Nhà đất hợp pháp của hộ dân có công với cách mạng được Nhà nước giao từ năm 1984 nhưng chính quyền sở tại lại gây sức ép thu hồi để giao cho doanh nghiệp tư nhân nhằm mục đích… sản xuất kinh doanh.
Chưa thực hiện xong các thủ tục của dự án nhưng Công ty Bắc Nam 79 đã chiếm giữ khu đất.
“Biến” khu đất vàng vào tay doanh nghiệp tư nhân
Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1962), trú tại 69A Lý Tự Trọng, phường Bến Thành “tố” UBND quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) "câu kết" với Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (có trụ sở chính tại tầng 2, số nhà 32, đường Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) chiếm đoạt tài sản trái phép đất và nhà ở của gia đình ông.
Được biết, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền (mẹ đẻ ông Thanh, mất năm 2014), 45 năm tuổi Đảng, nguyên là Phó giám đốc Sở Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nhờ có nhiều cống hiến cho cách mạng, tháng 11/1984, bà được Nhà nước giao cho căn nhà số 72 Phước Hưng, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Quyết định số 593/QĐ-KHXD của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
Đến ngày 12/5/1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin có Quyết định số 593/QĐ-KHXD về việc chấp thuận chuyển đổi diện tích sử dụng nhà giữa Công ty Xuất nhập khẩu vật tư văn hóa và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền như sau:
1. Thu hồi căn nhà 72 Phước Hưng (trước đây đã được bố trí làm nhà ở cho gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hiền) giao cho Công ty Xuất nhập khẩu vật tư văn hóa sử dụng làm cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ đồ gỗ xuất khẩu.
2. Giao cho bà Nguyễn Thị Thanh Hiền căn hộ phía cổng sau của ngôi nhà số 8 Nguyễn Trung Trực (nay là 69A Lý Tự Trọng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh – PV) diện tích 60m2 để sử dụng làm nhà ở như tinh thần Quyết định số 915/QĐ-6 ngày 19/11/1984 của Sở Nhà đất và Công trình công cộng TP. Hồ Chí Minh về việc tạm giao nhà cho Công ty Vật phẩm văn hóa.
Như vậy, kể từ thời điểm năm 1984, gia đình bà Hiền đã được cấp có thẩm quyền phân nhà đất để sử dụng hợp pháp.
Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, sau nhiều lần làm thủ tục xin mua nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP thì các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh không giải quyết cho gia đình bà Hiền vì lý do nơi đây đã có quy hoạch xây dựng… Thư viện thiếu nhi Thành phố.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Bất ngờ, đến ngày 22/6/2011, UBND TP. Hồ Chí Minh lại ban hành Quyết định số 3163/QĐ-UBND với nội dung: Chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sử dụng diện tích 1.296m2 thuộc thửa đất số 3, tờ bản đồ số 1, bộ địa chính phường Bến Thành để làm văn phòng làm việc.
Tiếp đến, ngày 28/5/2012, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 688362 cho Công ty Bắc Nam 79 diện tích 1.297,2m2 tại số 8 Nguyễn Trung Trực, thời hạn sử dụng đến ngày 22/6/2061 và mục đích sử dụng là “đất sản xuất kinh doanh”.
Đến ngày 27/6/2013, UBND thành phố có tiếp Quyết định số 3418/QĐ-UBND duyệt giá trị sử dụng đất tại mặt bằng số 69 Lý Tự Trọng theo giá thị trường để chuyển giao Thư viện Khoa học tổng hợp quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Như vậy, từ khu đất có chủ trương và mục đích xây “Thư viện thiếu nhi”, sau một vài “động tác” là các công văn, quyết định, khu đất này bỗng chốc biến thành… “đất sản xuất kinh doanh”.
Ai đứng sau?
“Dựa” vào Quyết định số 3163 của UBND TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan như: UBND quận 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 và cả Công ty Bắc Nam 79 liên tục có văn bản, hành vi thúc ép gia đình ông Thanh phải di dời “ngay” khỏi căn nhà số 69A Lý Tự Trọng. Công ty Bắc Nam 79 còn ra văn bản cho rằng gia đình ông Thanh đang “chiếm giữ bất hợp pháp” căn nhà 69A Lý Tự Trọng.
Phân tích về vụ việc này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho biết: “Quyết định số 3163/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 của UBND TP. Hồ Chí Minh nêu việc chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 sử dụng đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực chứ không phải số nhà 69A Lý Tự Trọng, quận 1 (mà gia đình ông Thanh đang sử dụng hợp pháp). Nếu UBND quận 1 cố tình cưỡng chế căn nhà 69A thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật, tương tự như vụ án cưỡng chế “nhầm” căn nhà ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.
Tôi chưa phân tích sâu đến việc lấy tài sản của Nhà nước giao cho doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng một quyết định là đúng hay sai nhưng theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Luật Đất đai 2013 thì nếu đây là dự án thương mại, phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải trực tiếp thỏa thuận với người dân, không thể để tình trạng “mượn” công cụ của Nhà nước để ép buộc người dân được”.
Đề nghị cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh sớm vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ tính pháp lý của dự án trên.
Lê Duy
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.