Sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực ở một số HTX được cải thiện, qua đó từng bước giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nhiều chính sách thúc đẩy HTX được ban hành
Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; Thông tư 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch 57/KH-UBND ngày 24/03/2018 về việc thực hiện thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2020.
Kế hoạch nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo, thu hút số sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn góp phần tăng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành HTX; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; tạo sự gắn bó làm việc lâu dài của đội ngũ trí thức trẻ có năng lực đã qua đào tạo tại khu vực kinh tế tập thể, HTX nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020. Khi kết thúc mô hình thí điểm nếu trí thức trẻ có nhu cầu gắn bó và công tác lâu dài tại HTX, HTX vẫn còn nhu cầu lao động thì các HTX tạo điều kiện thuận lợi để trí thức trẻ tiếp tục tham gia làm việc tại HTX; khi đó sẽ được HTX trả lương bằng nguồn kinh phí của HTX.
Ngày ngày 10 tháng 12 năm 2019, HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025. Theo Nghị quyết, hỗ trợ 100% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho Nhà đầu tư có dự án đầu tư trong danh mục dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 05 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho Nhà đầu tư có dự án đầu tư trong danh mục dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/dự án.
Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân vốn vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng, đồng thời căn cứ vào thời hạn hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng nhưng tối đa không quá 05 năm đối với dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; không quá 07 năm đối với dự án trồng cây lâm nghiệp kinh doanh lấy gỗ nguyên liệu; không quá 10 năm đối với dự án trồng cây ăn quả, cây đặc sản; không quá 12 năm đối với dự án trồng cây gỗ lớn; không quá 03 năm đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp khác.
Bên cạnh đó, Nghị Quyết còn hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông lâm sản; giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ về làm việc tại Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và một số hỗ trợ khác.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho HTX
Đến hết ngày 31/12/2017, toàn tỉnh Lạng Sơn có 02 liên hiệp HTX và 98 HTX nông nghiệp. Tổng số thành viên các HTX là 2.009 người, bình quân mỗi HTX có khoảng 20 thành viên, chủ yếu là đại diện các hộ gia đình. Tổng số cán bộ quản lý hợp tác xã là 335 người, bình quân 3,4 người/01 HTX; cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ cấp, trung cấp 51 người (chiếm 15,2%); đạt trình độ cao đẳng, đại học 41 người (chiếm 12,2%); chưa qua đào tạo 243 người (chiếm 72,6%). Cán bộ lãnh đạo và quản lý hợp tác xã chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (chiếm 72,6%); số HTX có hợp đồng sản phẩm đầu vào, hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thấp,... Nhờ có mô hình đưa tri thức trẻ về làm việc tại các HTX nên tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển, các tri thức trẻ cũng có nhiều cơ hội phát huy trí tuệ, năng lực cuả mình.
Chị Lương Thúy Hoàn, trí thức trẻ được hỗ trợ đưa về HTX, hiện nay là kế toán HTX thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: Khi được về làm việc tại HTX, tôi luôn nỗ lực học hỏi, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho HTX. Qua đó không chỉ làm tốt nhiệm vụ kế toán mà tôi còn hỗ trợ HTX thêm những nội dung khác như: tham gia góp ý xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại…
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX thủy sản Lê Hồng Phong cho biết: Việc hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ổn định cho HTX. Nếu như năm 2017, doanh thu của HTX đạt 1,4 tỷ đồng, thì đến năm 2019, doanh thu tăng lên 1,8 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 doanh thu tăng thêm do HTX mở rộng quy mô hoạt động. Thu nhập bình quân người lao động tăng từ 5,3 triệu đồng/người/tháng năm 2017 lên 6 triệu đồng/người/tháng năm 2020.
