Trong khi nhiều nơi bị tác động bởi dịch tả lợn châu Phi thì trang trại lợn rừng của anh Chu Quang Phúc ở thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn - Bắc Kạn) không hề bị ảnh hưởng mà còn phát triển khá tốt.
Đó là nhờ anh thực hiện tốt quy trình phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi khoa học.
Dám làm
Trang trại lợn rừng của anh Phúc nằm ở một khu đồi biệt lập gọi là đỉnh Mu Muộn, cách xa nơi dân cư, xung quanh được rào chắn bằng lưới B40. Người muốn vào khu chăn nuôi phải qua khâu khử khuẩn, đây là điều bắt buộc để giảm thiểu rủi ro, hạn chế tác động nguồn bệnh từ bên ngoài.
Trang trại mà anh Phúc đầu tư có diện tích đất rừng hơn 10ha, trong đó 4ha được sử dụng để chăn nuôi. Không gian rộng, thoáng đãng, đầu tư bài bản chính là “chìa khóa” để mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh thành công. Hiện tại, trang trại của anh Phúc có tổng đàn lên đến gần 500 con, ngoài ra anh còn nuôi thêm dúi, ngỗng...; doanh thu mỗi năm ước 2-3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ và thời vụ. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, không ngại khổ, anh Phúc đã được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn ghi nhận, điển hình là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT vì có thành tích trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2018.
Để có kết quả như ngày hôm nay, anh Phúc trải lòng: “Tôi quê ở Phú Bình (Thái Nguyên), trước đây cũng từng phải bươn trải qua nhiều công việc khác nhau, lặn lội đến các chợ để kinh doanh, buôn bán. Nhận thấy đất đai miền núi rộng, có tiềm năng để phát triển chăn nuôi, vậy là mình thử làm, mới đầu chỉ nuôi ít, sau dần nâng lên”.
Năm 2008, anh mua thử 2 cặp lợn giống thuần chủng miền Trung về nuôi thử, do chưa có kinh nghiệm, lứa đầu tiên thất bại. Rút kinh nghiệm, anh tìm hiểu nguyên nhân, đi học hỏi ở nhiều nơi rồi tiếp tục đầu tư nuôi lợn đen, lợn bản địa, tuy nhiên giống lợn này thịt nhiều mỡ, khó bán nên kém hiệu quả. Không nản chí, anh tiếp tục lựa chọn nuôi lợn rừng, vì đây là giống có đặc tính hoang dã, ăn tạp, sức đề kháng cao, được nhiều khách hàng ưa thích.
Năm 2012, từ nguồn vốn tích lũy cộng với tiền vay từ ngân hàng, anh mua khoảng 100 con lợn giống về nuôi, rồi tự gây giống, nhân đàn. Từ năm 2014 đến nay, trang trại chăn nuôi lợn dần hoạt động ổn định, có thời điểm tổng đàn lên đến hàng nghìn con. Lấy ngắn nuôi dài, anh tiếp tục bỏ ra khoản tiền không nhỏ đầu tư đường vào trang trại, tuyến đường dài hơn 1km từ Quốc lộ 3B lên đến khu vực chăn nuôi giờ đã được bê tông, thuận lợi trong vận chuyển, tiêu thụ, nhờ đó lượng khách đến mua lợn giống, lợn thịt ngày càng nhiều.
Chăn nuôi khoa học
Nhằm giúp cho vật nuôi khỏe mạnh, tránh tình trạng cận huyết, anh Phúc chú ý đến việc tách giống; lợn mẹ, lợn đực giống chia từng khu riêng biệt. Vì vậy, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, đàn lợn tăng trưởng đều.
Để giảm bớt chi phí, anh mua máy nghiền thức ăn, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như: Ngô, đỗ tương, rau củ quả tạp. Thức ăn cho lợn được anh ủ chế phẩm sinh học và bổ sung thêm bỗng bia để tăng sức đề kháng, giúp vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt. Hiện nay, lợn giống và lợn thịt được anh bán với giá 150.000-160.000 đồng/kg, sở dĩ bán giá sàn như vậy, theo anh Phúc, là để tạo điều kiện cho các hộ khó khăn mua được lợn giống.
Chia sẻ về việc chăn nuôi lợn rừng trong điều kiện dịch bệnh, anh Phúc cho biết, phải làm tốt việc phun khử trùng, trang trại phải cách xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, bãi chăn thả đủ rộng để cho lợn có thể chạy nhảy. Ngoài ra, nên trồng cỏ, mía, ngô làm thức ăn cho vật nuôi. Một yếu tố quan trọng nữa là thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn, tuân thủ nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để hạn chế phát sinh mầm bệnh.
Sau nhiều năm gây dựng mô hình chăn nuôi lợn, giờ đây, anh Phúc đã có trong tay tài sản nhiều tỷ đồng. Thời gian tới, anh dự định mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng tổng đàn nhằm tiến tới vừa cung cấp lợn thịt, vừa bán lợn giống. Tận dụng diện tích rộng, anh đầu tư nuôi dúi, ngỗng, gà thả vườn với số lượng khá lớn, phục vụ nhu cầu thị trường.