KTNT- Không dây chuyền sản xuất, chỉ những máy trộn ly tâm thô sơ, cũ nát dùng để vê tròn những hỗn hợp nhầy nhầy, ướt át đầy màu sắc thành viên tròn như phân kali rồi đóng thành bao xuất đi nhiều cơ sở sản xuất phân bón trong, ngoài tỉnh. Hoạt động trên của Công ty TNHH một thành viên Công nghệ xanh, tại Lương Sơn (Hòa Bình) đã diễn ra khá lâu nay và không ít các doanh nghiệp ở Hà Nội đã “lặn lội” về đây “ăn hàng”.
Từ thông tin phản ánh của bạn đọc tới báo Kinh tế nông thôn về một cơ sở tại Lương Sơn (Hòa Bình) chuyên thu mua, gom đất đen rồi mang về nghiền thành bột, trộn lẫn với chất bột màu như bột mỳ rồi sản xuất thành viên như phân kali, sau đó bán cho các ông chủ sản xuất phân bón ở Hà Nội làm phân bón giả, nhóm phóng viên đã vào cuộc điều tra làm rõ.
Hóa đơn GTGT của Công ty TNHHMTV Công Nghệ Xanh bán cho Cty Thiên Long HN.
Tại xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, chúng tôi đã tiếp cận hiện trường tại xưởng chuyên cung cấp loại đất đen này của Công ty TNHH một thành viên Công nghệ xanh (Cty Công nghệ xanh). Tại đây, nhóm PV chứng kiến hàng loạt bao tải chứa chất bột màu trắng như bột mỳ, bên ngoài bao bì ghi bột mỳ chuyên dụng, bột mỳ tôm hùm - bột mỳ thông dụng. Giáp chân đồi đất đen là 3 máy trộn ly tâm với mục đích trộn lẫn, vê thành viên những chất bột trên với nhau để xuất cho khách hàng, diện tích không quá 300m2 nhưng được tận dụng triệt để cho sản xuất đất.
Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc Công ty Công nghệ xanh, loại đất đen này chính là P205 dùng trong sản xuất phân bón nhưng hàm lượng thấp chỉ chiếm 0,83% so với tiêu chuẩn sản xuất phân bón là từ 16% trở lên. Tuy nhiên, cũng không hiểu người ta mua để làm gì nhưng rất nhiều khách hàng tìm đến đây đặt loại đất này, số lượng lớn có, nhỏ cũng nhiều và chủ yếu qua điện thoại – ông Thắng tiết lộ.
Còn theo người dân sở tại, việc mua bán đất đen này có thể liên quan đến đường dây sản xuất phân bón giả, nhằm gây thiệt hại cho sản xuất của người dân.
Lần theo địa chỉ trên hóa đơn bán hàng của Công ty Công nghệ xanh cho Công ty Thiên Long – Hà Nội, chúng tôi đã mục sở thị “đại bản doanh” của doanh nghiệp này. Hình ảnh đập vào mắt PV là một khu trộn đất chứ không phải công ty sản xuất phân bón như đã đăng ký. Đối lập hoàn toàn với những cơ sở sản xuất phân bón mà PV được tham quan, thì ở đây dây chuyền sản xuất không có. Trên “công trường” có khoảng 5 công nhân đang nhiệt tình xúc từng xẻng bột màu do bếp đổ vào máy trộn ly tâm. Khắp cơ sở sản xuất của Cty này, toàn những bao phân có nhãn mác Trung Quốc, phân NPK Lào Cai, cả những bao không nhãn mác vừa may, vừa buộc túm miệng bao và không thể thiếu loại đất đã nhập trên Hòa Bình… đang rỉ nước ướt nhầm nhập chất đầy kho. Từng đống phân đã được vê tròn thành viên đang đợi khách bốc đi.
Khi PV hỏi hỏi “đây là đất hay là gì?” thì được một công nhân đang xúc đổ vào máy đáp “là đá”. Trả lời PV về việc nhập loại đất đen (P205- 0,83%) trên Hòa Bình, ông Trần Thành, Giám đốc Công ty Thiên Long khẳng định: “Đây là lân tự do không dùng được và chúng tôi không nhập loại này”.
Hiện Cty chúng tôi nhập các chất về trộn, đóng gói thành sản phẩm bán cho khách hàng. Bình quân một năm xuất từ 500 – 800 tấn và mỗi lô hàng đều có kiểm định – ông Thành cho biết thêm.
Dây chuyền sản xuất phân bón giả của Cty Thiên Long HN.
Từng bao phân nhãn mác Trung Quốc và cả loại đất đen được xếp đầy kho.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận giấy tờ trên thì ông này lại từ chối: “Hiện tại chúng tôi chưa có hàng, chắc là tôi không lưu”. Còn về nguyên liệu thì : “Nhập qua công ty tư nhân, lân – Lào Cai; Urê – Trung Quốc; Kali”. Song cũng không cho biết địa chỉ cụ thể vì phải “giữ bí mật”.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với UBND xã Cao Thắng, theo ông Cao Xuân Ái, Chủ Tịch xã cho biết: “Cuối năm 2012, nghe người dân phản ánh, chúng tôi đến lập biên bản, nghi vấn về phân lân giả và báo cáo huyện, nhưng xử lý như thế nào thì chúng tôi không biết”.
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho hay: “Loại P205 này không dùng trong sản xuất phân bón được nếu đạt số chuẩn của nó là 16,2% trở lên và phải đăng ký, đăng kiểm mới được”.
Trong khi, lúc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có những văn bản chỉ đạo sát sao và xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thì Công ty Thiên Long – Hà Nội lại có những hoạt động khuất tất trong sản xuất. Điều này cảnh báo nguy hại cho những người nông dân nơi Công ty tiêu thụ hàng khi mua phải loại phân này. Ai là người đảm bảo chất lượng trong mỗi bao phân và khi người nông dân mua phải thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm? câu hỏi này xin dành cho cơ quan hữu quan Hà Nội đứng ra soi xét mang lại công bằng cho người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Nhóm PVĐT
KTNT