Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 4 năm 2019 | 12:32

Kỳ vọng nỗi buồn “vàng trắng” sớm qua!

10 năm kể từ ngàycây cao su bén rễ trên đất Tây Bắc, loại cây này vẫn chưa thể mang lại no ấm cho người dân.

anh-quàng-văn-dính-bên-gốc-cao-su-10-năm-tuổi-ảnh-pv.JPG
Anh Quàng Văn Dính bên gốc cao su 10 năm tuổi. (Ảnh: PV)

Sau những choáng ngợp và hứa hẹn ban đầu, bây giờ, ở nhiều địa phương của Tây Bắc, hiển hiện một nỗi buồn mang tên “vàng trắng”.

Không như kỳ vọng

Năm 2008, anh Quàng Văn Dính, Trưởng bản Thẳm A, xã Tông Lạnh (Thuận Châu - Sơn La) hăm hở cùng 95 hộ dân khác trong bản góp đất trồng cao su với hy vọng cuộc sống từ đây sẽ sang trang mới. Anh Dính mạnh dạn góp 5.700m2 đất cùng Công ty CP Cao su Sơn La trồng cao su từ năm 2008. Cũng như anh, người dân trong bản Thẳm góp đến 43ha đất trước đây trồng ngô, sắn cùng doanh nghiệp ươm mầm “vàng trắng”. Bản Thẳm A khi đó có tới 27-28 người được đi làm công nhân cao su của công ty.

Rồi cây cao su cũng bén rễ nhưng sự sinh trưởng không được như kỳ vọng. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã 10 năm, những dòng nhựa đầu tiên đã chảy, nhưng tiền cổ tức thì...

Anh Dính bảo, diện tích cao su ở bản Thẳm A bắt đầu cho cạo mủ từ năm 2018, đến đầu năm 2019, bà con mới nhận được chi trả đợt 1 tiền cổ tức từ việc góp đất. “Hộ nhiều nhất nhận được 500.000 - 600.000 đồng, hộ ít nhất chỉ vài nghìn đồng”,  anh Dính nói.

Tiền cổ tức quá thấp, công nhân không có việc nên số người đi làm cũng rơi rụng dần, hiện cả bản chỉ còn 2 người được gắn mác “công nhân”.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại bản Thẳm B (xã Tông Lạnh) và nhiều địa phương của tỉnh Sơn La như Mai Sơn, Mường La. Anh Lò Văn Hòa, Trưởng bản Thẳm B, cho biết, cả bản có 105/133 hộ góp đất trồng cao su, tổng diện tích 64ha, riêng nhà anh phải mượn thêm đất hàng xóm cho đủ 1ha để được đi làm công nhân cao su.

 

anh-lò-văn-hòa-cho-pv-xem-giấy-tờ-liên-quan-đến-diện-tích-đất-cho-thuê-trồng-cao-su-ảnh-pv.JPG
Anh Lò Văn Hòa cho PV xem giấy tờ liên quan đến diện tích đất cho thuê trồng cao su. (Ảnh: PV)

 

Anh Hòa cho biết, cao su mới cho cạo mủ 2-3 năm nay, thời gian cạo từ tháng 7 đến tháng 12, tập trung chính vào 3 tháng 8 - 9 - 10. Thời gian cạo mủ từ 2-3 giờ đến sáng, vất vả nhưng tính ra công lao động chỉ được 70.000- 80.000 đồng/ngày, 600.000 đồng/tháng, nhưng cũng chỉ được 2-3 tháng cao điểm, còn lại là ế việc.

Năm 2017 - 2018, anh Hòa bắt đầu nhận được cổ tức do cao su vào chu kỳ khai thác, với số tiền 224.000 đồng/năm. Trong bản Thẳm B, hộ được chia cổ tức cao nhất là bà Lường Thị Dính, nhận 560.000 đồng cho gần 2ha đất (công ty quy định dân nhận tối đa 800.000 đồng/ha cao su).

“Bí” đất sản xuất

Một vấn đề đau đầu hiện nay là, diện tích đất đã góp hết cho doanh nghiệp trồng cao su, cả bản Thẳm A giờ chỉ còn 6,5ha đất nông nghiệp, nếu chia bình quân, mỗi khẩu chỉ có chưa đầy 100m2 để canh tác.

Ngay như nhà anh Dính, sau khi góp hết đất trồng cao su, gia đình chỉ còn lại 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) để canh tác, trong khi diện tích cao su chưa được cạo mủ. Hiện chỉ có khoảng 50% diện tích cao su ở bản Thẳm A được khai thác mủ sau 10 năm.

Tương tự, gia đình anh Lò Văn Thương ở bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn có 1ha đất trồng mía, sắn, rau… Khi có dự án cao su, anh giao cho công ty 3.000m2, hiện còn 7.000m2 trồng mía và nhãn. 10 năm trồng cao su nhưng không mang lại lợi nhuận, anh Thương muốn xin lại đất để trồng cây ăn quả nhưng theo hợp đồng góp đất, điều này là không thể, nếu nhận lại, người dân phải đền bù với chi phí khá lớn.

Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, thừa nhận, thu nhập và sinh kế cho người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn xã là một vấn đề đau đầu, nhất là trong điều kiện nhiều diện tích cao su vẫn chưa thể đưa vào khai thác mủ, dù tuổi đời đã 9 - 10 năm.

