Mặc dù không được cấp phép nhưng Công ty TNHH KT - XD - TM Hoài Đức (Công ty Hoài Đức) ngang nhiên khai thác đất tại các cánh đồng ở xã Đức Tân (Tánh Linh - Bình Thuận) trong suốt thời gian qua mà chính quyền địa phương không hề xử lý.
Báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh về việc Công ty Hoài Đức khai thác đất nông nghiệp không phép, coi thường tính mạng người dân đăng ngày 4-4-2016. Sau khi báo thông tin, tình trạng chở đất nông nghiệp từ chỗ hoạt động công khai chuyển sang lén lút, còn chính quyền địa phương thì chưa có dấu hiệu sự vào cuộc xử lý dứt điểm.
Nhiều tuyến đường nứt nẻ
Theo ông N.V.Đ, cán bộ thôn 1, xã Đức Tân chia sẻ: “Việc Công ty Hoài Đức sử dụng xe quá trọng tải khoảng 25 tấn (trong khi trọng tải cho phép chỉ là 10 tấn) lưu thông thường xuyên trên những tuyến đường khiến đường bị xuống cấp, nứt nẻ ngang dọc khắp nơi. Hiện đang là mùa nắng, chân đường còn cứng, nhưng mùa mưa tới đây, đường sẽ ngấm nước và bị rạn nứt nhiều hơn”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nhiều con đường trong thôn 1 mà xe tải chở đất của Công ty Hoài Đức chạy qua có hiện tượng bê tông nứt nẻ, bong tróc. Điều này trái ngược hoàn toàn so với Báo cáo số 24 của UBND xã Đức Tân ngày 21-4-2016 khi cho rằng: “Hiện nay tuyến đường đảm bảo chất lượng, không có hiện tượng nứt nẻ, xuống cấp, đáp ứng tốt việc vận chuyển nông sản và đi lại của nhân dân, không có chuyện xuống cấp như báo nêu”.
Con đường tại thôn 1, xã Đức Tân chỉ có tải trọng 10 tấn, nhưng nhiều xe tải trọng trên 20 tấn ngang nhiên chạy mà không được che chắn
Được biết, các tuyến đường giao thông tại thôn 1, xã Đức Tân được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều hộ dân nơi đây đã phải đi vay mượn nợ để có kinh phí đóng góp làm đường. “Vừa mới làm xong, đường đã nứt một đoạn vì các xe chở đất chạy qua đây. Kinh phí làm các tuyến đường này một phần do người dân đóng góp nên giờ nhìn vậy ai cũng cảm thấy rất xót xa”, vị cán bộ thôn 1 ngao ngán nói với phóng viên. Cũng theo vị cán bộ này, “địa phương làm chưa tới nơi tới chốn, cũng có loa đài đó nhưng chưa thông tin đại chúng tới nơi tới chốn”.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân xã Đức Tân tỏ ra vui mừng, vì sau khi báo phản ánh, tình trạng những chuyến xe chở đầy đất mù mịt khói bụi đã giảm đáng kể, các xe cũng “né” chạy sang những tuyến đường khác thuộc các thôn 2, 3, xã Đức Tân. “Nhờ có bài báo mà nhà tôi không còn chịu cảnh bụi mù mịt mỗi lần xe chạy qua như trước, trước cửa nhà cũng không phải dùng đồ để che chắn cả ngày đêm nữa. Các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, viêm xoang vì thế cũng giảm đáng kể”, một cựu chiến binh thôn 1 vui vẻ chia sẻ với phóng viên. Trái ngược hẳn với báo cáo của UBND xã Đức Tân “qua kiểm tra rà soát tại bộ phận 1 cửa và cán bộ ở địa phương thì không có người dân nào làm đơn hoặc báo cáo về việc khai thác đất trái phép”.
Chính quyền không cấp phép, doanh nghiệp vẫn khai thác
Trao đổi với phóng viên về vấn đề nói trên, ông Lưu Tấn Nhạn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Tân, khẳng định: “UBND xã chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn cấp phép cho khai thác đất thì không. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, bà con có đề xuất vậy, phía UBND xã còn nghiên cứu. Cụ thể đối với diện tích ruộng của bà con thì có hộ có đơn, có hộ không có đơn. Đối với các hộ dân thuê thì họ trả tiền, dân tự thỏa thuận múc đất, nhưng phải đúng quy định của pháp luật”.
Khi phóng viên đề cập đến việc được tiếp cận các lá đơn xin cải tạo lại ruộng của người dân thì lãnh đạo UBND xã Đức Tân thừa nhận: “không có đơn, mà chỉ là ý kiến của người dân trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri”. Phóng viên tiếp tục đề nghị được tiếp cận biên bản các buổi tiếp xúc cử tri thì vị Chủ tịch này thừa nhận trong biên bản không có ghi. Điều này trái ngược hoàn toàn với báo cáo của xã Đức Tân gửi UBND huyện Tánh Linh: “Hàng năm, vào thời điểm thu hoạch vụ đông xuân xong, một số hộ dân tự ý cải tạo đồng ruộng. Tuy nhiên, diện tích cải tạo của các hộ dân nhỏ, lẻ; địa phương cũng chưa thường xuyên kiểm tra kịp thời và xử lý các vi phạm trong quá trình cải tạo”.
Nhiều con đường xuất hiện các vết nứt dài
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Thanh Hưng, Chánh văn phòng UBND huyện Tánh Linh cũng cho biết: “Hiện tại việc cấp phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh chứ không phải của huyện. Theo tôi biết thì Công ty Hoài Đức chưa có giấy phép khai thác, cải tạo ruộng trên địa bàn xã Đức Tân”.
Báo cáo số 24/BC - UBND ngày 21-4-2016 có ghi rõ, tại Điều 33 của Quyết định số 50/2012/QĐUBND ngày 21-11-2012 quy định rõ: “Nghiêm cấm các ngành hữu quan, UBND cấp xã và cấp huyện cho phép khai thác khoáng sản dưới mọi quy mô và hình thức. Các phương án nạo vét ao, hồ, sông, suối, cải tạo đất hoặc đào ao có tận dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt của các ngành, các cấp trước khi thực hiện chủ dự án phải xin phép bằng văn bản có thống nhất của UBND cấp xã, UBND cấp huyện liên quan gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trình UBND tỉnh giải quyết theo từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Luật Khoáng sản và pháp luật khác có liên quan”.
Cùng vấn đề này, ngày 22-4-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có buổi làm việc với UBND xã Đức Tân và đi thực tế tại hiện trường theo Quyết định số 2054/QĐ - UBND ngày 17-6-2014 về việc “kiểm tra, xác minh và xử lý tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn xã Đức Tân, huyện Tánh Linh, mà báo Kinh tế nông thôn ngày 4-4-2016 đã phản ánh theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn 1131/UBND - KTN ngày 11-4-2016”.
Giấy mời của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận
Như vậy, việc Báo Kinh tế nông thôn có bài viết phản ánh tình trạng về việc Công ty Hoài Đức khai thác đất nông nghiệp không phép, coi thường tính mạng người dân là hoàn toàn có căn cứ, cơ sở chặt chẽ, toàn bộ nguồn thông tin được ghi lại bằng hình ảnh, video...
Phóng viên báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục vào cuộc điều tra việc “liên minh, lại quả, bớt xén kinh phí” của các công trình xây dựng tại xã Đức Tân và địa bàn huyện Tánh Linh mà Công ty Hoài Đức trúng thầu để thông tin tới bạn đọc.
Mạnh Tiến
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.