Vụ bê bối thịt bẩn của Brazil không chỉ khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn gây hoang mang trong tâm lý người tiêu dùng khắp thế giới. Ngay tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cũng đã có 3.000 tấn thịt gia cầm được nhập về từ Brazil và bán với giá siêu rẻ. Liệu rằng trong số những lô hàng ấy có sản phẩm của những doanh nghiệp được điều tra?
Việt Nam cần có giải pháp ngăn chặn thịt bẩn.
Bê bối nghiêm trọng
Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số 1 thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu thịt lợn. Kim ngạch xuất khẩu 3 sản phẩm này trong năm 2016 đạt tới 11,6 tỷ USD. Sản phẩm thịt của Brazil có mặt tại 150 quốc gia.
Chiến dịch chống thịt bẩn (Weak Flesh) được tiến hành từ ngày 17/3/2017 tại 6 bang của Brazil sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm. Cảnh sát liên bang đã bố ráp tại 194 địa điểm với sự tham gia của hơn 1.000 sĩ quan. Các nhà điều tra cáo buộc một số lãnh đạo DN chế biến thịt đã hối lộ các thanh tra viên y tế và chính trị gia để có được giấy chứng nhận của chính phủ cho sản phẩm. Tất cả những quan chức bị phát hiện dính líu vào cáo buộc trên đã bị đình chỉ công tác. Tuy nhiên, hiện mới có 21 trong tổng số hơn 4.000 đơn vị giết mổ và sản xuất thịt cùng 33 trong tổng số 11.000 nhân viên bị tiến hành điều tra.
Hơn 30 công ty đã bị buộc tội có những hoạt động không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trong số này có JBS - nhà XK thịt bò lớn nhất toàn cầu, và BRF là nhà sản xuất thịt gia cầm hàng đầu thế giới. Trong năm này, nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới JBS có doanh thu ròng 170 tỷ Reais (55 tỷ USD) từ 150 quốc gia, trong lúc nhà XK gia cầm lớn nhất Brazil BRF có doanh thu ròng 39 tỷ Reais (12 tỷ USD).
Cảnh sát liên bang Brazil cho biết, có bằng chứng ít nhất 40 vụ việc, trong đó các công ty sử dụng a xít và các hóa chất khác để xử lý sản phẩm, thậm chí có chứa chất gây ung thư. Trong những trường hợp khác, khoai tây, nước và thậm chí giấy bồi được trộn với thịt gà nhằm tăng trọng lượng để thêm lợi nhuận.
Sau “bê bối” thịt bẩn từ Brazil, ngay lập tức Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil sau vụ nước này bị cáo buộc đưa hối lộ để xuất khẩu thịt bẩn, thịt thối ra toàn thế giới. Đến nay chính quyền chưa ghi nhận trường hợp tử vong hoặc suy giảm sức khỏe nào do tiêu thụ số thịt bẩn có nguồn gốc từ BRF và JBS. Hai công ty cũng phủ nhận mọi cáo buộc sai quy trình xử lý.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi cho biết, chính phủ đã cho ngưng xuất khẩu thịt ở 21 công ty. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích cuộc điều tra của Cảnh sát Liên bang là “gieo rắc nỗi sợ hãi”, dựa vào một số trường hợp “cá biệt” mà gây ảnh hưởng đến 4.800 doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt của nước này.
Trung Quốc là nước tiêu thụ 1/3 thịt nhập khẩu từ Brazil, đóng góp 13,9 tỷ USD cho quốc gia châu Mỹ này trong năm ngoái. Trong khi vụ bê bối đang được cảnh sát Brazil tiếp tục làm rõ, Bắc Kinh quyết định đình chỉ toàn bộ việc nhập khẩu thịt từ Brazil. Liên minh châu Âu ngày 21/3 cũng ngưng hoàn toàn nhập khẩu thịt của Brazil. Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát những sản phẩm đã nhập từ Brazil. Sản phẩm từ nước này chiếm 80% trong số 107.400 tấn gà mà Hàn Quốc nhập khẩu năm ngoái.
