Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 9 năm 2014 | 8:48

Khối tài sản “khủng” của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

KTNT - Đề tài về ông Lê Thanh Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đang là tâm điểm trong những cuộc bàn tán của người dân địa phương và dư luận cả nước.
 
Bài 1:  Đằng sau dinh thự xa hoa
 
Thời gian qua, khu dinh thự xa hoa cùng hơn 100ha cao su ở khu đất đắc địa của ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã khiến dư luận dậy sóng...
 
Dinh thự của ông Lê Thanh Cung.

Dinh thự có một không hai
 
Khu dinh thự trị giá hàng chục tỷ đồng của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung ở phường Định Hòa (TP. Thủ Dầu Một - Bình Dương).
 
Từ ngoài nhìn vào, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là dinh thự của ông Lê Thanh Cung tuyệt đẹp và đầy bí ẩn. Dinh thự có giá trị hàng chục tỷ đồng, tọa lạc trên khu đất cao ráo rộng khoảng 1.000m2, được người dân địa phương ví von là “lâu đài nhỏ” và là ước mơ của tất cả mọi người. Xung quanh dinh thự được rào kín với tường xây kiên cố, bên trong có nhiều cây cảnh, hòn non bộ trị giá tới hàng tỉ đồng. Một “đội quân” chó dữ cũng được nuôi dưỡng, sẵn sàng nhảy xổ vào bất cứ ai có ý định bén mảng đến tòa dinh thự này.
 
Trong vai khách du lịch lần đầu thấy được tòa dinh thự nguy nga, chúng tôi liền lấy máy ảnh chụp vài tấm. Ngay lập tức, một gã thanh niên cao to, đội mũ lưỡi trai, mặc áo ba lỗ tiến đến gần, yêu cầu tôi ngừng chụp ảnh. Tôi nói: “Anh là ai mà cấm chúng tôi chụp hình? Vả lại, khu vực này đâu có đề biển cấm chụp hình đâu. Chúng tôi chỉ là du khách, thấy đẹp thì chụp thôi”. Nghe vậy, anh này trừng mắt ra chiêu hăm dọa, nhìn chúng tôi chằm chằm với vẻ mặt đầy sát khí rồi nhanh tay móc điện thoại ra gọi đàn em: “Tập trung gấp! Có mấy con chuột tò mò, nói không nghe”. Thấy việc không ổn, chúng tôi lánh sang bên kia đường thì gặp một bác xe ôm. Qua trao đổi, biết bác là người vùng này nên tôi hỏi thăm bác có biết về những gã thanh niên bặm trợn bên kia đường không? Bác này ngoắt bảo chúng tôi lại và nói nhỏ: “Bọn này không phải là người ở đây và chúng cũng mới xuất hiện gần đây thôi. Bọn chúng thường giả vờ như đi đường nhưng thực tế là để ý những ai lạ nước lạ cái hay ngó nghiêng, quan sát hay chụp hình, quay phim ở khu vực này. Thấy có động là chúng tới “hỏi thăm sức khỏe” ngay. Các cậu từ xa tới nên không biết, giờ biết rồi thì đi nhanh kẻo mang vạ vào thân”.
 
Chúng tôi cảm ơn lời cảnh báo của bác xe ôm và chầm chậm di chuyển ra khỏi “khu vực cấm” dưới ánh nhìn đầy đe dọa của gã đàn ông da ngăm cùng đồng bọn. Vừa đi, chúng tôi vừa thận trọng quan sát tòa dinh thự. Trước mặt dinh thự là cổng rào sang trọng, được điều khiển tự động khép vào, mở ra bằng điều khiển từ xa. Còn bên trong thì có không ít cặp cây kiểng quý hiểm giá hàng tỷ đồng.
 
Một người dân địa phương (xin giấu tên) cho hay, ông và một vài người bạn làm thợ hồ đã từng vào trong tư dinh của ông Chín Cung (Lê Thanh Cung) để xây hàng rào. Khi bước vào bên trong ai nấy đều choáng ngợp bởi “từ bé tới giờ mới thấy” tòa dinh thự lớn và đẹp như thế. Trong khuôn viên biệt thự, ngoài quần thể đá làm hòn non bộ và cây cảnh quý thì còn có nhiều vật dụng trưng bày trong khu vườn. “Ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc phương Tây hiện đại, to nổi bật giữa khu dân cư thưa thớt với mặt tiền quay ra đường và gần như vuông vức với độ cao lý tưởng, toàn cảnh khu dịnh thự này như một bức tranh sơn thuỷ sống động hiện ra trước mắt. Những bộ bàn ghế đắt tiền, toàn bộ đồ nhà ông đều được mua ở nơi khác về và phải cẩu xuống chứ không ai khiêng nổi”, người này kể lại.
 