Thành phố Lạng Sơn thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển
Hiện nay, thành phố Lạng Sơn có 28 HTX nông nghiệp đang duy trì hoạt động, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả là 20 HTX (chiếm 71,4%), gấp 1,5 lần so với năm 2016; một số HTX đã vươn lên trở thành HTX nông nghiệp hàng đầu của tỉnh…
Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, xã Quảng Lạc cho biết: Với mô hình nuôi ong lấy mật, trước đây, việc sản xuất của các hộ thành viên HTX mang tính riêng lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường. Năm 2018, HTX được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để thực hiện đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm mật ong. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, HTX đã chủ động điều hành, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với kinh nghiệm sản xuất tích lũy từ trước của các hộ thành viên, đến năm 2019, sản phẩm mật ong của đơn vị đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, HTX duy trì khoảng 400 đàn ong (tăng 150 đàn so với năm 2017). Doanh thu của HTX đạt khoảng 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Trang, xã Hoàng Đồng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả cũng đã có những bước phát triển nhanh chóng trong 2 năm gần đây. Bà Hoàng Thị Kim, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới đi vào hoạt động (năm 2018), HTX gặp khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ… tuy nhiên, được nhà nước hỗ trợ hơn 800 triệu đồng và tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tem mác, quảng bá giới thiệu sản phẩm… nên đến nay, hoạt động của HTX đi vào ổn định. Hiện tại, diện tích trồng cây ăn quả của HTX đã tăng lên 13 ha trong đó có khoảng 10 ha cho thu hoạch; lợi nhuận khoảng 12 -15 triệu đồng/sào/năm.
Ngoài 2 HTX kể trên, thành phố Lạng Sơn còn có nhiều HTX nông nghiệp khác tiếp cận nhanh chóng các chính sách hỗ trợ của nhà nước và phát huy tốt nội lực tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp An Sơn, HTX Nà Sèn, HTX Hoa đào Bản Cao, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp An Hồng…. Hầu hết chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn không ngừng được nâng lên; từng bước hoạt động ổn định, xây dựng được các mô hình sản xuất phù hợp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh của các HTX thì các cấp, ngành ở thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tháo gỡ khó khăn, phát triển HTX nông nghiệp.
Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Thời gian qua, phòng tích cực tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp như: hỗ trợ thành lập mới, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các HTX tham gia vào các mô hình, dự án phát triển sản xuất; tuyên truyền vận động thành lập mới HTX… Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó lồng ghép các nội dung về phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác được 415 buổi với sự tham gia gần 26.000 lượt người; hỗ trợ 5 HTX nông nghiệp về địa điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau an toàn; hỗ trợ một số HTX nông nghiệp tham gia vào các dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí nhà, nước trên 2,7 tỷ đồng…
Tạo nền tảng cho HTX phát triển bền vững
Trong 3 năm trở lại đây, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Phát triển cây ăn quả Nhật Tiến (xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng) tập trung sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, và theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, đầu năm 2018, HTX triển khai sản xuất gần 30 ha bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, 50ha na theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Báo, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thực hiện sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất na an toàn, hiệu quả tăng rõ rệt. Việc sử dụng phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chăm sóc cắt tỉa cành, quả theo quy trình,… khiến cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, giá trị kinh tế được nâng lên, giá bán tăng khoảng 8- 10 nghìn đồng/quả). Hiện nay, HTX có gần 30 ha bưởi, trên 50 ha na, 20 ha nhãn, thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hữu Lũng cho biết: Từ năm 2018, bằng các nguồn vốn khác nhau, UBND huyện đã hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững,... Hiện nay, toàn huyện có trên 4.700 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 1.600 ha na; 430 ha nhãn; 455 ha bưởi; 170 ha cam; 172 ha xoài. Năm 2020, với khoảng 2,7 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, phòng tiếp tục tham mưu với UBND huyện tập trung hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.
Cùng với đó, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu phổ biến quy trình gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm quả được sản xuất theo yêu cầu nông sản sạch; nâng cao tỷ lệ diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP; mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với các hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025. Với nhiều mức hỗ trợ hấp dẫn cho sản xuất nông nghiệp phát triển sẽ là những động lực để đưa kinh tế HTX của tỉnh phát triển, qua đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị sản xuất cho xã hội.