Mới đây, thương vụ Việt Nam tại Brazil đưa ra khuyến cáo cơ quan chức năng siết chặt nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của quốc gia này nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước.
Nhiều giải pháp ngăn chặn “thịt bẩn” từ Brazil
Trước thông tin thịt bẩn của Brazil đang náo loạn thị trường thế giới, nhiều người không khỏi lo ngại, Việt Nam có nhập thịt từ Brazil không? Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hằng năm tới các nước trên thế giới. Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, tiết lộ thông tin “sốc”: Giá thịt gà đông lạnh nhập từ Brazil về cảng Việt Nam có thời điểm rẻ như cho, chỉ khoảng 0,3-0,45 USD/kg, tương đương hơn 6.700-10.000 đồng/kg.
Ông Quyết nhận định, thịt gà Brazil bán vào Việt Nam rất nhiều, trong khi thịt heo, trâu, bò… số lượng không lớn. Nếu tính về giá thành chăn nuôi gà thì Việt Nam cũng ngang ngửa Brazil, Mỹ, Canada…, khoảng 1 USD/kg gà công nghiệp.
“Nếu Brazil có lợi thế về nguồn thức ăn chăn nuôi có sẵn với khối lượng lớn về bắp, đậu nành thì Việt Nam cũng có những lợi thế khác. Như chi phí nhân công ở Việt Nam chỉ khoảng 200 USD/người/tháng, trong khi chi phí nhân công tại Brazil lên đến cả 2.000 USD/người/tháng. Vì vậy, thịt gà đông lạnh vận chuyển từ Brazil đi nửa vòng trái đất về cảng Việt Nam cũng phải có mức giá trên 1 USD/kg mới hợp lý chứ không thể có mức quá rẻ, 0,3-0,45 USD/kg. Giá rẻ khó tưởng như vậy đủ giết chết ngành chăn nuôi gia cầm trong nước”, ông Quyết phân tích.
Cũng theo ông Quyết, nguyên nhân chính khiến giá thịt gà Brazil nhập về Việt Nam rẻ bèo chỉ có thể là hàng cận hoặc hết “đát” (hết hạn sử dụng). Chẳng hạn thịt gà ở Brazil chỉ có hạn sử dụng trong sáu tháng nhưng lượng hàng tồn không bán được chỉ còn hạn sử dụng khoảng một tháng thì giá rẻ hơn nhiều. Thậm chí, hàng vừa hết hạn sử dụng bán rẻ như cho vì sẽ phải tiêu hủy hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Về giải pháp ngăn chặn thịt bẩn từ Brazil, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khẳng định: Các cơ quan chức năng nước ta sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề chất lượng. Cụ thể đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt. Nếu đạt yêu cầu thì mới được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Cũng theo đại diện Cục Thú y, đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, theo đó các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil.
Ngày 20/3/2017, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 485/TY-KD chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam, trong đó có nội dung: Giao các cơ quan thú y vùng, chi cục kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.
Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện tại đã có một số nước đã hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt từ Braxin (như Hàn Quốc, EU, Chilê,…). Cục Thú y đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như một số nước nêu trên.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chiều 21/2, ông đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi về vấn đề thịt bẩn của Brazil đang gây lo ngại ở nhiều nước.
“Tôi đã giao cho lãnh đạo hai đơn vị này kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến vấn đề nhập khẩu, kiểm soát thịt từ Brazil. Sau khi lãnh đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi chính thức có văn bản đề xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ xử lý ngay”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám, khẳng định.
Ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Braxin. Theo đó, bộ quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Braxin đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23/3/2017. Bộ trưởng giao Cục Thú y kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Braxin về Việt Nam trước ngày 23/3/2017. Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy này thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để xem xét, xử lý theo quy định. Thông báo chính thức cho cơ quan có thẩm quyền của Braxin biết để phối hợp thực hiện. Tổ chức kiểm tra, xác nhận việc Braxin kiểm soát được thịt và sản phẩm thịt đảm bảo an toàn thực phẩm và báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT. |
Khánh Nguyên
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.