KTNT - Phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng nhằm xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, một số cán bộ địa phương ở Quảng Bình đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn tùy tiện bán đất vườn của dân để trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế gia đình người có công (NCC) với cách mạng, khiến dư luận bất bình.
Bà Đồn chỉ vườn cây 35 năm tuổi của hộ gia đình khai khẩn sử dụng trên đồi núi ỒỒ bị bán để trục lợi.
Trong đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng, ông Dương Văn Lợi (Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất) và vợ là bà Trần Thị Đồn (Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba) ở thôn Lục Sơn, xã Trường Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) phản ánh:
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, năm 1982, vợ chồng ông là hộ đầu tiên vào vùng đồi ỒỒ khai khẩn 12.000m2 đất để trồng tràm, keo, khoai, sắn… Ngày 25/10/2009, UBND huyện Lệ Thủy đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Dương Văn Lợi, bà Trần Thị Đồn với diện tích 2.138m2, thửa đất số 315, 316, tờ bản đồ số 8 (có sơ đồ kèm theo).
Trong khi gia đình ông Lợi đang sử dụng ổn định thì tháng 10/2005, bà Nguyễn Thị Xuân Bảo ngang nhiên xây lăng mộ, làm nhà trái phép trên diện tích 1.764m2 đất vườn của bà Đồn. Khi bà Đồn thắc mắc thì bà Bảo đáp tỉnh bơ: “Lên UBND xã mà hỏi”. Điều đáng nói là, diện tích này nằm trong số 3.600m2 đất mà vợ chồng bà Đồn đã khai phá (nằm trong diện tích được cấp số đỏ 2.183m2). Chưa hết, tháng 5/2014, bà Đỗ Thị Loan cũng được UBND xã Trường Thủy đồng ý bán 2.138m2 đất của bà Đồn cho ông Trần Đình Phóng (con ông Trần Phi Anh). Bà Đồn đã ra sức ngăn cản. Trong khi đó, bà Loan khẳng định, bà được UBND xã đề nghị cấp sổ đỏ cho diện tích trên nhưng khi bà Đồn hỏi thì bà Loan không đưa ra được bằng chứng chứng minh quyền sở hữu. Quá bức xúc, bà Đồn gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên cơ quan chức năng các cấp, đề nghị các cơ quan quản lý vào cuộc để trả lại quyền lợi hợp pháp cho gia đình bà.
Qua nhiều lần họp hòa giải, bà Loan vẫn không chứng minh được nguồn gốc và quyền sở hữu hợp pháp mảnh đất trên, chính vì vậy, UBND xã Trường Thủy ra Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 khẳng định: Thửa đất số 317 bà Loan đang cho ông Anh làm nhà trái phép. UBND xã đã có công văn đình chỉ.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ông Phóng vẫn tiếp tục xây nhà và sử dụng diện tích đất vườn của gia đình bà Đồn. Bà Đồn tiếp tục gửi đơn tố cáo (kèm hồ sơ, tài liệu liên quan nội dung) đến Huyện ủy, UBND huyện. Tuy nhiên, ngày 16/2/2017, UBND huyện Lệ Thủy có Thông báo số 281/TB-UBND: “Không thụ lý giải quyết tố cáo”(!?). Ngày 22/3/2017, Thanh tra huyện Lệ Thủy cũng ra Báo cáo số 44/BC-TTr gửi cấp trên với nội dung: “Bà Đồn không cung cấp được chứng cứ liên quan…”?. Bà Đồn cho rằng, Chủ tịch UBND huyện chưa ký quyết định thụ lý xác minh theo trình tự pháp luật nhưng ông Đỗ Tuấn Phong (thân nhân gia đình bà Đỗ Thị Loan) là Chánh Thanh tra huyện tham mưu đơn phương, vội vã trả lời.
Ngày 26/5/2017, chúng tôi trực tiếp tìm hiểu lý do không thụ lý xác minh đơn tố cáo, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy và ông Đỗ Tuấn Phong, Chánh Thanh tra huyện Lệ Thủy đều có chung ý kiến từ chối thụ lý. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao chưa ký quyết định thành lập tổ xác minh để làm rõ? Căn cứ nào để vội vàng “kết luận” không cung cấp hồ sơ? Điều đáng quan tâm là, đảng viên, cán bộ chủ chốt bị “tố” vi phạm pháp luật, nhưng không phản hồi, không kiến nghị cơ quan chức năng xác minh làm rõ?
Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy sớm xem xét nghiêm túc thực hiện ra quyết định thụ lý xác minh nội dung tố cáo nói trên theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PVĐT
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.