Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chủ hộ nhưng các con giấu nhẹm, không đưa giấy tờ đất cho mẹ.
Theo trình bày của bà Ngô Thị Phố (85 tuổi), ngụ tại ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), năm 1983, gia đình bà được Nhà nước cấp cho thửa đất diện tích 291,6m2 tọa lạc tại địa chỉ trên. Trên diện tích đất đó, gia đình bà đã xây dựng nhà cửa để ở.
Nhà của bà Phố đang bị con gái giữ sổ đỏ.
Ngày 23/4/2012, bà được UBND huyện Trần Đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà là chủ hộ. Thế nhưng, sau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì con bà Phố đã giấu nhẹm, không đưa giấy tờ đất cho mẹ cho đến nay.
Bà Phố nói trong nước mắt: “Khi đăng ký cấp sổ đỏ thì tôi là chủ hộ nên đứng tên tôi trên sổ đỏ. Nhưng từ khi có sổ đỏ đến nay, con gái tôi lại giữ sổ đỏ mà không đưa cho tôi nên tôi đã làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết buộc con tôi phải trả lại giấy tờ cho tôi mà chưa được”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Ninh, cán bộ địa chính thị trấn Trần Đề, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn của bà Phố đề nghị địa phương buộc con bà trả sổ đỏ cho bà. Chúng tôi đã phối hợp với tư pháp thị trấn mời những người con gái đang giữ sổ đỏ của bà Phố nhưng họ không đến nên chúng tôi chưa biết phải giải quyết như thế nào”.
“UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường xem xét, báo cáo đề xuất hướng giải quyết cho UBND huyện về trường hợp của bà Phố”, ông Trần Trung Tính, Phó chánh văn phòng UBND huyện Trần Đề nói.
Còn ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết: “Qua thông tin của nhà báo, tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND thị trấn Trần Đề báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý đúng qui định”.
Bà Phố bộc bạch: “Tôi già rồi, chúng nó (những người con giữ sổ đỏ của bà-PV) có nuôi tôi ngày nào đâu, bây giờ tôi bị bệnh, mỗi ngày tiền thuốc tốn cả trăm ngàn đồng nên tôi có ý định cho người khác thuê nhà để có tiền mua thuốc men nhưng việc cho thuê chưa thực hiện được bởi vì sổ đỏ không có. Tôi đề nghị chính quyền giải quyết buộc con tôi trả lại bằng khoán (sổ đỏ) cho tôi nhưng chưa được giải quyết”.
Theo bà Phố, sau khi bà làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị giải quyết buộc con phải trả lại sổ đỏ cho bà, UBND thị trấn Trần Đề đã nhiều lần gửi giấy mời yêu cầu những người con gái đang giữ sổ đỏ của bà trái pháp luật, trái đạo lý đến trụ sở làm việc nhưng những ngưởi con này không đến khiến cho chính quyền địa phương… bất lực. Không chỉ vậy, sau mỗi lần địa phương mời làm việc thì con gái của bà lại gây sự, chửi bới thô tục trước cửa nhà bà khiến cho bà càng đau xót, bức xúc hơn.
Một người hàng xóm của bà Phố kể: “Nhìn thấy cảnh đó mà đau cho bà Phố. Bao năm tháng mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, đến cuối đời lại bị con đối xử mất hết tình nghĩa như vậy. Có lẽ mấy đứa con này cố ý làm cho bà đau khổ, u uất để cho bà chết sớm để họ chia chác chút đất nhỏ này thôi mà. Chúng tôi là người ngoài mà cũng thấy buồn cho bà Phố. Điều chúng tôi băn khoăn là công an, chính quyền ở đâu mà để cho những đứa con bất hiếu hành hạ mẹ già đến như vậy?”
Theo luật sư Hoàng Văn Quyết (Đoàn luật sư Sóc Trăng), hành vi giữ giấy tờ nhà đất bà Phố của con bà là vi phạm pháp luật. Hành vi ngăn cản bà Phố sửa chữa nhà vừa không đúng quy định của pháp luật, vừa không đúng về đạo đức của con người. “Nếu các con của bà không trả sổ đỏ cho bà thì chính quyền địa phương thông báo và hủy sổ đỏ cũ, tiến hành cấp sổ đỏ mới cho bà chứ không có gì khó cả”, ông Quyết nói.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Xuân Huỳnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.