơ mà ông Yên cung cấp, nội dung một số văn bản chưa gắn kết với nhau, tính thuyết phục của việc đầu tư chưa vững chắc (?!).

Cụ thể, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng thuộc Sở Xây dựng Nam Định kết luận: “Phần kết cấu tường, cột, dầm, sàn công trình về lâu dài không đảm bảo an toàn về khả năng chịu lực”; “không thể nâng thêm tầng”. Như vậy, cơ quan kiểm định không kết luận công trình kém chất lượng ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, tính cần thiết phải phá dỡ công trình là không có, nhưng công trình vẫn bị đập bỏ.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định đang tinh giảm biên chế theo Nghị định số 180/2014/NĐ-CP và đơn vị cũng ủy quyền cho ngân hàng thực hiện thu ngân sách, không còn phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, áp dụng phần mềm TabMis kết nối nghiệp vụ toàn ngành với các ngành khác làm giảm khối lượng công việc rất nhiều. 

Thiết nghĩ, không có kết luận công trình kém chất lượng ở hiện tại và tương lai gần, biên chế giảm, khối lượng công việc giảm, đất nước còn nghèo thì việc đầu tư gần 90 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, vượt xa mức phê duyệt của Bộ Tài chính có lãng phí hay không và việc đập tòa nhà đang còn khả năng khai thác có hợp lý (?!).

Không dừng lại ở đó, việc thuê điểm giao dịch số 1 tại ki-ốt số 5 Chợ Rồng (TP. Nam Định) 20 năm từ ngày 02/04/2002 với số tiền 154 triệu đồng, trả một lần cũng có vấn đề. Đến ngày 1/1/2012, điểm giao dịch này dừng hoạt động theo Quyết định số 136/QĐ-KBNĐ ngày 22/12/2011 của Giám đốc Kho bạc nhà nước Nam Định nhưng hơn 2 năm sau (29/8/2014), điểm giao dịch này mới được bàn giao trả lại đơn vị cho thuê. Điều đáng nói là số tiền trả trước cho thời gian chưa sử dụng có được thu hồi và số tiền trả cho hơn 2 năm không sử dụng có phải là một thất thoát đối với ngân sách nhà nước?

Càng “trái khoáy” hơn khi Kho bạc Nhà nước Nam Định còn “cho mượn” của công. Đó là việc Điểm giao dịch số 2 tại số 60 đường Phạm Ngũ Lão chấm dứt hoạt động vào ngày 27/9/2012 theo Quyết định số 183/QĐ-KBNĐ ngày 26/9/2012, nhưng từ đó đến nay, Kho bạc Nhà nước Nam Định không trả lại Nhà nước mà đem cho mượn (?!). 

Ông Yên cho hay: “Ki-ốt chúng tôi thuê, để không từ năm 2011 đến năm 2014 lãng phí nên chúng tôi trả lại, bán là việc của họ. Còn địa điểm ở Phạm Ngũ Lão là cho người ta mượn”. 

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Nhất Nam

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top