Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 10 năm 2016 | 4:5

Làm rõ việc học 17 tháng lấy bằng tiến sỹ: Bộ Giáo dục và Đào tạo “né” làm việc với báo chí

Sau 12 ngày đặt lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên quan đến việc ông Nguyễn Cảnh Phú, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh lấy bằng tiến sỹ chỉ sau 17 tháng tại Liên bang Nga, phóng viên vẫn chưa có buổi làm việc chính thức với cơ quan chức năng của Bộ này. Trong khi đó, Vụ Giáo dục đại học được giao làm việc với phóng viên lại đùn đẩy trách nhiệm sang đơn vị khác.

Các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo né tránh việc trả lời báo chí liên quan đến bằng tiến sỹ của ông Nguyễn Cảnh Phú.

Liên quan tới việc của ông Nguyễn Cảnh Phú, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh lấy bằng tiến sỹ một cách “siêu tốc”, ngày 26/9 (thứ 2), phóng viên mang giấy giới thiệu và nội dung đặt lịch làm việc với Bộ GD&ĐT. Tại đây, phóng viên được ông Nguyễn Thế Cường, chuyên viên Phòng nghiệp vụ 4 (Thanh tra Bộ) tiếp nhận và cho biết, sẽ trình lãnh đạo Bộ để giao cho đơn vị chuyên môn xử lý.

Lãnh đạo Bộ đã giao cho Thanh tra Bộ xử lý, tuy nhiên, sau đó Thanh tra Bộ lại chuyển cho Vụ Giáo dục đại học. Ngày 4/10, bà Cao Thị Thanh Mai, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học liên hệ với phóng viên cho biết, Vụ đã xử lý xong những nội dung mà báo yêu cầu. Theo đó, bà Mai cho biết, trước khi học tiến sỹ, ông Phú học bác sỹ đa khoa hệ 5 - 6 năm. Với hệ này, ông Phú học tiếp 3 năm nữa sẽ lấy được bằng tiến sỹ. Hiện nay, bằng tiến sỹ của ông Phú đã được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chấp nhận.

Thắc mắc về việc ông Phú học có 17 tháng vẫn được cấp bằng tiến sỹ?, bà Mai cho biết, việc này phải trao đổi với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, vì đơn vị này đã chấp nhận tấm bằng này.

Để có thông tin chính thức từ lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, phóng viên đề nghị Vụ trả lời bằng văn bản hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo. Bà Mai cho biết, Vụ trưởng là bà Nguyễn Thị Kim Phụng đang đi công tác, khi nào bà Phụng về sẽ trình và xử lý sau.

Trong Sơ yếu lý lịch của ông Phú cho thấy ông học một cách “siêu tốc”, chỉ trong 17 tháng (từ 11/2001 – 7/2003) đã lấy được bằng tiến sỹ.

Ngày 5/10, phóng viên tới Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đặt lịch làm việc. Tại đây, bà Phạm Thị Thúy, cán bộ văn phòng Cục cho biết, theo quy định của Bộ, tất cả các cơ quan báo chí đến đây liên hệ làm việc phải qua Văn phòng Bộ. Bộ tiếp nhận rồi mới chuyển về các đơn vị có liên quan. Do vậy, yêu cầu phóng viên qua Văn phòng Bộ để đặt lịch.

Tới Văn phòng Bộ GD&ĐT, phóng viên thắc mắc về cách làm của Bộ gây khó cho các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, bà Hồ Thị Tuyết Mai, lễ tân Văn phòng Bộ cho biết, đây là quy định của Bộ.

Xung quanh việc lựa chọn, bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh giữa hai Phó hiệu trưởng gồm: ông Nguyễn Cảnh Phú và ông Cao Trường Sinh, dư luận thắc mắc, ông Nguyễn Cảnh Phú học, lấy bằng tiến sỹ một cách “siêu tốc” chỉ trong 17 tháng, không qua đào tạo thạc sỹ.

Còn theo một thông tin khác, ông Phú chưa qua quản lý cấp khoa, phòng nên không đáp ứng tiêu chuẩn hiệu trưởng theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Ngày 6/10, phóng viên liên hệ lại với bà Cao Thị Thanh Mai, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học trao đổi về việc Vụ trả lời báo bằng văn bản hoặc phóng viên sang làm việc chính thức với lãnh đạo Vụ.

Bà Mai cho biết, bà Phụng chưa về. Ông Đặng Quang Việt, Phó vụ trưởng nói nếu báo muốn trả lời bằng văn bản thì phải có văn bản chính thức sang đây. “Báo em phải có công văn kính gửi, kính thư, đóng dấu, có chữ ký lãnh đạo sang đây mới trả lời bằng văn bản. Vì nó là thể thức hành chính” - ông Việt khẳng định - “Trong trường hợp em muốn làm việc để lãnh đạo trả lời thì 3 câu hỏi của em không thuộc chức năng của Vụ vì cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc trách nhiệm của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Về nội dung bổ nhiệm lại thuộc Vụ Tổ chức cán bộ”.

Qua vụ việc trên thấy, cách làm của Bộ GD&ĐT còn nhiều bất cập, nếu không nói là đi ngược với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ. Đặc biệt là, xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm làm việc khiến cơ quan báo chí không có thông tin chính xác để phản ánh kịp thời đến bạn đọc.

Hoàng Văn

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top