“Cái được lớn nhất sau 10 năm triển khai trồng cao su là môi trường được cải thiện, các mó nước (mạch nước ngầm) trong xã lúc nào cũng đầy ắp, chứ không cạn kiệt như xưa. Cây cao su tới đâu, hạ tầng đường sá, trường mầm non, nhà văn hóa đi tới đó; các hoạt động từ thiện, cho vay vốn hỗ trợ người dân trồng cao su cũng được triển khai thường xuyên... Tuy nhiên, số diện tích đã cho khai thác mủ nhưng số tiền mà người dân góp đất nhận được hàng năm lại quá ít ỏi do giá cao su thấp, một phần do năng suất mủ ở những giai đoạn đầu còn thấp khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn”, ông Sâm nói.

Đợi đến bao giờ?

10 năm có lẽ là khoảng thời gian khá dài để người dân ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc mong một cuộc đổi đời từ cây cao su, cái họ cần là những giải pháp tạo sinh kế trước mắt.

Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thừa nhận, cuộc sống của người dân ở nhiều vùng trồng cao su đang gặp khó khăn. Hiện, tổng diện tích cao su của cả huyện đạt 413ha, trong đó có một số ít diện tích đã cho khai thác mủ. “Do khai thác mủ muộn, mấy năm làm công nhân không có thu nhập nên nhiều người bỏ việc”, ông Thắng kể.

Cũng theo ông Thắng, nguyện vọng của người dân là được nhận lại đất để sản xuất nhưng điều này là rất khó, nếu tự ý phá hợp đồng thì phải đền bù với chi phí rất lớn nên không khả thi.

“Năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung đối thoại với các bản và người dân, tuyên truyền vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh. Trong trường hợp người dân cho khai thác mủ cao su mà thu nhập thấp thì sẽ phải tính phương án khác”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La, cũng thừa nhận, trong những năm đầu tiên, số lượng người dân góp đất đi làm công nhân rất nhiều, nhưng đến những năm chu kỳ cuối, ít việc, một số người dân bỏ đi làm việc khác, chỉ khi có việc công ty mới gọi quay lại làm. Hiện, số công nhân được ký hợp đồng chính thức khoảng 2.500 người.

“Cao su khi đã khép tán, công việc rất ít, không mất công chăm sóc nhiều nên một số hộ chuyển đổi công việc khác. Thời điểm này, cao su bắt đầu đưa vào khai thác, công ty lại gọi những người đó về làm công nhân. Riêng công nhân khai thác mủ được trả lương theo sản lượng chứ không cố định”, ông Đức nói.

Năm nay, Công ty CP Cao su Sơn La đưa thêm 1.200ha vào khai thác nên nhu cầu việc làm rất cao nhưng nhiều người có trong danh sách công nhân viện nhiều lý do chưa chịu đi làm. Đặc biệt, khu vực Tông Lạnh và Nông trường Châu Sơn đang thiếu công nhân khai thác. Tuy nhiên, theo anh Lò Văn Hòa, Trưởng bản Thẳm B, xã Tông Lạnh, một trong những lý do người dân không mặn mà là do thu nhập từ nghề khai thác mủ cao su không cao, lại làm đêm hôm vất vả.

Cũng theo ông Đức, từ khi các công ty cao su đầu tư lên đây, người dân có công việc ổn định, người dân là công nhân được đóng BHXH, BHYT,… Khi cao su đến nơi nào thì nơi đó có điện, đường, trường, trạm...

Đơn cử, Công ty CP Cao su Sơn La đã xây dựng 12 nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân; trích hơn 7 tỷ đồng từ phí dịch vụ môi trường rừng cho người dân vay để mua bò nhốt chuồng. Toàn bộ cán bộ, công nhân viên có nhu cầu, công ty sẽ cho vay vốn không lấy lãi, bao giờ bán bò sinh sản thì trả lại cho công ty.

Trong những năm đầu tiên cạo mủ, công ty cũng có chế độ, chính sách riêng. Ví dụ đất tỉnh giao không phải chia sản phẩm cho người dân nhưng công ty cũng lấy những cái đó để hỗ trợ một phần cho hộ có đất trồng cao su nhưng chưa được khai thác qua hình thức thưởng những ngày lễ, Tết, công đi chăm sóc vườn cây...

“Những năm gần đây, giá mủ cao su giảm, cộng với sản lượng thấp nên người dân được chia ít. Đến năm thứ 4, khi sản lượng tăng lên và hy vọng giá cải thiện thì chắc chắn người dân và cả công ty sẽ có lãi”, ông Đức kỳ vọng.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại, những khó khăn của người dân là có thật. Nên chăng, cần có sự đối thoại thẳng thắn, cởi mở và trách nhiệm để “vàng trắng” trên đất Tây Bắc không còn là nỗi buồn khó giải tỏa.

 

Tây Bắc hiện có khoảng 25.000ha cao su, trong đó nhiều nhất là Lai Châu 12.000ha, Sơn La 7.000ha, Điện Biên 3.500ha.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cao su được xác định là cây đa mục đích, vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây lâm nghiệp.


 

 

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top