Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 8 năm 2017 | 2:0

"Kỳ án" phân bón giả của Công ty Thuận Phong: Chính phủ chỉ đạo 6 bộ vào cuộc, vụ việc vẫn chưa kết thúc

KTNT - Những tưởng đơn giản, nhưng vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) đã kéo dài hơn 2 năm; mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, 6 bộ tham gia, nhiều cơ quan chức năng cùng vào cuộc nhưng do vướng mắc giữa luật, nghị định, thông tư hướng dẫn… mà đến nay, sự vụ này vẫn chưa thể kết thúc.

Diễn biến ban đầu

Ngày 24/4/2015, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) phối hợp với đoàn 389 tỉnh Đồng Nai kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, phát hiện việc sang chiết rót phân bón dạng nước, đồng thời tạm giữ một lượng lớn các loại phân bón mang nhãn hiệu Breakout, Vitol, Zap, Boron…. cùng nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA”. Khi đó, đoàn kiểm tra ghi biên bản có dấu hiệu sản xuất hàng giả nên tạm giữ tang vật. 

Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong – Khiếu Mạnh Tường đã xác nhận toàn bộ số nhãn hàng hóa của lô hàng được Công ty Thuận Phong thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam.

Kết quả giám định lần 1 của Trung tâm Kỹ thuật Đo lường 3 và kết quả giám định là 29 mẫu sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong thì có tới 19 mẫu sản phẩm có kết quả không phù hợp, không đủ 70% chỉ tiêu thành phần được công bố trên bao bì và theo quy định thì tỷ lệ dưới 70% - được xác định là hàng giả.

Không đồng ý với kết quả giám định này, ông Khiếu Mạnh Tường, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã đề nghị cho giám định lại 29 mẫu sản phẩm phân bón lần 2, tại Công ty SGS, kết quả giám định lần thứ 2, tỷ lệ còn thấp hơn lần 1.

Diễn biến của sự việc đã trở nên phức tạp hơn với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có kết luận phân bón giả; Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cũng kết luận: phân bón của Công ty Thuận Phong kiểm định 19/29 mẫu phân bón không phù hợp (không đạt chất lượng); Bộ Tư pháp kết luận phân bón giả; Bộ Quốc phòng kết luận giả mạo địa điểm sản xuất phân bón giả; Bộ Nông nghiệp và PTNT kết luận phân bón giả; Bộ Công Thương (là cơ quan quản lý Nhà nước về phân bón) cũng có Công văn số 388 (ngày 5/8/2016) báo cáo Văn phòng Chính phủ kiểm định kết luận 08 mẫu phân bón giả....

Điều đáng nói là, trong khi các cơ quan quản lý còn chờ đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì trong tháng 5/2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 1419 xử phạt hành chính đối với công ty Thuận Phong về 7 sai phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, với tổng mức phạt là 509.500.000 đồng, yêu cầu Công ty Thuận Phong nộp tiền phạt vào Kho bạc trong thời hạn 10 ngày, nếu không khiếu nại. Vụ việc xử phạt hành chính này lại càng gây bức xúc trong dư luận cũng như cho chính những cơ quan quản lý.

Tranh cãi quyết liệt

Ngày 3/6/2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo 389 bàn về vụ án này bởi có xung đột về ý kiến giữa các cơ quan. Bộ Công an cho rằng không đủ căn cứ khởi tố về tội sản xuất phân bón giả. Trong khi Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng lại có quan điểm ngược lại.

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty Thuận Phong. Ảnh: Danviet

Theo Bộ Công an, qua điều tra, những sai phạm của Công ty Thuận Phong không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Nhưng theo báo cáo của tổ công tác liên ngành, Văn phòng Thường trực Ban 389 quốc gia thì lại thấy có đủ căn cứ để khởi tố.

Bộ KH&CN cho rằng, Công ty Thuận Phong đóng chai dán nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Mỹ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất đóng gói hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định số 185/2013 của Chính phủ, hàng hóa có nhãn vi phạm như trên là hàng giả. Bộ Quốc phòng cũng có quan điểm tương tự.

Bộ KH&CN cũng đã có công văn trả lời Công an tỉnh Đồng Nai liên quan đến vấn đề nhãn hàng hóa chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong. Bộ này dẫn lại công văn đã gửi Văn phòng Chính phủ từ ngày 20/9/2015 khẳng định: Công ty Thuận Phong đóng chai dán nhãn chính bằng tiếng Anh là nhãn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dán nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác, giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.

