Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của 6 hộ dân ngụ tại ấp Chợ, xã Nhơn Phú (Mang Thít - Vĩnh Long) phản ánh việc chưa làm lộ mới mà địa phương đã cho một hộ dân cất nhà trên lộ cũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và phát triển kinh tế của một số hộ trong khu vực chợ Nhơn Phú.
Nhà cất toàn bộ trên con lộ cũ.
Ngày 21/9/2007, UBND huyện Mang Thít ký Quyết định số 1440/QĐ- UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 chợ - khu phố chợ xã Nhơn Phú. Đến năm 2009 tiến hành thực hiện giai đoạn 1: xây dựng nhà lồng chợ và khu phố chợ. Giai đoạn 2: xóa bỏ lộ 26/3 cũ, di dời nhà dân để mở 2 con đường vào chợ.
Đến tháng 3/2013, căn hộ của bà Võ Thị Truyền (một trong những căn hộ phải di dời để mở đường vào chợ trong giai đoạn 2) bị hư hỏng nặng, tuy nhiên khi bà tiến hành xây dựng lại thì bị các cán bộ xã, huyện đến lập biên bản (không có số, không chữ ký và không đóng dấu của chính quyền địa phương) buộc đình chỉ thi công với lý do vi phạm Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ và yêu cầu bà Truyền phải lập thủ tục xin phép xây dựng. Bà Truyền chấp hành không xây dựng nữa. Nhưng thấy con đường mới chưa biết đến bao giờ mới mở nên bà lại xin sửa nhà trên nền cũ để ở tạm nhưng cũng không được chấp thuận. Cuối cùng bà đành phải chấp nhận xây dựng nhà mới theo quy hoạch do Phòng Công Thương huyện chỉ định. Ngày 25/4/2013, UBND huyện Mang Thít cấp Giấy phép xây dựng tạm số 09, chấp thuận cho bà Truyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch 1/500 mà huyện đã phê duyệt. Vì thế bà Truyền phải cất nhà chắn ngang con lộ 26/3 cũ, làm bít đường giao thông đã có từ trước đến nay và làm bế tắc hoàn toàn việc kinh doanh, sinh sống của gần chục hộ dân nơi đây.
Trước phản ứng của người dân, ông Trần Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Phú, hứa trong vòng 2 tháng sẽ xây dựng xong đường mới để nhân dân tiện việc đi lại, buôn bán. Thế nhưng chờ mãi đến giữa năm 2014 mà con đường mới vẫn chưa được tiến hành trong khi con đường cũ bị nhà bà Truyền chắn ngang, việc buôn bán của gần chục hộ dân hoàn toàn tê liệt, phải đóng cửa, con đường đang nhộn nhịp trở thành con đường chết.
Không thể chờ đợi mãi, tháng 8/2014 các hộ dân nơi đây làm đơn khiếu nại gửi đến UBND xã thì được chỉ lên UBND huyện. Đến UBND huyện lại chỉ trở về xã. Cuối cùng, ngày 26/9/2014, UBND xã Nhơn Phú có giấy mời 9 hộ dân thuộc diện giải tỏa thu hồi đất trong giai đoạn 2 theo quy hoạch đến họp. Tại cuộc họp này, sau khi nghe thông qua lý do, mục đích yêu cầu của việc quy hoạch giai đoạn 2 khu vực chợ Nhơn Phú theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Mang Thít là áp dụng phương pháp nhà nước đầu tư xây dựng, nhân dân hiến đất, tất cả các hộ dân dự họp đếu không đồng ý hiến đất. Nếu mở lộ, thu hồi đất thì nhà nước phải bồi thường thỏa đáng cho dân và hộ nào bị thu hồi nhiều thì đề nghị đổi đất. Và như thế phương án thực hiện giai đoạn 2 của quy hoạch rơi vào bế tắc.
Các hộ dân tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan truyền thông nhờ can thiệp. Trả lời báo chí, ông Trương Chí Thiện, Trưởng phòng Công Thương huyện Mang Thít, nói: “Còn 2 hộ chưa đồng ý hiến đất để mở đường mới vì họ phải giải tỏa trắng nên huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hai hộ này thống nhất theo phương án của huyện. Nếu hai hộ này không đồng ý thì sẽ vận động các hộ dân bên trong đóng góp một phần kinh phí để hỗ trợ bồi hoàn cho họ”. Câu trả lời hết sức vô lý này khiến người dân càng thêm bất bình.
Trả lời câu hỏi: “Khi tiến hành dự án quy hoạch chợ và khu phố chợ xã Nhơn Phú, chính quyền có họp dân công bố và lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân về phương án thực hiện qua từng giai đoạn hay không?”, ông Thiện một mực khẳng định là có họp dân lấy ý kiến trước khi tiến hành, tất cả nhân dân đồng thuận nhưng khi phóng viên yêu cầu cung cấp biên bản thì ông Thiện nói rằng xã không gửi biên bản về huyện. Khi phóng viên đến UBND xã Nhơn Phú thì xã chỉ cung cấp được một biên bản duy nhất lập ngày 26/9/2014 với kết luận nhân dân không đồng ý hiến đất mở đường mới.
Như thế để thấy rằng sự bức xúc của người dân là hoàn toàn có cơ sở vì trong khi phương án thực hiện giai đoạn 2 chưa được sự đồng tình ủng hộ của người dân mà UBND huyện lại ký giấy phép xây dựng tạm cho bà Truyền cất nhà bít lộ cũ. Giấy phép ký ngày 25/4/2013 nhưng mãi đến 17 tháng sau mới họp lấy ý kiến nhân dân, đây là việc làm nóng vội, gây nên hậu quả khó giải quyết về sau. Cụ thể là đến nay, sau 6 năm quy hoạch chỉ mới hoàn thành được 50%, phần còn lại không biết đến bao giờ mới thực hiện, trong khi cuộc sống của các hộ dân nơi đây rất khó khăn vì vướng “quy hoạch treo”.
Thiết nghĩ, UBND huyện Mang Thít sớm xử lý dứt điểm vụ việc, tránh dây dưa kéo dài, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Phi Hùng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.