Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 10 năm 2015 | 6:0

Kiến nghị phạt Trường Trung cấp Y Hà Nội vì “giữ” bằng gốc của giáo viên

Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư công lý Hà Nội, nhận định, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi “giữ” bằng chuyên môn gốc của giáo viên.

>> Trường Trung cấp Y Hà Nội “giữ” bằng gốc của giáo viên sai luật?

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, gần đây, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội (đóng tại quận Hà Đông, TP.Hà Nội) ngang nhiên ban hành văn bản mang nặng tính “dọa nạt”, yêu cầu đội ngũ giáo viên phải nộp văn bằng chuyên môn gốc đến hết thời hạn hợp đồng mới có thể được nhận lại. Quy định này khiến nhiều giáo viên hết sức phẫn nộ, hoang mang.

Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi ban hành văn bản có tính  ép buộc, "dọa nạt" giáo viên.

Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư công lý Hà Nội, nhận định, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi ngang nhiên “giữ” bằng chuyên môn gốc của giáo viên. Theo ông Hưng, việc nhà trường yêu cầu các giáo viên phải nộp văn bằng gốc là hành vi vi phạm pháp luật và theo quy định, sẽ bị xử phạt hành chính để cảnh cáo, răn đe.

Đồng quan điểm như luật sư Hưng, ông Đào Việt Thanh, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, lãnh đạo Trường Trung cấp Y Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động. “Theo luật pháp, vì bất cứ lý do gì, lãnh đạo trường cũng không có quyền được thu giữ bằng của giáo viên. Tôi sẽ kiến nghị UBND TP. Hà Nội xử phạt đơn vị này”, ông Thanh cho hay.

Bên cạnh đó, sau khi bị báo chí phản ánh, lãnh đạo Trường Trung cấp Y Hà Nội thường xuyên dọa nạt, ép giáo viên khai ra ai là người tiết lộ thông tin cho báo chí. “Giờ chúng tôi rất sợ. Nếu nhà trường phát hiện ra ai tố cáo, chắc chắn sẽ đuổi việc”, một cô giáo cho hay.

Theo một nguồn tin phóng viên nắm được, để tìm cách đối phó, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Y Hà Nội có thể sẽ quyết định rút ngắn thời hạn hợp đồng từ 36 tháng như hiện nay xuống còn 12 tháng, thậm chí 6 tháng. “Nếu không thu giữ được bằng, nhà trường sẽ rút ngắn thời gian ký kết hợp đồng. Việc này khiến đội ngũ giáo viên càng hoang mang hơn khi tương lai không được đảm bảo”, một nhân chứng nói.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm thành lập đoàn thanh kiểm tra Trường Trung cấp Y Hà Nội, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đội ngũ giáo viên đang công tác tại đây.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin sự việc này đến bạn đọc.

Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định như sau: Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động. Tại khoản 2 có quy định "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động"

Khoản 3 quy định về biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Hồng Duy 

 

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top