Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 28 tháng 11 năm 2021 | 8:42

Lâm Đồng: Người dân kêu trời vì chất thải xả trực tiếp xuống suối

Ô nhiễm nguồn nước, mùi hôi thối của chất thải khi trang trại heo, cơ sở tái chế rác thải, cơ sở chế biến cà phê, lò than xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tiếng ồn, khói bụi mù mịt của từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng (đá) từ Mỏ đá Dương Phát và dư chấn của những lần nổ mìn của Mỏ đá khiến người dân vô cùng bức xúc.

khói bụi mù mịt của từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng (đá) từ Mỏ đá Dương Phát
Khói bụi mù mịt của từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng (đá) từ Mỏ đá Dương Phát. (ảnh: P.V)

Nhiều năm nay, người dân thôn 1, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng phải sống trong cảnh dở khóc, dở cười khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nước thải của trang trại heo, xưởng chế biến cà phê, xưởng tái chế rác thải nhựa, cũng như tiếng ồn và khói bụi mù mịt của những đoàn xe chở VLXD đá từ mỏ đá Dương Phát.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, PV đã có mặt tại khu vực ngự trị của 4 doanh nghiệp đang ngày đêm “hành dân” về tình trạng ô nhiễm môi trường. Trang trại heo của Hộ dân Huỳnh Văn Trận với quy mô 3.000 con heo thịt không có hồ sơ pháp lý về môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường.

Xả thải ô nhiễm môi trường
Xả thải ô nhiễm môi trường. (ảnh: P.V)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, cho biết: "Chúng tôi chưa nhận bất cứ phản ánh nào từ người dân nơi đây về tình trạng ô nhiễm của trang trại heo của hộ dân Huỳnh Văn Trận. Tuy nhiên, từ sự phản ánh của PV, chúng tôi sẽ cho lực lượng kiểm tra. Nếu có tình trạng ô nhiễm khi quan sát bằng mắt thường thì chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý, cũng như hướng dẫn chủ trang trại hoàn thiện thủ tục pháp lý về môi trường".

Xả thải trực tiếp ra môi trường.
Xả thải trực tiếp ra môi trường. (ảnh: P.V)

"Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, UBND xã Gia Lâm đã nhiều lần cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra, nhưng rồi đâu cũng vào đấy, tình trạng xả thải vẫn diễn ra hằng ngày. Các anh có cách nào giúp dân với, chứ chúng tôi khổ lắm rồi. Thôn 1, xã Gia Lâm với 150 hộ dân nhưng các doanh nghiệp cứ xả thải kiểu này thì nguồn nước sạch đâu mà dùng, bệnh rồi ung thư hết cả thôi”, bà N.T.L  buồn bã nói.

Xả thải trực tiếp ra môi trường.
Xả thải trực tiếp ra môi trường. (ảnh: P.V)

Còn theo anh N.V.C sinh sống cạnh Mỏ đá Dương Phát bất lực: ”Mỗi lần Mỏ đá Dương Phát nổ mìn, nhà chúng tôi rung lên bần bật, dư chấn khiến nhà chúng tôi nứt, nẻ hết. Nhà tôi mới làm công trình phụ với nhà bếp 300 triệu đồng, nay nứt hết. Nhiều lần phản ánh lên chính quyền và giám đốc nhà máy nhưng không thấy bất cứ động thái nào nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. Mặt khác, với ít vườn trồng dâu tằm nằm ngay cạnh đường di chuyển của những xe chở vật liệu của Mỏ đá Dương Phát, những năm qua chúng tôi không thể canh tác nâng cao cuộc sống được.”

Theo bà Loan – chủ cơ sở chế biến cà phê Hùng Loan cho biết: “Cơ sở ngừng hoạt động 3 năm nay do tình hình Covid – 19, với giá nông sản quá thấp. Mới hoạt động trở lại thời gian gần đây nên còn nhiều sơ suất, cơ sở có khắc phục nhưng chưa triệt để. Thời gian tới cơ sở sẽ cố gắng khắc phục dần dần.”

Theo ghi nhận của PV, tình trạng ô nhiễm do xe chở đá trong quá trình di chuyển là đúng theo phản ánh của người dân. Bên cạnh đó, những xe chở đá từ Mỏ đá Dương Phát có dấu hiệu quá tải, quá khổ đang ngày ngày cày nát đường dân sinh tại thôn 1, xã Gia Lâm.

Xe chở đá từ Mỏ đá Dương Phát có dấu hiệu quá tải, quá khổ
Xe chở đá từ Mỏ đá Dương Phát có dấu hiệu quá tải, quá khổ. (ảnh: P.V)

Khi PV vào xác minh hoạt động của Mỏ đá Dương Phát, điều làm PV ngạc nhiên nhất là không thấy những xe chở đá từ Mỏ đá đi ra qua thiết bị cân để giám sát trọng tải, cũng như khối lượng đá trước khi xuất bán. Việc gian lận trong hoạt động khai thác khoáng sản đá của Mỏ đá Dương Phát đã gây thất thoát tài nguyên, thuế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và từng bước phá nát đường dân sinh.

Trước thực trạng trên, đề nghị chính quyền xã Gia Lâm, UBND huyện Lâm Hà, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng khẩn trương vào cuộc kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp trên. Qua đó, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc buông lỏng quản lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn ngân thuế, tài nguyên khoáng sản của đất nước. Đảm bảo tình hình an ninh trật tự - an toàn giao thông và môi trường trong lành cho người dân.

Trước đó, ngày 04/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Chỉ thị 09 thay thế Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/8/2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Theo điều 4 của Chỉ thị 09/CT-UBND tỉnh Lâm Đồng: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là các hành vi: không lắp đặt camera giám sát, trạm cân; các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động xấu đến cảnh quan môi trường; các trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép… Đồng thời, tổ chức ra quân thực hiện việc xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi); rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định.

Văn Quý, Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top