Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2016 | 7:57

Lo ngại doanh nghiệp triển khai dự án gây ô nhiễm trên đất lúa: Người dân phản ứng quyết liệt

Trong lúc dư luận vẫn xôn xao chuyện Công ty TNHH Hải Linh ngang nhiên xây dựng không phép kho trung chuyển xăng dầu ngay trên phần đất bãi bồi hành lang đê thoát lũ thuộc xã Sông Lô (TP.Việt Trì - Phú Thọ) thì mới đây tại huyện Kim Bảng (Hà Nam), người dân địa phương còn khiêng cả quan tài đặt giữa đường để ngăn cản doanh nghiệp này triển khai dự án tương tự ngay trên quỹ đất lúa.

Khu đất dự kiến đặt trạm trung chuyển xăng dầu ở thôn Do Lễ. 

“Bỏ ngoài tai” chỉ đạo của Chính phủ!

Phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn, người dân thôn Do Lễ, xã Liên Sơn (Kim Bảng) tỏ rõ thái độ bức xúc trước việc UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho Công ty TNHH Hải Linh (Công ty Hải Linh) xây dựng dự án kho trung chuyển xăng dầu quy mô công suất lên đến 600m3/ngày. Dù là chủ trương lớn nhưng giới chức địa phương lại không hề thông báo cho người dân trong diện bị thu hồi đất biết trước.

Là một trong những hộ thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án, đảng viên Trần Văn Thật (trú thôn Do Lễ) khẳng định, trước khi ban hành quyết định thu hồi 58.606m2 đất trồng lúa tại địa phương để bàn giao cho Công ty Hải Linh đầu tư dự án trạm trung chuyển xăng dầu, lãnh đạo địa phương không hề thông báo cho người dân. “Hôm 26/11/2015, tự nhiên thấy một nhóm người lạ đưa theo máy móc thiết bị về đo vẽ, khảo sát khu đất, người dân trong thôn không hề biết họ về với mục đích gì”, ông Thật cho hay. Ngay tối hôm đó, tại cuộc họp chi bộ bất thường, các đảng viên mới “ngỡ ngàng” khi được người đứng đầu chi bộ thông báo chủ trương thu hồi trên. “Dù có tới 21/24 đảng viên không đồng ý thu hồi, giải phóng mặt bằng nhưng chính quyền địa phương vẫn cương quyết triển khai. Trong lúc Chính phủ chỉ đạo chỉ xem xét thu hồi đất lúa để phục vụ an ninh quốc phòng thì chính quyền tỉnh Hà Nam lại ban hành quyết định thu hồi đất lúa để giao cho doanh nghiệp xây kho chứa xăng dầu ngay trong khu dân cư đông đúc”, ông Thật nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, lý do chính khiến người dân phản đối dự án trên là việc thu hồi đất lúa khiến người dân mất chỗ canh tác, mất nguồn thu. Đồng thời, kho chứa xăng dầu khi đặt trong địa bàn đông dân cư rất dễ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Mạnh Đoàn, Trưởng thôn Do Lễ (trái) và ông Trần Văn Thật.

Thiếu minh bạch­?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/10/2015, UBND tỉnh Hà Nam có Văn bản số 2252/UBND-CT chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Hải Linh tại địa bàn thôn Do Lễ, xã Liên Sơn. Ngày 6/11/2015, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục ra Quyết định số 1370/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án này. Tiếp theo đó, ngày 25/11/2015, UBND huyện Kim Bảng tiếp tục “bật đèn xanh” cho Công ty Hải Linh triển khai dự án khi ban hành Thông báo số 95/TB-UBND về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án với diện tích 58.606m2 tại địa bàn thôn Do Lễ. Điều này khiến hàng chục hộ dân thôn Do Lễ càng thêm bức xúc khi “chính quyền chỉ mở đường cho doanh nghiệp, không quan tâm hay đả động gì đến quyền lợi của người dân”.

Ông Nguyễn Mạnh Đoàn, Trưởng thôn Do Lễ, cho biết: “Cách đây chục năm, dân chúng tôi còn có đồi rừng để sản xuất, còn bây giờ cuộc sống chỉ trông vào vài sào ruộng, nếu bị thu hồi hết thì chúng tôi chỉ còn nước chết đói. Dự án lại quá gần với khu dân cư, trường tiểu học, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, về lâu dài, kho xăng dầu lớn như thế thì không thể tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.

Theo người dân thôn Do Lễ, có tất cả 55 hộ thuộc diện phải bàn giao đất. Một số người dân trong diện phải bàn giao đất cho biết: “Lợi dụng lúc nhân lực chính trong gia đình đi vắng, chỉ còn người già trẻ nhỏ ở nhà, cán bộ xã xuống dụ dỗ người dân ký vào biên bản đồng ý, chứ thực tế chẳng hộ nào đồng ý đâu. Khi các nhân lực chính về nhà mới hay phần đất đã được người thân bàn giao cho chính quyền. Nhiều gia đình đã nảy sinh mâu thuẫn”.

Điều đáng nói, trường hợp các gia đình không chấp nhận bàn giao đất, chính quyền sẽ gây khó dễ cho người thân của họ. “Con em của chúng tôi đang làm công nhân hay viên chức ở địa phương sẽ bị gây khó dễ, thậm chí hù dọa cho thôi việc”, ông Thật cho biết. 

“Theo quy định thì quá trình thu hồi đất phải được thông báo rộng rãi và lấy ý kiến của nhân dân, nhưng đợt này chi bộ và nhân dân không biết gì. Chúng tôi thắc mắc thì tỉnh trả lời phải tranh thủ nếu chậm thì không có dự án”, ông Đoàn cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn, cho biết, dự án xăng dầu của Công ty Hải Linh là chủ trương lớn của UBND tỉnh, UBND xã chỉ chấp hành. “Xã đứng giữa, không biết hành xử thế nào. Đứng về dân thì mất lòng tỉnh, đứng về tỉnh thì mất lòng dân. Khó lắm… Hiện, vẫn còn hơn 20 hộ kiên quyết chưa đồng ý chủ trương”, ông Kỳ phân trần. Ngay sau khi triển khai dự án, người dân chưa đồng tình nên đã mang quan tài ra khu vực đất bị thu hồi để ngăn cản Công ty Hải Linh thi công.

Điểm a, khoản 1, Điều 69, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”. Thực tế cho thấy, UBND xã Liên Sơn chưa thực hiện đúng quy định trên.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Duy Lê

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top