“Căn biệt thự cửa lúc nào cũng đóng, trừ khi có người ra vào hay có khách quý. Mỗi lần có đám tiệc, ôtô đậu kín bên trong và xếp hàng dài ngoài đường. Có người khi chạy xe đi qua khỏi nhưng vẫn ngoái cổ lại nhìn vào tòa dinh thự. Họ thấy to và đẹp quá mà”, một người dân khác trầm trồ cho biết.
 
Vườn cao su trăm tỉ
 
Về tới ấp 8, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, trong vai người đi mua đất để trồng cao su, chúng tôi lân la làm quen với mấy người dân đang cạo mủ trong vườn cao su, hỏi thăm nơi đây có ai bán đất cao su không. Mọi người đều trả lời “Không biết chú ơi”. Tôi giả vờ hỏi: “Nghe mọi người nói ông Chín Cung muốn bán vườn cao su nên cháu về đây xem có đẹp không chứ nghe mọi người nói nhất khu này, cháu không tin”. “Chú ở xa không biết đấy chứ, đất nhà ông Chín Cung là trùm khu này”, vừa nói bác này vừa chỉ tay cho chúng tôi thấy.
 
Một góc khu vườn cao su của gia đình ông Lê Thanh Cung.

Qua khu đất cách nơi chúng tôi đang đứng khoảng 10 mét là khu đất liền lạc được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai kiên cố, đó là vườn cao su của nhà ông Chín Cung. Bác này tâm sự: “Tôi làm khu này cũng khá lâu rồi. Trước kia nơi này heo hút, đường sá lầy lội lắm, nếu có bán đất cũng không được mấy đồng. Nhưng cũng mừng, từ khi có khu vườn cao su khoảng 100ha cuả ông Chín Cung, nơi đây cũng được “thơm lây”. Đường được đầu tư khang trang, láng nhựa, xe cộ ra vào dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn thôi. “Đường nhà quan thênh thang rộng lớn”, còn đường nhà dân thì...
 
Khi chúng tôi đảo một vòng “tham quan”, dễ dàng nhận thấy khu vườn của ông Lê Thanh Cung đẹp nhất, giá trị nhất vùng này. Khu vườn vuông vức, được rào dây kẽm gai khép kín. Con đường ngang qua vườn nhà ông Cung thì được trải nhựa láng, xe chạy bon bon không một chỗ vấp váp. Tuy nhiên, hết 2km đường nhựa đẹp xuyên qua vườn cao su ông Chín, sang “lãnh địa” cao su của dân, thì cao su 2 bên đường cũng… xơ xác, cỏ dại um tùm, phủ cả ra đường… Tệ hại hơn, đường đi bỗng trở nên xấu tệ, dày đặc ổ voi, ổ gà, bụi mù mịt… và đá cụi lổn ngổn.
 
Theo nhiều người dân ở xã Long Nguyên, 1ha rừng cao su mặt tiền đường nhựa đẹp như rừng cao su của ông Chín Cung có giá từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng. Từ diện tích rừng cao su trên dưới 100ha kể trên, ông Chín Cung đang có trong tay số tài sản “nhỏ nhoi” lên đến hàng trăm tỷ đồng. Một số tiền khổng lồ đối với người dân ở địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
 
Tuy nhiên, một số người thắc mắc, “từ năm 1978 - 1982, ông Lê Thanh Cung là cán bộ thường trực Phòng Kế hoạch huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé cũ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn huyện Bến Cát. Từ năm 1982 - 1983 đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Ban Thống kê - Kế hoạch - Lao động huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé. Giai đoạn năm 1983 – 1987, ông Lê Thanh Cung nhận chức vụ Huyện ủy viên, Ủy viên UBND huyện Bến Cát, Trưởng ban Kế hoạch huyện. Đến năm 1987 - 1991 là Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé. Hồi đó 100ha cao su cũng gần 50 tỷ đồng, nhưng đồng lương ít ỏi của cán bộ hồi đó không đủ nuôi đứa con đi học xa nói chi mua vườn cao su hàng trăm hecta với giá đó (?!)”./.
 
Bài 2: Sự mập mờ khiến dư luận nghi ngờ
 
Nhóm PVĐT
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top