Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 10 năm 2014 | 10:27

Lãnh đạo xã Định Hòa: Đất 5%, muốn thu lúc nào thì thu!?

KTNT - Chưa giải quyết xong hợp đồng xã ký chồng lên hợp đồng huyện cũng như việc hỗ trợ khi dừng hoạt động lò gạch thủ công của gia đình ông Phạm Văn Tuyết thì lại “lòi” ra những hợp đồng sai phạm khác ở xã Định Hòa (Yên Định-Thanh Hóa). Đó là việc UBND xã ký hợp đồng trái thẩm quyền với các hộ dân trên đất 5% và tự ý thu đất để cắt cho hộ khác làm trang trại nuôi đà điểu, trong khi hợp đồng thuê đất còn hiệu lực.


Ông Tuyết, ông Thăng, ông Chiến bức xúc trước cách làm 
của lãnh đạo xã Định Hòa.

Ông Tuyết tiếp tục có đơn thư phản ánh chính quyền xã Định Hòa tự ý thu hồi đất của gia đình ông. Cụ thể:  năm 2011, UBND xã Định Hòa cho ông thuê 18.741m2 đất (trong đó đất lúa 9.791m2; ao 8.950m2); thời hạn cho thuê đến 2016. Tuy nhiên, đầu vụ xuân 2014, khi đang làm đất cấy lúa thì xã mời ông lên làm việc và thông báo sẽ thu hồi 5.790/18.741m2 để bàn giao cho một hộ ở xã Định Bình chăn nuôi đà điểu. “Tôi bảo nếu xã muốn chuyển đổi sang nuôi đà điểu, nuôi lợn, nuôi gà… thì tôi sẽ chuyển đổi và xin đừng thu đất của tôi. Nhưng UBND xã cho biết vùng này thuộc quy hoạch của xã, nếu gia đình có nhu cầu thì sau cho thuê chỗ khác”.

Cũng theo ông Tuyết, khoảng đầu tháng 6/2014, để bàn giao diện tích đất trên cho xã, ông phải thu hoạch lứa cá mới thả hơn một tháng đem đi bán lỗ. “Việc làm của xã thật phi lý, họ muốn lấy là cứ lấy mà không quan tâm đến thiệt hại của dân trong khi hợp đồng của gia đình tôi vẫn còn hiệu lực mà xã thu đất không có một văn bản nào”, ông Tuyết nói.

Chung cảnh ngộ, hộ ông Lê Đình Chiến bỗng dưng nhận được thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đang làm trang trại của gia đình, trong khi thời hạn hợp đồng còn đến 2025. Ông Chiến bức xúc cho biết, năm 2005 (theo hợp đồng xã ký 20 năm), ông đầu tư thâm canh lúa và nuôi 31 con bò. Đến 2007, sau khi nhận bằng khen hộ làm ăn giỏi từ huyện về thì UBND xã Định Hòa gửi thông báo thu 2,6 mẫu ruộng của gia đình ông mà không có bất kỳ lý do gì. Ruộng bị thu hẹp, bò không có  đủ thức ăn, buộc ông phải bán rẻ 19 con. Từ thời điểm đó đến nay, tuy thu nhập có giảm nhưng mỗi năm trang trại của gia đình ông cũng cho thu lãi 50 triệu đồng/năm.

Đầu vụ xuân 2014, UBND xã Định Hòa lại tiếp tục thu của gia đình ông Chiến hơn 1.300m2 vì vướng vào “quy hoạch” nuôi đà điểu của xã. Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất (khoảng tháng 9/2014), xã tiếp tục có thông báo thu toàn bộ diện tích còn lại của gia đình ông. “Hợp đồng đã nói rõ bên nào sai bên đó chịu trách nhiệm nhưng thực tế chỉ có dân chịu khổ chứ biết kêu ai”, ông Chiến nói.     

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2005, UBND xã Định Hòa ký hợp đồng “cho thuê đất phát triển kinh tế trang trại trên đất 5% ngân sách xã” đối với hai hộ ông Lê Đình Chiến và Lê Đình Thăng, cùng ở thôn Nhì 2 với thời hạn 20 năm. Theo đó, trên hợp đồng không có số, ghi tháng 4/2005, nêu rõ: Thống nhất cho bà Lê Thị Lục (vợ ông Thăng) thuê khu vực đất Mau Nhì, diện tích 10.016m2, bắt đầu từ 28/4/2005 trở đi. Hợp đồng của ông Lê Đình Chiến thuê 16.822m2. Với 2 hợp đồng này, UBND xã Định Hòa hoàn toàn ký sai thẩm quyền cho phép và để “sửa sai”, ngày 28/4/2005, UBND xã lại ký tiếp một hợp đồng có thời hạn 5 năm (từ 28/4/2005 - 28/4/2010) với bà Lê Thị Lục, diện tích 10.516m2, khu vực Mau Nhì. Như vậy, cùng một diện tích, xã ký liền 2 hợp đồng và hai bản hợp đồng của các hộ này vẫn tồn tại song song bởi xã chưa thanh lý bản hợp đồng nào.

Ông Lê Đình Chiến cho biết:  Xã nói ký bổ sung 1 hợp đồng có thời hạn 5 năm là để thay đổi mức thu sản theo giá hiện hành, còn thực tế hợp đồng 20 năm vẫn có hiệu lực bởi hợp đồng này từ trước tới nay  chưa thanh lý lần nào.

Trái ngược với phản ánh của người dân, trong buổi làm việc ngày 3/10/2014, ông Lê Văn Sướng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Định Hòa, nói: “Lúc ký hợp đồng 20 năm anh em không biết nên đã ký sai… Còn việc cắt đất của các hộ thì phải có sự đồng ý của họ thì xã mới lấy được đất chứ”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với các hộ dân thì ý kiến của họ đều trái ngược với lời của ông Sướng: Trong cuộc họp thông báo thu hồi đất, họ đã đề xuất được giữ lại diện tích bị thu hồi để ổn định sản xuất nhưng chỉ nhận được câu trả lời của lãnh đạo xã là đất 5% xã muốn thu lúc nào thì thu, không cần văn bản giấy tờ gì?

Đề nghị các ban ngành chức năng huyện Yên Định sớm vào cuộc, làm rõ phản ánh của người dân Định Hòa.
 
Tân Thành
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Nhập lậu gia cầm, vấn nạn nhức nhối của ngành chăn nuôi

    Mỗi năm có hàng triệu con gia súc, gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ khiến cho sản xuất trong nước gặp áp lực lớn mà còn mang theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề dịch bệnh. Chưa kể, con giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi, thế nhưng việc quản lý dường như còn bỏ ngỏ.

  • Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sóc Trăng xử phạt một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên 250 triệu đồng

    Sáng 27/6, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh đại lý vật tư nông nghiệp với tổng số tiền xử phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp là 254,3 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện buôn bán phân bón với thời hạn 4,5 tháng…

  • Ruộng lúa của dân bị chết cháy bất thường

    Ruộng lúa của dân bị chết cháy bất thường

    Cơ quan chức năng huyện Phú Hoà (Phú Yên) đang khẩn trương điều tra, truy tìm nguyên nhân lúa mới gieo sạ được 15 ngày trên diện tích 1.300m2 của một gia đình ở xã Hoà Trị bị chết cháy bất thường.

Top