Bộ Tư pháp có ý kiến bằng văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu: Việc Công ty Thuận Phong gắn nhãn gốc bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ phân bón Mỹ nhập khẩu lên các sản phẩm chai phân bón 1 lít là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp số lượng lớn, có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 158 BLHS 1999.

Cũng theo bộ này thì hành vi sang chiết từ bồn nhựa có dung tích 1.000 lít vào chai 1 lít, đóng chai, dán nhãn chính bằng tiếng Anh, tem nhãn phụ tiếng Việt vào sản phẩm phân bón nhập khẩu của Công ty Thuận Phong là hành vi kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu cấu thành tội kinh doanh trái phép tại Điều 159 BLHS 1999. Dù BLHS 2015 bỏ tội danh này nhưng theo Nghị quyết số 109/2013 của Quốc hội về thi hành BLHS thì từ ngày 1/7/2016, hành vi kinh doanh trái phép theo BLHS 1999 xảy ra trước 0 giờ ngày 1/7/2016 mà sau ngày này vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS 1999.

Bộ Quốc phòng cũng có quan điểm tương tự.

Ngày 16/11/2016, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản kết luận về vụ việc nêu trên. Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 5 bộ, gồm Bộ Công Thương (tại Văn bản số 338/BCT-HC, ngày 5/8/2016), Bộ NN & PTNT (Văn bản số 142/BNN-TT ngày 7/7/2016), Bộ KH&CN (tại Văn bản số 114/BKHCN-TĐC, ngày 27/6/2016, và ý kiến của Bộ Tư Pháp, Bộ Quốc Phòng tại cuộc họp này về việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra căn cứ ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tại các văn bản đã nêu trên và ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng tại cuộc họp để xử lý những vi phạm của Công ty Thuận Phong trong sản xuất, buôn bán phân bón theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/3/2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, UBND tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong, đảm bảo việc xử lý đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện kiểm sát quá trình điều tra, xử lý vi phạm đối với công ty Thuận Phong của các cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Sự việc kéo dài

Những tưởng sau sự chỉ đạo quyết liệt của Phó thủ tướng, vụ việc sẽ đi đến hồi kết, nhưng thực tế vẫn dậm chân tại chỗ. Ngày 9/6/2017, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến tình trạng phân bón giả.

Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đề cập cụ thể đến vụ án này. Đại biểu Cương nói: “Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong được 6 Bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý”.

Đại biểu Cương gọi đây là “kỳ án” và nói tiếp: “Một vụ việc mà hai đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực của hai nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo, rồi các bộ có liên quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố”.

Gửi ý kiến của mình tới Chính phủ, đại biểu Cương nói: “Tôi mong Chính phủ giúp tôi câu trả lời để không phải “chuyển câu trả lời cho nhiệm kỳ kế tiếp” như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói tại nhiệm kỳ trước”.

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giải thích lý do là vì có vướng mắc giữa luật, nghị định, thông tư hướng dẫn dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau đối với những vấn đề liên quan tới phân bón giả hay không giả. Vì thế Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án và Viện KSND tỉnh này đã đồng thuận. Nhưng sau đó dư luận xã hội không đồng tình, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Phó thủ tướng, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.

“Khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, tôi được giao nhiệm vụ và đã chỉ đạo làm nghiêm. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại và có ý kiến với Viện KSND Tối cao chỉ đạo làm lại cho đúng pháp luật” - Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vì cơ quan này đã đồng ý không khởi tố nên phải ra quyết định hủy làm cơ sở phục hồi điều tra. Trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm xem xét cán bộ thừa hành nếu có sai phạm.

Đại biểu Cương mong Phó thủ tướng thể hiện rõ quan điểm về vụ việc vì nó ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân. Ông Cương đề xuất: “Nếu phục hồi điều tra mà giao cho Công an tỉnh Đồng Nai thì không khách quan. Nếu có thể được, đề nghị Chính phủ giao cho CQĐT của Bộ Công an hoặc CQĐT của VKSND Tối cao tiến hành”.

Phản hồi từ Công ty Thuận Phong

Về phía Công ty Thuận Phong, mới đây lãnh đạo công ty này đã có công văn giải trình, thừa nhận các vi phạm và cho biết đã kỷ luật, sa thải một số cán bộ có liên quan.

Công văn do ông Khiếu Mạnh Thường, Tổng Giám đốc Công ty Thuận Phong gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Thường trực kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng các cơ quan chức năng, nêu rõ: Căn cứ vào diễn biến toàn bộ vụ việc vi phạm hành chính xảy ra tại Công ty Thuận Phong từ ngày 24/4/2015 đến nay, Công ty đã nghiêm túc nhận khuyết điểm.

Trong công văn cũng nêu rõ các nội dung đã vi phạm như vi phạm về hợp quy, về đăng ký kinh doanh, về chỉ dẫn sở hữu công nghiệp; vi phạm về thiếu thông tin bắt buộc về nơi sang chiết đóng chai phân bón tại Việt Nam và sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức công bố.

Đề cập tới 29 sản phẩm do Công ty Thuận Phong sản xuất, công văn nêu rõ trong 175 chất của 29 sản phẩm, có 19 chất bị thiếu so với công bố, nhưng 19 chất này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Đề cập về nguyên nhân dẫn tới vi phạm, Công ty Thuận Phong cho rằng, trang thiết bị sản xuất phân bón còn hạn chế; năng lực, trình độ, khả năng quản lý, giám sát phân bón còn thiếu sót nên sản phẩm của doanh nghiệp thường xuyên có những khuyết điểm; cập nhật các vấn đề pháp lý còn hạn chế; năm 2014 nhiều văn bản mới được ban hành, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm phân bón rất chặt chẽ nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt kịp thời…

Công văn của Công ty Thuận Phong cũng liệt kê các hoạt động khắc phục sai phạm như vay tiền ngân hàng để đại tu, sửa chữa, nâng cấp nhà máy sản xuất; sửa chữa, khắc phục những nội dung vi phạm về nhãn hàng hóa nhập khẩu; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, sa thải một số cấp quản lý kỹ thuật có liên quan…

“Qua vụ việc trên, Công ty Thuận Phong có gửi lời xin lỗi và cam kết về sau sẽ không khiếu nại, kiến nghị hoặc khiếu kiện bất cứ nội dung nào liên quan đến vụ việc trên”, lãnh đạo Công ty này cho biết.

Đề nghị truy cứu hình sự 

Từng chia sẻ nhiều lần với báo giới, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy một lần nữa nhấn mạnh, hơn 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành hàng chục nghị định, thông tư về sản xuất, kinh doanh và quản lý phân bón nhưng tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa giải quyết được mà ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Phân bón giả đã bị phát hiện trong các đại lý kinh doanh phân bón, trong phòng kiểm nghiệm, kiểm định...

Đặc biệt, hiện có hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thực thi công vụ tham gia tiếp tay cho gian thương để đưa phân bón giả ra thị trường và tạo điều kiện cho phân bón giả có đất sống. Đây là những "quả bom nổ chậm" phá hoại và làm vô hiệu hóa các Nghị định, Thông tư, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.

Qua vụ việc này, ông Thúy đề nghị: Làm phân bón giả thì phải truy cứu hình sự. Chứ làm phân bón giả mà xử phạt hành chính thì không ai sợ cả, chỉ phạt hành chính thì không có nghĩa lý gì. Do vậy, không chỉ xử lý hình sự việc sản xuất, buôn bán phân bón giả của công ty Thuận Phong mà cần xử lý những ai bao che vụ việc, làm sai lệch hồ sơ. 

60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tiêu thụ hàng hóa là phân bón giả. Nhẹ thì thiệt hại mùa màng, nặng thì mất trắng. Cây chết là một nhẽ, tài nguyên đất đai cũng bị xâm phạm nghiêm trọng, do nạn sử dụng phân bón giả. Đất đai bạc màu, cằn cỗi dẫn đến đời sống của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ước tính của các cơ quan chứ năng thì, gần 60.000 tỷ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Gần 2.000 tỷ đồng thiệt hại mỗi năm của ngành sản xuất phân bón vì nạn phân bón giả.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính, sẽ đi đến kinh doanh thua lỗ, do hành vi cạnh tranh không lành mạnh đẩy các doanh nghiệp này đễn bờ vực phá sản, kiệt quệ.

Nguyễn Tố

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top